Để các con không phải bỏ dở việc học hành, anh Mùa A Vạng cùng nhiều phụ huynh có con đang theo học tại 2 điểm trường Suối Thín và Pha Luông (xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) đã góp tiền, góp sức san đồi, dựng 10 căn nhà tạm nằm gần điểm trường để các con ở và tiện đi học.
Những đứa trẻ tự chăm nhau
Suối Thín và Pha Luông là 2 điểm trường xa xôi trong số 11 điểm trường thuộc Trường Tiểu học Chiềng Sơn (xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La). Đây là nơi học tập của gần 200 trẻ ở độ tuổi từ mẫu giáo đến lớp 5 (từ mẫu giáo đến lớp 1 học tại điểm trường Suối Thín, lớp 3 – lớp 5 học tại điểm trường Pha Luông).
Những năm gần đây, với sự hỗ trợ của dự án Nuôi em đến trường, trẻ mẫu giáo được hỗ trợ 6.800 đồng tiền thức ăn. Còn học sinh tiểu học thì không có chế độ này. Vì vậy, đều đặn mỗi tuần, những phụ huynh như anh Mùa A Vạng (24 tuổi, trú tại bản Suối Thín) phải vượt quãng đường 15km từ bản xuống để cung cấp đồ ăn cho các con.
Hôm chúng tôi đến điểm trường Suối Thín cũng là lúc anh Vạng chở lương thực xuống cho 2 người con và 7 đứa cháu đang học tập ở đây. Bên trong chiếc bao tải phần nhiều là gạo, còn lại là một túi cá khô, vài quả trứng. Đây là thực phẩm để bọn trẻ ăn trong một tuần.
Anh Mùa A Vạng cùng con trai tại điểm trường Suối Thín
Cũng đến thăm 2 con đang theo học tại điểm trường Suối Thín, chị Mùa Thị Sinh (30 tuổi) không mang theo cái gì vì nông sản trong nhà chưa bán được nên chị chưa có tiền để mua thức ăn cho con. Điều này đồng nghĩa với việc trong vài ngày tới, các con của chị Sinh sẽ ăn ké phần thức ăn của các bạn khác.
Trong những căn nhà tạm được dựng gần điểm trường Suối Thín mà chúng tôi ghé thăm, có 8-10 đứa trẻ ăn ở tập trung. Dù còn nhỏ tuổi nhưng chúng đã biết tự chăm lo cho nhau. Sau giờ học, đứa lớn có nhiệm vụ đi lấy củi còn những đứa nhỏ hơn thì đi lấy nước, lấy rau về chuẩn bị bữa ăn.
Mùa A Tòng (10 tuổi) là cậu bé lớn tuổi nhất trong số 8 đứa trẻ đang sống ở ngôi nhà tạm nằm hướng mặt ra phía thung lũng. Tòng được cô giáo giao nhiệm vụ quản lý và chăm sóc các em nhỏ.
Bữa cơm ngày đầu tuần của những đứa trẻ có sự “tiếp tế” lương thực từ phụ huynh nên thịnh soạn hơn hẳn, có mì tôm, cá và một quả dưa hấu nhỏ. Mì tôm và mấy con cá khô được Tòng chia nhỏ, cho vào nước sôi rồi thêm chút muối, trở thành nồi canh, mấy đứa trẻ chia nhau ăn ngon lành.
Cần đảm bảo an toàn cho trẻ
Gắn bó với điểm trường Suối Thín nhiều năm nên cô Nguyễn Thị Quang (50 tuổi) hiểu rõ những khó khăn của học trò. Thương các em học sinh nghèo vượt khó để tìm con chữ, thỉnh thoảng, cô và các giáo viên khác lại bỏ tiền túi ra để mua thêm thức ăn, cải thiện khẩu phần cho học sinh.
Cô Nguyễn Thị Quang, giáo viên tại điểm trường Suối Thín
“Sự hỗ trợ của thầy cô giáo là rất nhỏ, trường không có kinh phí để cung cấp bữa ăn cho các con. Thương học trò, chúng tôi mong các con sẽ được hỗ trợ bữa ăn để có sức học”, cô Quang bày tỏ.
Ông Quách Công Cường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chiềng Sơn, cho biết, do trường không có chế độ bán trú nên học sinh sau khi tan học đều phải trở về nhà. Tuy nhiên, do 2 điểm trường Suối Thín và Pha Luông, đặc biệt là Suối Thín, ở khu vực cao, cheo leo nên để đảm bảo an toàn cho các con, phụ huynh đã bàn nhau làm nhà tạm cho học sinh ở để tiện đi học.
Về phía nhà trường đã cử giáo viên vừa giảng dạy vừa phụ trách trông coi các em học sinh vào buổi trưa.
Trước băn khoăn về sự an toàn của những đứa trẻ khi chúng phải tự chăm nhau trong những ngôi nhà tạm, đặc biệt là khi mùa mưa bão đang đến gần, ông Dương Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Chiềng Sơn, cho biết, trước đây, người Mông ở Pha Luông và Suối Thín sống và canh tác ở giữa lưng chừng đỉnh Pha Luông.
Năm 1999, được sự vận động nên bà con đã xuống núi, định cư ở bản mới. Thế nhưng ở bản mới đất đai khó trồng lúa nên nhiều người lại kéo về bản cũ sinh sống.
“Từ bản cũ đến điểm trường cách nhau khá xa. Trước đây, người dân vẫn đưa đón con đi đi về về nhưng do đường xấu, nhất là khi trời mưa nên bà con phải dựng những ngôi nhà tạm cho trẻ ở lại học.
Mùa A Tòng (10 tuổi) được phân công chăm sóc các em nhỏ đang sống ở ngôi nhà tạm gần điểm trường Suối Thín
Việc các em nhỏ ở trong những ngôi nhà tạm tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, nhất là thời điểm vào mùa mưa bão. Tuy nhiên, đây chỉ là “giải pháp” tình thế, sau này tuyến đường được bê tông hóa, các em sẽ được về nhà trong ngày, không phải ở trong điều kiện như hiện tại”, ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn, để đảm bảo an toàn cho trẻ, chính quyền xã Chiềng Sơn đã yêu cầu những phụ huynh có con theo học tại 2 điểm trường nêu trên phải bố trí người trông coi. Hiện tại, các phụ huynh đều bố trí, phân công nhau trông coi các cháu buổi đêm. Còn ban ngày, phía nhà trường đã cử giáo viên trông coi các cháu sau giờ học. Vào ngày thứ 6 hằng tuần là phụ huynh lại xuống đón con về nhà.
Chủ tịch UBND xã Chiềng Sơn cho biết thêm, vị trí dựng nhà tạm để học sinh ở lại đều đã được chính quyền xã lắp đèn điện, đồng thời có lực lượng an ninh bản, bộ đội Biên phòng tuần tra để đảm bảo an ninh, an toàn.