Câu chuyện của đứa út trong gia đình…

Dù còn là trẻ con hay đã là người lớn thì sự tị nạnh giữa anh chị em trong gia đình vẫn luôn tồn tại đúng không ạ? Chính vì vậy, hôm nay BlogAnChoi sẽ mang đến cho mọi người những mẩu chuyện nhỏ ngập tràn yêu thương của một người bạn nha!

Câu chuyện của An

Được sinh ra và lớn lên khi gia đình đã khá khẩm hơn đôi chút nên An không được cưng chiều bằng người anh của mình. Đôi lúc, sự thiên vị của ba mẹ dành cho anh hai khiến An phải ghen tị: từ việc ăn, việc chơi… đến cả vị trí trong lòng ba mẹ.

Lúc An 7 tuổi, em cũng tự biết rằng mẹ có anh hai khi gia đình còn nhiều khó khăn nên tất nhiên ba mẹ sẽ nuông chiều anh hai hơn. Tại sao em biết rõ điều đó nhưng trong lòng vẫn không tránh khỏi những hụt hẫng… Những hụt hẫng đó tích tụ theo từng ngày, không phải An không khóc nhưng em khóc rồi lại nín. Cứ như vậy, lâu dần điều đó đã trở nên chai sạn trong An và em cũng coi nó là một thói quen mới của mình.

Một ngày nọ, khi An đang học thêm để ôn thi chuẩn bị cho kỳ thi THPTQG sắp tới, vì không hiểu bài cộng thêm mệt mỏi nên khi đã về đến nhà, bước vào phòng, em bật khóc nức nở. Mẹ vì lo lắng nên cứ mãi gặng hỏi “Sao lại khóc?”, “Có chuyện gì nói mẹ nghe”, … nhưng An vẫn không trả lời, chỉ khóc mãi thôi. Anh hai khi đó cũng nói:

“Mẹ cứ để yên cho nó khóc. Khi nào nó bình tĩnh lại thì mẹ hẵng hỏi”.
Ảnh minh họa về thời gian ôn thi (Ảnh: Internet)Ảnh minh họa về thời gian ôn thi (Ảnh: Internet)Ảnh minh họa về thời gian ôn thi (Ảnh: Internet)
Khóc xong, không khí bao quanh khi đó là sự gượng gạo, ngượng ngùng nhưng mẹ không hỏi An, anh hai cũng không nói gì, An cũng cư xử như mọi ngày, coi như không có gì xảy ra. Có thể mọi người sẽ thấy rằng “Con bé này kì lạ thật”, nhưng chỉ có An mới biết rằng những câu hỏi dồn dập của mẹ và câu nói trấn an của anh hai đã an ủi em nhiều đến nhường nào, yêu em đến nhường nào…

Vào ngày công bố điểm thi, An, ba mẹ và anh hai đều căng thẳng. Và đến khi An biết điểm chuẩn, mọi thứ xung quanh như sụp đổ… đúng vậy, em trượt rồi. Em co mình lại, ngồi khóc. Mẹ an ủi em, ba thì đi lên tầng. Đến khi An bình tĩnh lại thì ba xuống nhà, ba bảo:

– “Nhìn An khóc, ba xót lắm”

Câu nói đấy của ba an ủi em rất nhiều, thực sự rất nhiều. Trước giờ, ba luôn là người không thể hiện tình cảm của mình với các con. Nhưng câu nói ngày hôm ấy của ba khiến An hiểu rằng ba thương em nhiều lắm.

Rồi đến lúc An chân ướt chân ráo vào đại học T, vì em là người hòa đồng, thân thiện nên em đã bị một người bạn lợi dụng, em nhận ra điều đấy chỉ qua vài lần nói chuyện, hỏi bài. An về kể ngay với mẹ, mẹ dặn dò em đủ thứ: không nên chơi với bạn đấy, tiếp xúc với bạn đấy ít thôi,… Nhưng An không hề biết rằng mẹ đã nhắn tin cho anh (khi đó anh hai đang đi du học), kể cho anh biết chuyện. Anh hai bảo:

– “Mẹ cứ để con”

Rồi anh hai nhắn với An:

– “Đâu? Đứa nào bắt nạt mày? Sao không kể cho hai nghe?”
Ảnh minh hoạ về anh trai, em gái trong gia đình (Ảnh: Internet)Ảnh minh hoạ về anh trai, em gái trong gia đình (Ảnh: Internet)Ảnh minh hoạ về anh trai, em gái trong gia đình (Ảnh: Internet)
Lúc đó, An chỉ cười thôi và cả ngày hôm đó, An cứ tủm tỉm mãi thôi. Rồi An kể cho anh hai nghe toàn bộ câu chuyện, anh hai lại nói:

– “Chỉ có hai mới được bắt nạt mày thôi”.

– “Lần sau có chuyện gì phải kể cho hai nghe nữa, không được giấu”.

Thì ra đây là cảm giác có anh hai che chở, cảm giác thật thích. Từ lần đó tới nay, An luôn tự hào: “Tớ có anh hai bảo vệ nhá, không được bắt nạt tớ”. Nghe thật trẻ con nhưng em không ngại đâu, em chỉ thấy thích thú thôi.

Cũng có lần, An không nhớ chuyện gì xảy ra nhưng anh hai nói với ba mẹ:

– “Con chỉ có mỗi cái An là em thôi, con không cần có thêm em nữa đâu”.
Ảnh minh họa về gia đình (Ảnh: Internet)Ảnh minh họa về gia đình (Ảnh: Internet)Ảnh minh họa về gia đình (Ảnh: Internet)
Chính vì có những câu chuyện như vậy trong quá khứ nên An đã nhớ lại và nhận ra rằng, ba mẹ và anh hai thương em đến nhường nào. Nên, giờ đây cảm giác ghen tị ấy của An đã không còn nữa mà em còn cảm thấy may mắn là đằng khác vì An có những 3 người yêu thương em và che chở em.

Mỗi người đều có cách riêng của mình để bảo vệ, yêu thương gia đình của mình. Vậy nên, hãy dành thời gian để ngồi nói chuyện với gia đình hay nhớ lại những ký ức đã qua, cậu sẽ thấy rằng, gia đình là số 1.

Lời nhắn gửi

“Con yêu ba mẹ nhiều lắm, con không phải người giỏi thể hiện cảm xúc nhưng để nói trực tiếp với ba mẹ thì thực sự rất khó và con cũng không biết tại sao lại như vậy. Nhưng con mong ba mẹ hiểu rằng, đối với con, không ai có thể sánh bằng 2 người”.

“Tuy rằng, em với anh hai cãi nhau, đánh nhau rất nhiều nhưng em không có ghét hai đâu. Em cũng thương hai chỉ là không thương bằng ba mẹ thôi. Em cũng sẽ bảo vệ hai giống như hai bảo vệ em vậy nhưng phải theo cách riêng của em cơ”.

Xem thêm