Đức Phật dạy về đời sống gia đình

Gia đình là một tổ chức nhỏ của xã hội, trong đó các thành viên giữ những vai trò, nhiệm vụ giống và khác nhau, có mối quan hệ mật thiết với nhau, sinh hoạt gia đình tuân thủ theo một nền nếp trật tự nhất định.

Các mối quan hệ chính trong một gia đình là quan hệ  giữa chồng và vợ, giữa ông bà cha mẹ và con cháu (nếu là tam tứ đại đồng đường), giữa anh chị em với nhau. Ngoài trách nhiệm đối với bản thân ra, mọi thành viên trong gia đình đều có trách nhiệm đối với những thành viên khác và có trách nhiệm xây dựng, phát triển cuộc sống chung của gia đình. Khi gia đình được xây dựng và phát triển ổn định, bền vững thì xã hội, quốc gia mới hưng thịnh. Vì thế vai trò của mọi cá nhân trong việc nỗ lực xây dựng gia đình vô cùng quan trọng.

shutterstock_395393356.jpgHướng Phật từ thuở bé thơ

Việc xây dựng gia đình được thực hiện trên nhiều phương diện của đời sống vật chất và đời sống tinh thần, gồm có nền nếp sinh hoạt, tình cảm, văn hóa, đạo đức, kinh tế, tài chính, truyền thống gia đình, sự nghiệp của từng cá nhân và sự nghiệp chung của gia đình, việc gìn giữ các trách nhiệm, bổn phận của mỗi thành viên v.v… Trong kho tàng Kinh tạng Nikàya có rất nhiều bài kinh Đức Phật dạy về đời sống gia đình, những lời dạy ấy cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Trong kinh Điềm lành lớn1, Đức Phật tuyên bố: “Hiếu dưỡng cha và mẹ/ Nuôi dưỡng vợ (chồng) và con/ Làm nghề không rắc rối/ Là điềm lành tối thượng”. Ở đây Đức Phật cho biết việc nuôi dưỡng, thương yêu, chăm sóc cho những người thân trong gia đình, xây dựng tốt các mối quan hệ trong gia đình, có nghề nghiệp lương thiện ổn định cuộc sống gia đình là một hạnh phúc lớn lao, là điềm lành tối thượng.

Đối với cha và mẹ là hai đấng sinh thành, Đức Phật dạy bổn phận làm con phải hiếu kính, phụng dưỡng, xem cha mẹ như vị trời Phạm thiên2. Trong kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt3, Đức Phật dạy như sau: Bổn phận của con đối với cha mẹ là kính yêu, phụng dưỡng cha mẹ, giúp những việc cha mẹ cần làm, giữ danh dự và truyền thống gia đình, giữ gìn tài sản, sự nghiệp của cha mẹ. Cha mẹ cũng có bổn phận nuôi nấng con khôn lớn và giáo dục con nên người, giúp con có nghề nghiệp, hướng con theo đường lành, dựng vợ gả chồng cho con, trao của thừa tự cho con đúng lúc.

Bên cạnh quan hệ giữa cha mẹ và con cái còn có quan hệ chồng vợ, quan hệ anh chị em. Về quan hệ chồng vợ, chồng đối với vợ phải yêu thương, tôn trọng và chung thủy, quan tâm chăm sóc chu đáo đời sống vật chất lẫn tinh thần, thường tặng quần áo, trang sức cho vợ; Vợ đối với chồng phải thương yêu, kính trọng và trung thành, quản lý tốt nhà cửa, gìn giữ tài sản, sự nghiệp của chồng4. Người vợ vừa là vợ, vừa là người yêu, vừa là bạn tri kỷ, và cũng cần có những đức tính như mẹ hoặc em gái5. Đây quả là tư tưởng rất tiến bộ trong xã hội Ấn Độ cổ đại. Không chỉ ở Ấn Độ mà còn nhiều quốc gia khác trên thế giới, phương Đông lẫn phương Tây từ xưa đã có mặt tư tưởng bất bình đẳng trong quan hệ nam nữ, người vợ trong gia đình mất hết quyền làm chủ bản thân, phải lệ thuộc người chồng về mọi mặt. Cho đến nay bình đẳng giới vẫn chưa được thực hiện ở mức độ cao (chứ không nói là triệt để, vì có nhiều quan điểm khác nhau, chẳng biết như thế nào mới gọi là triệt để) bởi đây đó vẫn còn tồn tại tư tưởng trọng nam khinh nữ.

Quan niệm về tình yêu, hôn nhân của Đức Phật cũng hết sức tiến bộ (vợ chồng vừa có tình, vừa có nghĩa; trong mối quan hệ vợ chồng phải có tình yêu, tình bạn tri âm tri kỷ, phải có sự tôn trọng lẫn nhau và có trách nhiệm, bổn phận đối với nhau), cho đến nay sau hơn hai mươi lăm thế kỷ, người ta mới nhận ra ý nghĩa giá trị của nó. Những đổ vỡ, bất ổn trong đời sống gia đình dẫn đến mất hạnh phúc, tình trạng ly dị, ly thân, ngoại tình, gây ảnh hưởng tiêu cực cho xã hội, làm giảm chất lượng cuộc sống đã khiến cho người ta nhìn lại, xem xét lại và tìm thấy những giá trị tích cực trong lời Phật dạy.

Về kinh tế gia đình và đời sống vật chất. Để xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc, những thành viên trong gia đình cần siêng năng tháo vát trong việc tạo ra tài sản, biết sử dụng tài sản một cách hợp lý và quan tâm giữ gìn tài sản, không để tài sản thất thoát, tiêu tán. Những điều này đã được Đức Phật dạy rất rõ trong nhiều bài kinh. Ví dụ như kinh Tăng chi bộ III, chương Tám pháp, Đức Phật dạy: Dù làm bất cứ nghề nghiệp gì cũng cần phải thiện xảo (giỏi, khéo léo, tinh chuyên), lương thiện (có đạo đức, được pháp luật cho phép), phải làm với tinh thần trách nhiệm, siêng năng không mệt mỏi, biết suy tư (xem xét, tính toán, nghĩ tới chỗ lợi và hại, được và mất, thành công và thất bại), làm việc có phương pháp, tìm những phương thức mang lại hiệu quả tối ưu, biết tự làm và quản lý, điều hành người khác; phải có đầy đủ sự tháo vát, thông minh, năng động, biết làm những việc thích hợp với điều kiện bản thân và hoàn cảnh xã hội nhằm tạo ra của cải cung ứng cho đời sống cá nhân, gia đình và xã hội. Nguyên văn đoạn kinh như  sau: “Thiện nam tử làm nghề gì để sống, hoặc nghề nông, hoặc đi buôn, hoặc nuôi bò, hoặc làm người bắn cung, hoặc làm việc cho vua, hoặc bất cứ nghề gì, trong các nghề ấy, người ấy thiện xảo, không biết mệt, biết suy tư hiểu phương tiện vừa đủ để tự làm và điều khiển người khác làm; này Byagghapajja, đây gọi là đầy đủ sự tháo vát”- (ĐTKVN, Tăng chi bộ kinh III, chương Tám pháp, phẩm Gotami, kinh Dìghajanu, VNCPHVN, 1996).

Đức Phật dạy có năm nghề nghiệp không được làm, đó là: đồ tể (giết mổ, sát sinh), buôn bán vũ khí (gươm đao, súng đạn; vũ khí sinh học, hạt nhân, nguyên tử, nói chung là các phương tiện giết người, gây khổ đau, thương tổn cho người khác), buôn bán người (buôn bán nô lệ, nô tỳ lao động, phục dịch, kể cả mua bán trẻ em, mua bán phụ nữ làm nô lệ tình dục), buôn bán chất gây say, gây nghiện (rượu, ma túy) và buôn bán thuốc độc (các loại dược liệu, hóa chất độc hại). (ĐTKVN, Tăng chi bộ kinh II, chương Năm pháp, phẩm Nam cư sĩ, VNCPHVN ấn hành, 1996).

Đức Phật dạy: “Vì hạnh phúc nhiều người, hãy gầy dựng tài sản”, “Này gia chủ, có năm lý do để gầy dựng tài sản. Thế nào là năm? Ở đây, này gia chủ, được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn, thâu góp với sức mạnh của bàn tay, kiếm được do đổ mồ hôi, thâu được một cách hợp pháp. Tự mình làm an lạc, hoan hỷ. Làm cho cha mẹ, vợ con, người phục vụ, người làm công được an lạc, hoan hỷ. Đây là lý do thứ nhất để gầy dựng tài sản. Lại nữa, này gia chủ, vị này làm cho bạn bè, thân hữu an lạc, hoan hỷ. Đây là lý do thứ hai để gầy dựng tài sản. Vị ấy chặn đứng các tai họa có thể khiến vị ấy trở thành trắng tay, vị ấy giữ được tài sản an toàn. Đây là lý do thứ ba để gầy dựng tài sản. Vị ấy có thể hiến cúng cho bà con (cho, biếu, tặng, giúp đỡ, chia sẻ, tương trợ về vật chất), cho khách (thết đãi bạn bè, tổ chức tiệc tùng, cho, biếu, tặng), cho hương linh người quá cố (cúng tế), hiến cúng cho vua (đóng thuế, cống nạp) và chư thiên (cúng dường). Đây là lý do thứ tư để gầy dựng tài sản. Vị ấy cúng dường các bậc Sa-môn, Bà-la-môn, sự cúng dường tối thượng này đưa đến phước báo vô lượng ở cõi người, cõi trời. Đây là lý do thứ năm để gầy dựng tài sản” (ĐTKVN, Tăng chi bộ kinh II, chương Năm pháp, phẩm Vua Munda, VNCPHVN ấn hành, 1996).

Việc tạo ra tài sản đã khó, việc gìn giữ và phát triển lại càng khó hơn. Đức Phật đã chỉ ra một số nguyên nhân gây ra sự thất thoát, phá tán tài sản như sau: “Có bốn cửa xuất để tài sản bị tiêu phí, đó là: đam mê đàn bà, đam mê rượu chè, đam mê cờ bạc; giao du với bạn bè, thân hữu ác. Ví như một hồ nước lớn có bốn cửa nước chảy vào và bốn cửa nước chảy ra. Có người đóng các cửa nước chảy vào và mở các cửa nước chảy ra. Như vậy, nước hồ ấy ngày càng bị giảm thiểu, không tăng trưởng” (Kinh Tăng chi bộ III, chương Tám pháp, phẩm Gotamì, phần Dìghajànu). Vấn đề này còn được Đức Phật đề cập đến trong kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt (thuộc Trường bộ kinh II): “Này gia chủ, có sáu nguyên nhân phung phí tài sản: Đam mê rượu chè là nguyên nhân phung phí tài sản. Du hành đường phố phi thời (đi chơi đêm hoặc ra ngoài trong giờ làm việc) là nguyên nhân phung phí tài sản. La cà hí viện đình đám (những nơi vui chơi, đàn ca múa hát mua vui; trà đình tửu điếm, lầu xanh; ngày nay là quán bar, vũ trường, sòng bạc và những nơi mua hương bán phấn, hưởng thụ trụy lạc…)  là nguyên nhân phung phí tài sản. Đam mê cờ bạc là nguyên nhân phung phí tài sản. Giao du với bạn ác là nguyên nhân phung phí tài sản. Quen thói lười biếng là nguyên nhân phung phí tài sản”. Ở đây Đức Phật bổ sung thêm hai nguyên nhân phung phí tài sản nữa là ham chơi (du hành phi thời) và lười biếng (ăn không ngồi rồi, tọa thực sơn băng – ngồi không ăn núi lở).

Tác hại của việc “du hành phi thời”, nhất là du hành vào ban đêm cũng được Đức Phật phân tích hết sức đầy đủ và chi tiết trong kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt: “Du hành đường phố phi thời có sáu nguy hiểm: tự mình không được che chở, hộ trì; vợ con không được che chở hộ trì; tài sản không được che chở hộ trì; bị tình nghi là tác giả các ác sự; nạn nhân các tin đồn thất thiệt, tự rước vào thân nhiều khổ não”. Tóm lại, du hành phi thời là việc đi lại không an toàn có thể xảy ra nhiều hiểm họa cho mình, những người thân và tài sản sở hữu, danh dự.

Về quản lý chi tiêu tiền bạc cũng được Đức Phật đề cập đến trong kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt: “Tài sản cần chia bốn/ Để kết hợp bạn bè/ Một phần mình an hưởng/ Hai phần dành công việc/ Phần tư, phần để dành/ Phòng khó khăn hoạn nạn”. Có lẽ không ai ngờ từ mấy ngàn năm trước Đức Phật đã lưu tâm đến tầm quan trọng của việc quản lý chi tiêu trong đời sống. Chi tiêu hợp lý, thích đáng là một vấn đề khá đau đầu, nó đòi hỏi sự thông minh và khéo léo, trong đó những phẩm chất đạo đức cũng góp phần ảnh hưởng đến cách chi tiêu.

Có thể nói, trọng tâm của giáo pháp Đức Phật nhằm hướng chúng sinh đến giải thoát, Niết-bàn nhưng Ngài cũng rất chú trọng đến các lĩnh vực khác của cuộc sống, nhất là đời sống gia đình. Khi bản thân và gia đình ổn định, hạnh phúc, an vui thì chúng ta mới có thể sống tốt đời, đẹp đạo, góp phần thiết thực xây dựng xã hội, đất nước văn minh, giàu mạnh.

Phan Minh Đức