Chồng mất vì căn bệnh ung thư, con bị huyết tán bẩm sinh thế nhưng bất hạnh ấy chẳng ngăn được tấm lòng thiện nguyện của cô Lý đến với học trò vùng cao.
Trả ơn cuộc đời
Tuổi thơ của cô Nguyễn Thị Lý (sinh năm 1979 tại Nghệ An) là chuỗi ngày êm đềm, cắp sách đến trường với đầy ước mơ và hoài bão. Lớn lên, cô vào mảnh đất Kon Tum học tập và sinh sống rồi nên duyên vợ chồng với bạn trai cùng ngành.
Khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum, cô Lý được phân công lên xã Hiếu (Kon Plông, Kon Tum), còn chồng giảng dạy ở huyện biên giới Sa Thầy. Khoảng cách hơn 100 cây số, chẳng có căn nhà cho riêng mình nên vài tháng vợ chồng gặp nhau một lần nơi cô Lý đứng lớp. Ăn bữa cơm gia đình, nghỉ lại một đêm, chồng cô trở về trường trên chiếc xe máy cũ để tiếp tục công việc dạy chữ cho trò vùng biên.
Đằng đẵng 18 năm, cô Lý chuyển công tác 4 lần. Mỗi lần như thế, cô ở đâu thì hai người con đi theo ăn ở, học tập nơi đấy. Chỗ ở của mấy mẹ con là căn nhà tập thể của giáo viên. Năm 2003, khi lên 3 tuổi, con gái lớn của cô Lý bỗng bị vàng da, bụng to bất thường.
Gia đình đưa con đi thăm khám ở Kon Tum rồi Gia Lai. Khi đến Bệnh viện Nhi đồng I (TPHCM) thì nhận tin dữ, con bị huyết tán bẩm sinh. Từ đó, đều đặn cứ 20 ngày cô lại đưa con đi thăm khám, truyền và lọc máu một lần với chi phí khoảng 8 triệu đồng. Tiền tích góp cạn kiệt, vợ chồng cô Lý vay mượn khắp nơi để giữ lại mạng sống cho con.
Cô Lý nhớ, trên hành trình chạy chữa ấy, có lúc hai mẹ con chẳng còn đồng nào trong túi. Bữa ăn là những suất cơm từ thiện. Có lần, sau khi thăm khám và lấy thuốc, bác sĩ cho hai mẹ con ra về. Thế nhưng cô Lý và con chẳng thể về nhà vì trong người chỉ còn vài đồng tiền lẻ. Chẳng ai bảo ai mỗi người trong phòng bệnh góp chút ít để mẹ con cô đủ tiền xe về trong đêm.
Cô Nguyễn Thị Lý tặng balo cho học sinh huyện vùng biên. Ảnh: Nguyễn Dung |
“Lúc ấy, người nhà bệnh nhân vét túi, mỗi người góp vài nghìn cho hai mẹ con. Họ là những người khó khăn, ở viện cả tháng trời để chăm con, cháu nên kinh tế cũng kiệt quệ. Nhận số tiền ấy tôi rất biết ơn nhưng không kém phần áy náy nên đã xin thông tin mọi người để sau này trả ơn. Tuy nhiên, họ đều lắc đầu từ chối. Kể từ đó, tôi quyết tâm hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn để trả ơn người, trả ơn đời đã cưu mang, cứu giúp gia đình lúc cùng cực nhất”, cô Lý nhớ lại.
Những ngày sau đó, cô Lý xin quần áo cũ, sách vở… tặng lại cho người dân, học sinh người dân tộc thiểu số. Qua những người thân, bạn bè, việc làm ý nghĩa của cô Lý lan toả đến nhiều nơi. Thế rồi, nhà hảo tâm ở khắp các tỉnh thành, như TPHCM, Hà Nội… xin địa chỉ gửi nhu yếu phẩm, quần áo… vào cho cô ngày một nhiều. Mỗi khi đi dạy hay cuối tuần, vợ chồng cô lại chở theo một ít đồ từ thiện để tặng cho bà con, học sinh vùng khó.
Để ổn định cuộc sống và cho con cái có nơi ăn học đàng hoàng, năm 2019 vợ chồng cô Lý vay mượn tiền để mua căn nhà nhỏ ở thành phố Kon Tum. Niềm vui sum họp chưa được bao lâu, đầu năm 2022 chồng cô Lý phát hiện bị ung thư thực quản. “Anh bị ho nhiều, khó thở nên cứ nghĩ do di chứng của Covid-19. Thế nhưng khi đi thăm khám bác sĩ thông báo bị ung thư thực quản. Từ ngày phát hiện đến lúc qua đời chỉ trong vòng 20 ngày, anh còn chưa kịp truyền thuốc lần nào. 18 năm sống xa nhau, chỉ mới vui vẻ được ít ngày thì anh đã bỏ 3 mẹ con đi mãi”, cô Lý bật khóc.
Những phần quà mà nhà hảo tâm hỗ trợ được cô Lý chuyển đến bà con vùng khó. Ảnh: NVCC |
Mang niềm vui đến trò nghèo
Chồng mất, cô Lý vừa làm bố vừa làm mẹ và gồng gánh trả khoản nợ hơn 200 triệu đồng. Chật vật với cuộc sống hàng ngày, cô Lý không quên làm việc thiện để trả ơn đời. Chồng mất, nhưng hành trình thiện nguyện của cô Lý không đơn độc. Những khi rảnh rỗi hai người con của cô cùng đồng hành, hỗ trợ mẹ mang nụ cười đến với trẻ vùng sâu, vùng xa.
“Có hôm, đồ từ thiện từ khắp nơi gửi về, nhưng vì hết tiền nên tôi chẳng thể vận chuyển đến làng phát cho bà con. Thế rồi, cậu con trai đã đập heo đất, dúi tất cả tiền chẵn, lẻ vào tay để tôi thuê xe chở quà lên vùng cao. Khi ấy tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì con biết yêu thương và sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh”, cô Lý tâm sự.
Hơn 8 năm trên chặng đường thiện nguyện, cô Lý chẳng nhớ đã tặng bao nhiêu phần quà hay giúp bao người có thêm quần áo, nhu yếu phẩm… Cô nhớ, mấy năm về trước cô học trò Y Tái, nay đã lên lớp 10 (xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy) nhà có 5 anh, chị em. Bố chẳng có, mẹ đi làm ăn xa nên mấy anh em tự xoay xở bữa ăn và đến trường.
Mấy đứa trẻ tuổi nhỏ nên chẳng thể đi làm để kiếm tiền mua gạo, thức ăn… nên nhà có gì ăn nấy. Nhà nghèo nên mỗi em chỉ có một bộ quần áo để đến trường. Thương mấy đứa trẻ bơ vơ, sống dưới căn nhà vách nứa, cô Lý mua thức ăn, nhu yếu phẩm… để mấy anh em no bụng. Đồng thời kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ 70 triệu đồng để dựng lại căn nhà cho lũ trẻ che nắng, che mưa.
Nhiều năm qua, mỗi tuần 2 lần, cô Lý tranh thủ đến trường sớm hơn mọi ngày để phát bữa sáng cho học trò. Hôm thì bánh mì, khi thì xôi, bánh bao… giúp hàng trăm đứa trẻ vùng cao no bụng để con chữ được thắp sáng. Thầy Lê Xuân Quang – Hiệu trưởng Trường Tiểu học – THCS xã Ya Xiêr cho biết, hoàn cảnh cô Lý vô cùng khó khăn khi chồng mất vì ung thư, con bị bệnh bẩm sinh. Dù vậy, cô luôn nỗ lực, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao và sẻ chia, kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ sách vở, máy tính cầm tay, quần áo… cho học sinh, người dân nghèo.
“Chỉ mới về trường giảng dạy được một thời gian ngắn nhưng cô Lý đã huy động được 1 chiếc tivi, 50 bao xi măng… chung tay giúp trường khang trang, có thêm thiết bị học tập. Việc làm của cô Lý rất ý nghĩa và đây cũng là tấm gương sáng để mọi người học tập”, thầy Quang cho biết.
“Khi giúp đỡ được những hoàn cảnh bất hạnh tôi vui và hạnh phúc lắm. Có những người thương, khi tôi trở về sau chuyến thiện nguyện họ dúi vào tay quả bí, mớ rau… hay trò tặng nhành hoa dại. Điều đó làm tôi thật sự xúc động và thấy thương hơn những hoàn cảnh cơ cực. Tôi chỉ mong bản thân có sức khoẻ để giúp đỡ và trả ơn cuộc đời được nhiều hơn”, cô Lý nói.