Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ từ lâu đã trở nên quen thuộc với rất nhiều người mỗi khi nhắc đến Điện Biên. Trong đó, hình ảnh em bé dân tộc Thái là điểm nhấn, tượng trưng cho sự nối tiếp truyền thống của thế hệ trẻ các dân tộc Tây Bắc.
Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ đặt trên Đồi D1 (thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ) từ lâu đã là hình ảnh quen thuộc với nhiều người dân mỗi khi nhắc đến Điện Biên; gần như tồn tại song song với hình ảnh 3 chiến sĩ phất cờ trên nóc hầm Đờ-cát – biểu tượng của Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Từ nhiều năm qua, hình ảnh Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ được sử dụng khá phổ biến trong hình ảnh, biểu tượng quảng bá về mảnh đất Điện Biên Phủ nói riêng và tỉnh Điện Biên nói chung.
Đầu năm 2024, hình ảnh này đã được cách điệu và trở thành biểu trưng của Năm du lịch quốc gia Điện Biên 2024; đồng thời là logo nhận diện thương hiệu của du lịch Điện Biên.
Mới đây nhất, trong Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ vào ngày 7.5 vừa qua, hình ảnh Tượng đài một lần nữa lại được tái hiện sống động qua tiết mục nghệ thuật đặc biệt do Đoàn nghi lễ Quân đội thể hiện. Trong đó hình ảnh “em bé Điện Biên” đã gây ấn tượng mạnh và có sức lan tỏa rất lớn.
Theo tìm hiểu của PV , từ cuối năm 2002, tỉnh Điện Biên (tỉnh Lai Châu cũ) đã xin chủ trương xây dựng Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 – 7.5.2004).
Tuy nhiên, do thời gian quá gấp rút nên không tổ chức thi lấy mẫu tượng đài mà chọn mẫu Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ của nhà điêu khắc Nguyễn Hải đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Sau khi xin ý kiến Bộ Văn hóa và Hội đồng thẩm định và quyết định chọn mẫu, nhà điêu khắc Nguyễn Hải đã tiến hành làm phác thảo mới có chỉnh sửa cho phù hợp với việc đặt tượng đài ngoài trời trong không gian 3 chiều.
Ngày 2.8.2003, Hội đồng thẩm định đã tiến hành họp và mời Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến dự. Khi đó, Đại tướng đã đóng góp chỉnh sửa một số chi tiết, như: Lá cờ phải có chữ Quyết chiến Quyết thắng, anh Bộ đội Cụ Hồ phải thể hiện đúng quân tư trang của Chiến sĩ Điện Biên, như mũ lưới, áo trấn thủ… Đặc biệt, em bé người dân tộc Thái phải thể hiện tươi trẻ có sức sống…
Sau đó, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ đã hoàn thành đúng dịp Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và có kích thước: Bệ cao 3,6m, thân 12,6m, rộng 10m, sâu 8m và được đúc bằng đồng, nặng khoảng 200 tấn. Tại thời điểm năm 2004 thì Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ là tượng đài bằng chất liệu đồng lớn nhất Việt Nam.
Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ được cấu thành gồm ba chiến sĩ bộ đội, một em bé dân tộc Thái, một lá cờ Quyết chiến Quyết thắng và một bó hoa.
Trong đó, một chiến sĩ phất cao lá cờ đỏ sao vàng tượng trưng cho các đại đoàn quân chủ lực của ta đánh vào Điện Biên Phủ năm xưa; một chiến sĩ bế em bé người Thái trên tay cầm một bó hoa tượng trưng cho sự nối tiếp truyền thống của thế hệ trẻ các dân tộc. Chiến sĩ thứ ba cầm súng như thể hiện tinh thần luôn luôn cảnh giác trước mọi kẻ thù.