Sáng hôm nay, nhiều người theo chân tu sĩ Thích Minh Tuệ đến Đèo Ngang (Hà Tĩnh) và liên tục quay chụp khiến vị này mệt mỏi.
Cụ thể, một cư dân mạng ghi lại cảnh tu sĩ Thích Minh Tuệ ngồi bên vệ đường thuộc địa phận Đèo Ngang (Hà Tĩnh). Khuôn mặt ông mệt mỏi và cơ thể gầy đi thấy rõ trong khi nhiều người vây bám xung quanh liên tục gọi tên, vái lạy và quay phim, chụp ảnh.
Tu sĩ Thích Minh Tuệ nói với mọi người: “Con đề nghị tất cả mọi người ra về, con không cần hộ pháp, không cần được tiếp tế đồ ăn uống và từ hôm nay con sẽ không nhận, chỉ nhận khi dừng lại khất thực một ngôi nhà nào đó”.
Tu sĩ Thích Minh Tuệ ngồi bên vệ đường với khuôn mặt mệt mỏi
Tuy nhiên, nhiều người vẫn cố nán lại không buông tha cho vị tu sĩ khổ hạnh này. Dù chính quyền địa phương đã căng dây xung quanh để tránh mọi người đến lại gần thầy nhưng có vẻ đám đông hiếu kỳ vẫn chưa muốn rời đi.
Một cư dân mạng viết: “Đến cái quyền riêng tư là đi tắm, đi vệ sinh giờ cũng không còn thì đúng chịu thật. Ngày trước thầy thoải mái ung dung, giờ nhìn thầy mệt mỏi lắm rồi, buông tha cho thầy tu hành được rồi đó”.
Bình luận từ CĐM
Được biết, tu sĩ Thích Minh Tuệ” (tên thật là Lê Anh Tú, 43 tuổi) đã có 6 năm đi bộ 4 vòng đất nước, qua nhiều tỉnh thành để thực hiện ’13 đạo khổ hạnh’, học theo Phật.
Ông chưa từng nhận mình là tu sĩ, không tu tập và cũng không thuộc bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và bản thân cũng “cảm thấy chưa xứng đáng làm tu sĩ bởi đạo đức của mình chưa đạt đến cảnh giới đó”.
Giữa lúc ông dừng chân nghỉ ngơi, có hàng trăm người đã vây quanh ông nghe trò chuyện, trong đó có một số đàn ông mặc trang phục giống người tu hành. Đặc biệt, trong lúc nói chuyện, ông luôn xưng “con” với tất cả mọi người.
Trước đây ông từng có thời gian ngắn tu tập tại một ngôi chùa và pháp danh Thích Minh Tuệ đã được đặt tại ngôi chùa này.
Trên bước đường tu hạnh, những năm qua, ông chỉ nghe lời giảng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, tập học tu hạnh đầu đà. Tu hạnh này có 13 pháp khổ hạnh. Người tu hạnh đầu đà chấp nhận những khó khăn trong các vấn đề ăn, mặc, ở (mặc áo vá, khất thực, ngày ăn một bữa, không nhận tiền cúng dường, khước từ mọi tiện nghi…).
Cũng vì lý do đó nên vị này chỉ muốn bộ hành trọn đời và không có mục đích không nhằm truyền tải điều gì bởi mọi điều trong Phật pháp đã có Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã chỉ dạy.
“Con luôn ước nguyện cho mọi người khi nào cũng được hạnh phúc, sống vui vẻ với gia đình” – tu sĩ Thích Minh Tuệ nói.
Cũng theo ông Tú, vì quyết tâm theo khổ hạnh đầu đà nên quá trình đi bộ ông Tú luôn tự nhặt các tấm vải vứt ở bên đường hoặc trong thùng rác rồi may lại làm quần áo mặc. Qua các con sông, suối ông dừng lại tắm rửa. Buổi tối, ông thường nghỉ ngơi bên đường hoặc các nghĩa trang.
“Đừng ai cho nhiều làm gì, con chỉ nhận vừa đủ một bữa ăn và nước uống vừa đủ dùng thôi. Đối với con thì tất cả hành trình đi bộ đều không khó khăn, nếu tâm mình an lạc, hạnh phúc và vượt qua được những trắc trở thì sẽ cảm thấy không còn bất cứ trở ngại gì ở phía trước nữa” – ông Tú nói.
Trong quá trình ông Tú đi bộ, nhiều người mang áo giống nhà sư đi theo. Ông Tú cho biết họ không phải đệ tử của mình nhưng nếu ai muốn đi cùng thì cũng không cản.
“Cũng có thể là do nhân duyên Phật pháp, họ muốn đi thì đi, muốn về thì về, nhưng nhớ phải xin phép gia đình, nếu khi nào cảm thấy không muốn tiếp tục hành trình thì có thể trở về nhà. Đi là để tu tập, tu hạnh, giữ giới theo lời Phật dạy, chứ đi theo để nhận tiền, để phát tán tờ rơi hay để làm những việc gì khác thì những người đó tự chịu chứ con không liên quan tới họ. Còn con không liên quan đến tổ chức gì cả” – ông Tú nói.
Nói về việc những ngày gần đây, khi đi bộ qua các tỉnh thành được nhiều người dân vây quanh chụp ảnh, quay phim, ông Tú cho hay ông không cấm cản ai cả nếu họ muốn đi theo.
“Mọi người đi theo con để tập bộ hành, rèn luyện sức khỏe, bước thẳng hàng, giữ yên lặng trật tự thì tốt. Tuy nhiên, đừng nên chen lấn, đừng quay phim, chụp hình làm cản trở giao thông, rồi la ó, làm um xùm lên rồi sẽ gây hại cho bản thân và người xung quanh” – ông Tú nói.
Trong hành trình tu hành 6 năm qua, ông Tú cho hay không dùng điện thoại và liên lạc về với gia đình. Tuy nhiên, lúc nào ông cũng nhớ tới công ơn sinh thành, dưỡng dục của bố mẹ và luôn cầu nguyện cho người thân, gia đình được may mắn, bình an.
Khi được hỏi sắp tới, trên bước đường bộ hành có ở lại quê hương Kỳ Anh hay không, ông Tú nói: “Cái đó còn tùy thuộc vào cái duyên Phật pháp, có duyên thì ở lại không có duyên thì cũng phải đi tiếp thôi”.