Cưới nhau xong lại hay đi khuyên người khác… đừng cưới, lý do gì?

Chuẩn bị kết hôn sau 4 năm tìm hiểu, Hoàng Dũng (28 tuổi, quận Bình Tân, TP.HCM) ngớ người khi nghe người quen khuyên đừng cưới vội.

Người có gia đình khuyên bạn trẻ độc thân suy nghĩ và chuẩn bị kỹ trước khi cưới - Ảnh minh họa AI

Người có gia đình khuyên bạn trẻ độc thân suy nghĩ và chuẩn bị kỹ trước khi cưới – Ảnh minh họa AI

Có nhiều lý do khiến Dũng bất ngờ như thế, bởi người quen của anh – Công Trường (34 tuổi) – đang vô cùng hạnh phúc với gia đình nhỏ, vậy từ đâu nên nỗi cưới vội?

Kết hôn tuổi 28 vẫn là cưới vội?!

Năm ngoái, vợ chồng anh Trường kết hôn, sau đó sinh con đầu lòng. Cả hai luôn xuất hiện tay trong tay, không ngần ngại thể hiện tình cảm yêu thương từ ngoài đời lẫn trên mạng xã hội.

Sau ngần ấy năm chung sống vợ chồng anh chưa từng cãi vã nặng lời. “Nhưng nếu để khuyên bạn bè, em út thì tôi nói ngay đừng cưới vội”, Trường nói.

Quiz: Độc thân hay kết hôn sẽ tốt hơn cho bạn?

Trải lòng, anh Trường nói rằng về mặt tình cảm thì hai vợ chồng hạnh phúc. Tuy nhiên, chính vì việc lập gia đình khi còn quá trẻ (lúc đó 28 tuổi), trong khi gia cảnh khó khăn, công việc chưa ổn định khiến anh bị áp lực về tiền nong.

Khi độc thân, lương hằng tháng đủ cho anh Trường sống ở TP.HCM, lo cho bố mẹ ở quê, em gái út học đại học.

Dĩ nhiên anh cũng hiểu nếu cưới vợ thì sẽ còn nhiều khoản chi phí khác, và anh chấp nhận điều đó. Chỉ là giờ đây, khi các khoản phí gần như gấp đôi lên, trở thành gánh nặng khiến anh thấy áp lực.

“Bố mẹ ở quê đau ốm, mình là con trai duy nhất trong nhà không thể không lo liệu. Nhưng khi gửi tiền cho gia đình, tôi biết cô ấy ít nhiều sẽ nghĩ ngợi. Điều đó cũng đương nhiên thôi, cô ấy có quyền nghĩ vì đó là tương lai mà, cũng là lý do tôi khuyên Dũng đừng cưới vội”, anh Trường nói.

Cả ngàn lý do khuyên bạn đừng cưới vội

Điều kiện cần của một cuộc hôn nhân hạnh phúc là tình yêu. Thế nhưng rất nhiều người trẻ chia sẻ rằng có yêu, có hạnh phúc nhưng chưa chắc mái ấm ấy êm đềm.

Ngọc Vân (28 tuổi, nhân viên kinh doanh tại quận Tân Bình) thừa nhận đã sai lầm khi cùng chồng cũ (đã ly hôn – PV) vội vàng “về chung một nhà”.

Kể thêm, cô nói khi đó hai người thực sự rất yêu thương nhau. Nhưng mới bước vào cuộc sống hôn nhân, họ lập tức xảy ra mâu thuẫn. Ban đầu cả hai chỉ cãi nhau những chuyện lặt vặt như việc phân chia công việc nhà (nấu nướng, rửa chén, lau nhà, giặt quần áo…), sau thì tranh cãi về chi tiêu, thu nhập.

“Chuyện của mình có thể cá biệt thôi, nhưng mình vẫn thấy tốt nhất là nên tìm hiểu thật kỹ trước đã, đừng vội vàng”, Ngọc Vân tâm sự.

Anh Nghĩa (34 tuổi, viên chức) kể nếu ai nhìn vào cũng sẽ thấy anh đang sống hạnh phúc cùng vợ và hai con. Tuy nhiên để có được điều mà mọi người nhìn thấy đó, anh phải nhẫn nhịn rất nhiều.

Anh không hài lòng việc vợ quản thúc mình mọi thứ, từ tiền bạc, tin nhắn, mạng xã hội cho tới việc chơi với ai, nay làm gì, đã gặp ai. “Chúng tôi đã nhiều lần cãi to cãi nhỏ, nhưng cô ấy không thay đổi. Nếu biết trước tôi đã không cưới vội”, anh Nghĩa nói.

Còn với Thu Nhi (ngụ quận 7) cho rằng trước vòng xoáy cuộc sống vốn nhiều áp lực như hiện nay thì việc kết hôn sau tuổi 30 được cho là hợp lý.

Hiện đang 27 tuổi và Thu Nhi đặt mục tiêu sẽ kết hôn sau 32 tuổi. “Thấy tỉ lệ ly hôn cao quá nên cứ từ từ cưới, chơi đã chứ dại gì”, Thu Nhi cười.

Theo bạn, người trẻ cần chuẩn bị gì trước khi bước vào một cuộc hôn nhân? Độ tuổi đẹp và hợp lý để kết hôn là khi nào? Mời bạn chia sẻ câu chuyện và lời khuyên về hòm thư tto@tuoitre.com.vn. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.

Có nên cưới đại cho xong?Có nên cưới đại cho xong?

TTO – Hôn nhân bắt đầu bằng tình yêu, xuất phát từ tình yêu mới có hạnh phúc. Đó là điều kiện cần, tất nhiên, để hạnh phúc lâu dài thì luôn đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực trên suốt hành trình “về chung một nhà” nữa.