CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS A Vao (xã A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) đã trang bị cho học sinh dân tộc thiểu số nhiều kiến thức, thúc đẩy các em nói lên tiếng nói của mình nhằm thay đổi cách nghĩ, cách học, cách làm và góp phần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở vùng cao.
Hứng thú vì thấy sự thay đổi của mọi người
Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” là 1 trong 4 mô hình cơ bản của Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025.
Các em học sinh ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS A Vao đều có những điểm chung như: Khoảng cách từ nhà tới trường rất xa, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nơi sinh sống còn tồn tại những định kiến giới.
Căn cứ vào tình hình thực tế, tháng 11/2022, CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” của nhà trường đã được thành lập. CLB gồm hơn 20 thành viên, là học sinh từ khối 6 đến khối 9, hầu hết là người dân tộc thiểu số; sinh hoạt đều đặn 2 tuần/lần. Trước mỗi buổi sinh hoạt, các thành viên của Ban chủ nhiệm đều hướng cho học sinh về chủ đề của từng buổi.
Từ đó, các em tìm hiểu và triển khai mở rộng thông tin, nâng cao nhận thức xoay quanh các nội dung: Bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực đối với trẻ em, bạo lực học đường, xâm hại tình dục, tai nạn thương tích; nạn bắt cóc, buôn bán trẻ em; tìm hiểu về dậy thì sớm; hệ quả của nạn tảo hôn, kết hôn cận huyết; kỹ năng ứng xử trên không gian mạng.
Em Hồ Thị Dết (học sinh lớp 9) là 1 trong 5 thành viên Ban chủ nhiệm CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” cho biết, từ khi tham gia CLB em đã được các thầy cô tuyên truyền, giáo dục kiến thức về nhiều mặt trong xã hội. Trong đó, đặc biệt là về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình; tảo hôn…
“Ở xã A Vao trước đây, những bạn nữ 13, 14 tuổi đã lấy chồng và sinh con, những đứa bé được sinh ra đều không được khỏe mạnh, trong khi vợ chồng đều không có công ăn việc làm dẫn đến tình trạng nghèo càng nghèo hơn. Nhưng từ khi CLB được thành lập, tình trạng này đã giảm dần”, Dết nói.
Theo nữ sinh lớp 9 này, công việc của Ban chủ nhiệm CLB rất vất vả, ngoài giờ học, em thường xuyên phải đi tuyên truyền đến các bạn học sinh, các hộ gia đình ở thôn, bản và người thân trong gia đình. Nhưng em luôn thấy hứng thú vì nhìn thấy được sự thay đổi của mọi người.
“Trước đây, một số bác lớn tuổi trong thôn em thường bảo “con gái học nhiều làm gì, lớn cũng đi lấy chồng, thành con của nhà khác”. Em nhận thấy quan niệm này là sai. Do đó, em đã giải thích, chia sẻ để mong các bác thay đổi suy nghĩ”, Dết nói.
Các thành viên CLB sẽ là những hạt nhân tiên phong xóa bỏ định kiến giới
Bà Hồ Thị Thoa, Chủ tịch Hội LHPN xã A Vao, cho biết, dù CLB mới được thành lập nhưng một số em đã có sự tự tin, dám trình bày suy nghĩ, phân tích đúng sai với bạn bè, người thân, hàng xóm. Em Hồ Thị Dết là một trong những tuyên truyền viên tiêu biểu của CLB.
Theo bà Thoa, CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” vừa là sân chơi bổ ích, vừa là nơi chia sẻ thông tin, kiến thức về tâm lý lứa tuổi, giới tính, kỹ năng giao tiếp trong gia đình, nhà trường, xã hội đối với học sinh Trường Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS A Vao.
“Ở đây bà con còn mang nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ. Nên khi tuyên truyền Ban chủ nhiệm CLB sẽ nhấn mạnh về vai trò của người phụ nữ xưa và nay, khẳng định người phụ nữ bây giờ cũng có quyền được hạnh phúc, quyền tham gia học tập như các bạn trai và lấy những tấm gương phụ nữ điển hình có thành công để các em học hỏi”, bà Thoa cho hay.
Thầy Hồ Quý Lại, chủ nhiệm CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS A Vao, cho biết: “Để các buổi sinh hoạt sôi nổi, hấp dẫn, tăng sự tương tác, học sinh được tham gia các hoạt động như: Thảo luận nhóm, chơi trò chơi, tọa đàm, vẽ tranh, đóng kịch. Sau đó, chính các thành viên của CLB sẽ là các tuyên truyền viên, truyền tải những kiến thức này tới những học sinh khác trong nhà trường vào tiết chào cờ và sinh hoạt lớp”.
Theo thầy Lại, trước đây, nhiều em còn rụt rè, nhút nhát không dám nói trước đám đông và chưa được trang bị đầy đủ những kiến thức về bình đẳng giới, những nguy cơ tiềm ẩn đe dọa sự an toàn bản thân. Nhưng thông qua hoạt động của CLB các em đã được trang bị kiến thức, kỹ năng giúp các em có thể tự bảo vệ bản thân. Qua đó, tạo sự thay đổi tích cực về thái độ, nhận thức, hành vi ứng xử trong việc ngăn ngừa và ứng phó với các vấn đề liên quan tới trẻ em.
“Tôi tin tưởng rằng, trong thời gian tới CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” sẽ như tên gọi, có tác dụng làm thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ người dân tộc thiểu số ngay từ trên ghế nhà trường. Các thành viên CLB sẽ là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu để cùng nhau vươn lên phát triển”, thầy Lại cho hay.