Đồng ý cho vợ đi họp lớp, tôi ngỡ ngàng trước sự thay đổi của cô ấy

Sau 3 ngày hội khóa trở về, vừa gặp tôi, vợ đã ôm chầm. Điều đó không khiến tôi vui, ngược lại còn làm tôi lo lắng. Liệu có phải vợ đã làm gì có lỗi khiến cô ấy áy náy và thay đổi như vậy?

Mấy hôm trước, tình cờ đọc được bài ” Sau khi đọc tin nhắn trong điện thoại, tôi không cho vợ đi họp lớp nữa ” cùng rất nhiều bình luận dưới bài, tôi thấy đa số mọi người đều khuyên tác giả không nên cho vợ đi họp lớp vì sẽ gặp lại người cũ.

Thú thật, sau khi đọc, tôi cực kỳ hoang mang. Bởi đúng thời điểm đó, vợ tôi cũng đang rục rịch đi họp lớp đại học kỷ niệm 10 năm ra trường. Sẽ chẳng có gì đáng lo nếu như trong lớp đại học năm ấy, vợ tôi từng có một mối tình.

Sau vài ngày “đấu tranh tư tưởng”, tôi quyết định vẫn để vợ đi. Kết quả là sau khi tham dự 3 ngày hội khóa trở về, vợ tôi thay đổi hẳn về tính tình như một con người khác. Đó là lý do tôi ngồi viết bài này chia sẻ cùng các bạn, góp thêm một câu chuyện, một góc nhìn về tình yêu, về mối quan hệ vợ chồng, bè bạn, niềm tin trong hôn nhân.

Tôi và vợ cưới nhau đã 7 năm, có một con gái lên 5 tuổi. Thời điểm yêu nhau, tôi thua vợ về mọi mặt: Ngoại hình xấu hơn, thu nhập thấp hơn. Tôi có thể chinh phục được vợ mình có lẽ là nhờ trái tim chân thành và ấm áp.

Đồng ý cho vợ đi họp lớp, tôi ngỡ ngàng trước sự thay đổi của cô ấy - 1 Sau lần gặp lại người cũ, tình cảm vợ dành cho tôi tốt hơn rất nhiều (Ảnh minh họa: iStock).

Sau này, tôi mạnh dạn vay mượn, đầu tư làm ăn. Trời thương, công việc làm ăn thuận lợi. Bây giờ chưa thể gọi là giàu có nhưng tôi cũng đã lo cho vợ con một cuộc sống đủ đầy, thoải mái.

Ngày mới nhận lời yêu, vợ nói rằng, tôi không phải là mối tình đầu của cô ấy. Cô ấy từng yêu một bạn cùng lớp hồi đại học suốt 3 năm. Tuy nhiên, sau khi ra trường, ai về quê người đó, ổn định công việc và không ai muốn từ bỏ những gì mình đang có để đi theo người kia. Cuối cùng, họ quyết định chia tay.

Vợ kể chuyện quá khứ có vẻ như chỉ mang tính chất thông báo chứ không phải chia sẻ. Vậy nên tôi cũng chỉ nghe rồi ậm ừ, không hỏi sâu, cũng không muốn quan tâm nhiều những chuyện cũ.

7 năm sống chung, vợ luôn thể hiện tốt vai trò làm dâu, làm vợ, làm mẹ. Tuy nhiên, trong tình cảm vợ chồng, tôi thấy vợ không thật sự thoải mái, không có tình cảm mặn nồng như những cặp vợ chồng khác.

Tôi biết trong cuộc hôn nhân này, tôi là người yêu nhiều hơn. Tôi không đòi hỏi vợ phải đáp lại nọ kia, bởi đó là điều quá khó. Tôi chỉ cố gắng yêu thương, chăm chút vợ con đúng với tình cảm của mình.

Lúc vợ nói lớp đại học tổ chức hội khóa 10 năm ra trường, cô ấy có đăng ký tham gia, tôi không hề nghĩ gì cả. Vài năm trước, tôi cũng đi dự hội khóa, gặp lại thầy cũ, bạn cũ, gặp lại thuở thanh xuân của mình rất vui và xúc động.

Nhưng khi đọc bài chia sẻ trên về việc không cho vợ đi họp lớp vì sợ “tình cũ không rủ cũng tới”, tự nhiên tôi thấy hoang mang. Bởi tôi không biết vợ tôi và người cũ trước yêu nhau sâm đậm thế nào nhưng kỷ niệm ít nhiều chắc chắn có. Gặp lại nhau sau nhiều năm, “cảnh cũ người xưa” chắc sẽ có sự xao động.

Hơn nữa, tình cảm vợ dành cho tôi không nhiều (theo tôi cảm nhận) nên tôi cũng có chút lo lắng. Nhưng rồi nghĩ đi nghĩ lại, tôi tặc lưỡi “Cái gì là của mình thì sẽ là của mình. Nếu không phải, cố giữ cũng không được”. Tôi vẫn vui vẻ để vợ đi, không hề bóng gió bất cứ một lời nào.

Sau 3 ngày hội khóa trở về, vừa gặp tôi, vợ đã ôm chầm lấy tôi. Cô ấy nói xin lỗi vì con còn nhỏ mà đi chơi lâu khiến tôi phải một mình xoay xở với vông việc, nhà cửa, đưa đón con. Cô ấy ríu rít kể chuyện gặp lại bạn bè vui và xúc động ra sao. Tối hôm đó, vợ còn chủ động “thân mật” với tôi, đó là điều cực kỳ ít xảy ra trong 7 năm hôn nhân đã qua.

Điều đó không khiến tôi vui, ngược lại làm tôi lo lắng. Lý do gì khiến cô ấy thay đổi như vậy? Cô ấy vui vẻ hơn hẳn, tỏ ra tình cảm với chồng hơn hẳn. Hay là vợ đã làm gì có lỗi khiến cô ấy áy náy và đang cố tình chuộc lỗi bằng cách này?

Có thể là hình ảnh về 5 người và văn bản

Nhưng tôi không phải thắc mắc gì lâu. Vì ngay sáng hôm sau, tôi ngủ dậy đúng lúc thấy vợ rời khỏi phòng. Điện thoại của cô ấy vẫn cắm sạc trên bàn trang điểm. Tôi tò mò cầm lên.

“Gặp lại người cũ, cảm giác thế nào?”, đó là tin nhắn cô bạn thân của vợ nhắn hỏi vào tối qua. Trống ngực tôi đập liên hồi, sợ đọc được những thứ không nên đọc.

“Cảm giác thất vọng. Cậu ấy giờ khác quá, nói chuyện với mình toàn thấy khoe khoang và nói xấu vợ. Mình ghét kiểu đàn ông như vậy. Nói chung là đi ra mới thấy, chồng mình vẫn là số 1”, vợ tôi nhắn trả lời.

Tôi thở phào nhẹ nhõm, hiểu ra lý do vợ đổi thay. Tôi đoán bao nhiêu năm nay, vợ tôi vẫn giữ những ấn tượng tốt đẹp về người cũ, có lẽ còn so sánh tôi với người ấy không chừng. Lần gặp lại này, cô ấy có thể đã nhận ra so với người cũ của mình, tôi cũng không quá tệ.

Vậy nên có những chuyện nên hay không nên để vợ gặp lại người cũ cũng tùy thuộc vào hoàn cảnh, vào cách nhìn nhận của từng người. Nếu vợ, chồng có tính lăng nhăng, không cần chờ đến họp lớp, họ vẫn sẽ phản bội bạn bất kỳ khi nào có cơ hội, muốn giữ cũng không giữ được.

Tất nhiên, nếu thấy trước nguy cơ thì “phòng cháy vẫn hơn chữa cháy”. Nhưng đôi khi, để không sống trong những lo lắng, nghi ngờ, bạn phải dũng cảm đặt cược niềm tin và  tình yêu  của mình vào bạn đời giống như tôi. May mắn thay, trong cuộc đặt cược mạo hiểm này, tôi là người thắng cuộc.




admin