Cuộc sống gia đình chỉ vững bền khi cả hai biết cách cân bằng tình yêu dành cho nửa kia và dành cho chính mình.
Những nguyên tắc sau đây giúp mọi người duy trì, gìn giữ và xây dựng hạnh phúc gia đình.
1. Trước khi cưới phải xem “hoàn cảnh gia đình” của nhau.
Những cuộc hôn nhân bền vững, lâu dài không chỉ dựa vào tình yêu của hai người mà còn dựa nhiều vào gia đình của hai bên. Đó không chỉ là đo lường về năng lực kinh tế, cũng như trí thức, mà là tìm hiểu liệu gia đình đối phương có cho họ khả năng “biết yêu thương” để cùng bạn đi đến cuối con đường hay không.
Hai người với hoàn cảnh sống không giống nhau sẽ có thế giới quan khác nhau. Nếu khoảng cách lớn, dù yêu nhau đến đâu, cuối cùng sẽ gặp nhiều mâu thuẫn trong cuộc sống thực. “Nếu muốn nhìn thấy nhau trong những vấn đề tầm thường hàng ngày, bạn phải chọn những người có giá trị tương tự như mình”, người dẫn chương trình nổi tiếng Trung Quốc Thái Vĩnh Khang từng nói.
2. Chăm chỉ kiếm tiền
Mặc dù tiền không phải là liều thuốc chữa bách bệnh nhưng tiền có thể giải quyết được nhiều trở ngại trong cuộc sống.
Nếu không có tiền, con bạn sẽ chẳng được ăn no, ngủ tốt, học hành tới nơi tới chốn. Nếu không có tiền, một cơn bạo bệnh xuất hiện có thể khiến cả gia đình suy sụp. Nếu không có tiền, những nhu cầu cơ bản cho sinh hoạt hàng ngày như thóc gạo, dầu muối cũng phải dè sẻn từng đồng. Bởi vậy, dù kết hôn với ai, hãy luôn nhớ việc chăm chỉ kiếm tiền là điều không bao giờ được từ bỏ.
3. Công nhận sự đóng góp của người kia
Năm ngoái, một bà mẹ ở thành phố Nam Ninh, Trung Quốc đã nhảy khỏi tòa nhà cùng hai con sau khi để lại một lá thư tuyệt mệnh. Những lời trăn trối trong thư thể hiện sự tuyệt vọng cùng cực của một người phụ nữ với cuộc hôn nhân của mình. “Tôi phải làm nhiều việc mỗi ngày, nhưng chồng tôi không bao giờ nhìn thấy sự đóng góp của vợ. Anh ta cho rằng những gì tôi làm không có gì to tát, thường phủ nhận và chỉ trích tôi”, người phụ nữ viết.
Được thấu hiểu là cảm giác an toàn nhất trong hôn nhân. Đó là khi người vợ nhìn thấy sự tận tụy của chồng và người đàn ông nhận ra sự chăm chỉ của vợ. Hôn nhân đòi hỏi người vợ phải quan tâm đến áp lực và cảm xúc của chồng, không gây rắc rối một cách vô lý. Nó cũng yêu cầu người chồng phải tôn trọng sự đóng góp của vợ, chia sẻ việc nhà nhiều nhất có thể và quan tâm tới vợ nhiều hơn.
4. Quan tâm tới nhau, sự lãng mạn là điều cần thiết trong hôn nhân
Gần đây, trên trang mạng Weibo (Trung Quốc), câu chuyện của một người đàn ông ở Thượng Hải đã làm cảm động nhiều người. “Một ngày khi đang trong nhà vệ sinh, tôi phát hiện bông rửa mặt của vợ bị rách, tôi đã ra chợ mua một cái mới. Về nhà tôi vứt cái cũ đi, thay thế cái mới vào, nhưng không nói cho cô ấy biết. Chỉ một chuyện nhỏ như vậy cũng khiến vợ tôi cảm động mấy hôm liền. Tôi nói rằng việc đó quá nhỏ, tôi có thể cho cô ấy những thứ đắt gấp trăm gấp ngàn lần cái bông rửa mặt đó. Nhưng cô ấy chỉ nói: Có những thứ mà đàn ông các anh không thể hiểu được. Cô ấy có kỳ lạ không?”.
Bên dưới phần bình luận, không có ai bình phẩm người vợ kỳ lạ hay không, họ chỉ tỏ ra ghen tị với cô vì được chồng mua cho chiếc bông rửa mặt.
Nhiều người nghĩ rằng, đã là vợ chồng thì cần gì sự cầu kỳ, lãng mạn. Họ không mấy quan tâm và cố gắng tạo ra sự lãng mạn, mặc nhiên để cuộc sống vợ chồng trôi đi trong lối sống đơn điệu, tẻ nhạt, khiến cho tình yêu có nguy cơ lụi tàn. Vì vậy, hãy ôm nhau trước khi đi chơi, sau khi đi làm về. Hãy mua một bó hoa nhỏ trang trí phòng, mua cho vợ chiếc bánh ngọt mà cô ấy yêu thích… Chú ý đến từng chi tiết nhỏ của cuộc sống, hôn nhân sẽ thăng hoa hơn rất nhiều.
5. Cùng nhau làm việc nhà
Việc nhà thường được coi là vấn đề nhỏ và dường như ai cũng ngầm hiểu nó là trách nhiệm của phụ nữ. Chỉ mất 10 phút để rửa chén bát, thay tã, nửa giờ để dọn dẹp hay kiểm tra bài tập cho con. Nhưng nhiệm vụ được coi là “dăm phút đã xong” này có thể làm tiêu tan hạnh phúc của nhiều gia đình hiện đại. Đạo diễn nổi tiếng từng 3 lần đoạt giải Oscar Lý An từng nói, một người đàn ông thực sự tốt không giúp vợ làm việc nhà. Bởi việc nhà nên được chia sẻ, không nên tồn tại hai chữ ‘giúp đỡ’ trong đó.
Theo vị đạo diễn này, để có được mối quan hệ gia đình tốt, đừng so bì ai làm nhiều hơn, ai làm ít hơn. Nó không giống như quan hệ chủ tớ, rằng trách nhiệm của người vợ là phải chăm sóc con cái, rửa bát và nấu ăn. Chia sẻ việc nhà với vợ là việc người chồng nên làm để giữ lửa gia đình. Một cuộc hôn nhân lâu dài không chỉ dựa trên tình yêu và sự tôn trọng lẫn nhau mà còn có sự tham gia của cả vợ và chồng vào việc nhà.
6. Đừng cố gắng biến đổi đối phương
Kỳ vọng quá mức vào người khác là nguồn gốc của sự đau khổ. Nỗ lực thay đổi một người khác, bạn có thể sẽ lãng phí quá nhiều thời gian, tâm sức. Nhà văn Nhật Junichi Watanabe từng kể câu chuyện, có một người đàn ông tính khí cẩn thận, mỗi khi lấy kem đánh răng, anh nhẹ nhàng bóp từng chút một và chẳng bao giờ lấy thừa. Nhưng người vợ mới cưới của anh lại là người đại khái, mỗi lần cô đánh răng, kem vương vãi khắp bồn rửa mặt. Sáng nào người đàn ông này cũng phải dọn dẹp cho vợ rồi trách móc, yêu cầu cô phải cẩn thận như mình. Những cuộc cãi vã liên tiếp xảy ra và họ ly hôn chỉ sau nửa năm chung sống.
Phong cách sống của mỗi người là khác nhau. Đừng ép buộc đối phương phải sống theo tiêu chuẩn của riêng mình. Nhà triết học người Pháp Montaigne từng nói: “Một cuộc hôn nhân tốt phải có một người vợ mù và một người chồng điếc.” Điều này có nghĩa là trong cuộc sống vợ chồng, không nên quá để ý đến lời nói và việc làm của nhau, bao dung những khuyết điểm nhỏ nhặt của nhau, không áp đặt lối sống của mình lên đối phương thì hôn nhân sẽ bền lâu hơn.
7. Thường xuyên giao tiếp, hâm nóng tình cảm vợ chồng
Dù có mệt mỏi hay bận rộn đến mấy, vợ chồng cũng nên dành thời gian trước khi ngủ để kể cho nhau nghe hôm nay ở chỗ làm đã xảy ra chuyện gì, con cái ra sao, có niềm vui nào hay không. Đôi khi, chỉ là những câu chuyện hết sức vụn vặt nhưng thói quen ấy sẽ làm tình cảm vợ chồng khăng khít, hiểu nhau hơn.
Hôn nhân không phải là chuyện của một người. Dù nam hay nữ, ai cũng muốn được yêu thương, không ai muốn “biến” mình thành ốc đảo. Hai người giao tiếp bằng tinh thần và sự quan tâm trong cuộc sống thì hôn nhân mới bền vững. Còn nếu như cùng chung sống dưới một mái nhà nhưng vợ chồng lại mất đi động lực giao tiếp, tổ ấm lạnh như hầm băng, hôn nhân như thế cũng khó lòng giữ được.
Vy Trang (Theo aboluowang)