Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, hàng loạt địa phương ở miền Trung xảy ra mưa lớn và kéo dài.
Sáng 18/9, Đài khí tượng thủy văn Quảng Nam phát thông báo về áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) khẩn cấp.
Theo đó, hồi 4h cùng ngày, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 113,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 250km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 9; di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ khoảng 25km/h.
Từ rạng sáng nay, Quảng Nam xuất hiện mưa nặng hạt.
Dự báo trong 24 đến 48 giờ tới, ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão, cường độ cấp 8-9, giật cấp 10-11.
Dự báo, vùng biển Quảng Nam trong 24 giờ tới: Vùng biển ven bờ, có mưa rào rải rác và dông, trong cơn dông cần đề phòng khả năng xảy ra lốc xoáy, sét và gió giật mạnh. Gió Nam đến Tây Nam cấp 4-5, giật cấp 6, cấp 7, độ cao sóng từ 1.5-2.5m, vùng biển ngoài khơi có cấp 5, chiều tối và đêm mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8. Biển động. Độ cao sóng từ 2-3m.
Đài khí tượng thủy văn Quảng Nam đưa ra cảnh báo: Từ ngày 18 đến ngày 20/9, các địa phương trong tỉnh có khả năng xảy ra một đợt mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; cường độ mưa to đến rất to tập trung chủ yếu từ đêm 18/9 đến ngày 19/9.
Tổng lượng mưa các địa phương vùng đồng bằng ven biển phổ biến từ 80-120mm, có nơi trên 150mm; các địa phương vùng núi phổ biến từ 100-200mm, có nơi cao hơn 250mm.
Trong khi đó, tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, Đài khí tượng thuỷ văn tỉnh này cho biết khả năng từ ngày 19 đến 21/9, địa phương này có mưa to, tổng lượng phổ biến 100-200mm, có nơi trên 300mm.
Dự báo, mưa lớn khả năng gây ra lũ, lũ lụt, lũ quét, sạt lở, trượt lở đất đá ở vùng đồi núi và ven các sông suối nhỏ ở các huyện A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Phú Lộc, thị xã Hương Trà. Vì vậy mọi người cần chủ động đề phòng mưa với cường độ trên 50mm/giờ, nguy cơ gây ngập úng đô thị và những nơi có hệ thống thoát nước kém ở một số huyện, thị xã và TP Huế.
Để ứng phó áp thấp đang mạnh lên thành bão, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng phát đi thông báo đề nghị các địa phương, ban ngành chủ động ứng phó trước khi mưa lũ xảy ra.
Theo đó, khẩn trương bố trí lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven đồi núi, ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt sâu, địa bàn dễ bị chia cắt.
Tổ chức lực lượng triển khai kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo ở các ngầm, tràn, đoạn ngập sâu, nước chảy xiết, đoạn bờ sạt lở; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.
Hà Tĩnh cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở các khu vực trũng, thấp
Tại Hà Tĩnh, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ chiều tối 17/9, trên địa bàn xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng. Trước nguy cơ cao xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở các khu vực trũng, thấp, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải đã yêu cầu tổ chức lực lượng trực ban 24/24h tại các cơ quan, đơn vị để chủ động xử lý các tình huống có thể xảy ra, kịp thời báo cáo về UBND tỉnh và Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh yêu cầu tiến hành kiểm tra, rà soát ngay tất cả các vị trí có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt sâu để kịp thời thông báo cho người dân chủ động, phòng tránh có hiệu quả.
Tổ chức rà soát các hộ dân, số điện thoại chủ hộ nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra ngập lũ, lũ quét, sạt lở đất để sẵn sàng liên lạc, ứng cứu nếu có thiên tai xảy ra.
Đối với các công trình hồ chứa (thủy lợi, thủy điện), Chủ tịch tỉnh yêu cầu các chủ đập cần theo dõi diễn biến mưa lũ, cân đối nguồn nước và chủ động xả sớm để đón lũ, vừa đảm bảo an toàn công trình, hạn chế đến mức tối đa thiệt hại vùng hạ du.
Tại Quảng Bình, địa phương này cũng vừa có công điện chỉ đạo các địa phương, đơn vị tập trung ứng phó với ATNĐ có thể mạnh lên thành bão ở Biển Đông.
Từ 0h ngày 19/9, Quảng Bình tổ chức cấm biển cho đến khi biển an toàn theo thông báo của cơ quan khí tượng thủy văn.
Các đơn vị thuộc lực lượng Bộ đội Biên phòng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố… tổ chức kêu gọi tàu thuyền vào tránh trú, rà soát các khu vực nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất để có phương án di dời người dân.