Nhớ thương cha mẹ mỗi lần bão lũ đi qua – Câu chuyện nhân văn cảm động

Sau khi bão lũ đi qua, con vẫn chưa thể gọi điện về nhà. Điện thoại bố mẹ hết pin, mà điện lại không có. Lòng con như lửa đốt mà chẳng biết phải làm sao.

Bố mẹ là những nông dân chính hiệu, quanh năm suốt tháng bán mặt cho đất bán lưng cho trời, quanh quẩn mãi ở ruộng vườn, chuồng trại. Sáng bố mẹ dậy trước cả tiếng gà gáy, tối khuya các con giục mãi bố mẹ mới chịu dừng tay nghỉ ngơi, nếu không vẫn còn nấn ná làm cho nốt việc này, việc kia.

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất nắng gió khắc nghiệt, con hiểu vô cùng nỗi khó khăn, vất vả của bố mẹ và những người dân quê mình phải gánh chịu. Nhưng đôi khi con vẫn thầm trách ông trời đổ nắng sao mà gắt, gió sao mà nóng và bão sao cứ dữ dằn thế. Bố mẹ và mọi người dù có can trường đến mấy thì cũng đâu phải “mình đồng da sắt”.

Hai đứa con mỗi tuổi một lớn, nào là ăn mặc, học hành, cái gì cũng tốn kém khiến gánh nặng mưu sinh, cơm áo gạo tiền trên vai bố mẹ thêm nặng. Tiền kiếm được, bố mẹ tiêu cho bản thân chẳng bao nhiêu, mà lo cho các con thì nhiều. Cuối năm, tằn tiện mãi cả nhà mới dành dụm được dăm ba chục triệu, định làm lại mấy ô chuồng trại cho kiên cố, mua thêm ít cây giống. Nhưng rồi, năm đó con gái vào đại học, bố bảo tiền đó để cho con đi học.

Năm đầu tiên con ở thành phố, tiền sinh hoạt phí, tiền học,… đều trông chờ bố mẹ gửi lên hàng tháng. Thương bố mẹ vất vả con muốn đi làm thêm nhưng bố mẹ không cho, bảo như thế sẽ xao nhãng việc học, bố mẹ còn sức còn lo được. Mỗi lần gọi điện về, bố lại cười nói: “Nhà mình vẫn ổn con ạ. Không cần lo gì, Giá lợn gà dạo này đang lên, lúa cũng trúng mùa. Con cứ yên tâm học nghe”. Nghe bố nói vậy nhưng con biết không phải vậy, bố chỉ đang cố giấu nỗi vất vả, lo lắng vào lòng cho con yên tâm thôi.

Vừa qua, khi nghe tin bão số 3 đổ bộ vào, con chỉ muốn bắt xe chạy ngay về nhà. Nhưng bố mẹ không cho, bảo bão lũ này con tránh được càng xa càng tốt. Bố với mẹ đã có phương án phòng hộ cả rồi. Bố còn khoe, nhà mình ràng buộc kiên cố lắm, trong nhà đồ đạc cũng được kê lên cao cả rồi.

Phận con gái ở xa, lo chẳng được chỉ đành cầu nguyện mong ở quê nhà bố mẹ, bà con làng xóm được bình an. Bão tới, con ở thành phố cập nhập từng mẩu tin, xem hết các video quay tại hiện trường mà rùng mình, đỏ hoe đôi mắt vì sức tàn phá của cơn bão quá sức khủng khiếp. Nghĩ rồi lo, mưa to gió lớn vậy liệu nhà mình có trụ nổi không, giờ này bố mẹ đang ở đâu có hề hấn gì không?

Bão tan, con vội gọi về ngay nhưng không được. Nhà làm gì có điện, mà không có điện thì điện thoại sao có pin. May quá, cuối cùng một người bạn thân cùng quê bắt xe về nhà, con vội vàng nhờ bạn ghé xem tình hình của bố mẹ. Nghe bạn tả lại nhà mình toang hoang xơ xác hết, cây cối đổ rạp, gà lợn chết hết, gian bếp bị tốc mái, để vẹm một bên tường. Nói chung thành quả lao động củ bố mẹ mấy năm nay mất trắng trong bão. Lòng con xót xa không tả nỗi.

Gặp bố qua điện thoại của bạn, con khóc sụt sùi liền bị bố mắng. “Khóc gì, bố mẹ khỏe là được rồi. Nhà mình may mắn nhất làng đấy vì vẫn còn lại ngôi nhà để ở. Trong làng, nhiều nhà còn bay cả mái, đổ cả tường, giờ mọi người còn đang bơ vơ con ạ”.

“Nhưng cũng là mất hết rồi bố ạ”, con nói.

“Không mất, còn người là còn của. Con xem, vườn quang hơn hẳn, giờ bố có điều kiện trồng lại cây mới rồi. Lâu nay, bố vẫn muốn quy hoạch lại khu vườn nhà mình mà tiếc công vườn cũ, giờ thế này lại hay”, vẫn là với giọng lạc quan ấy. “Mà con tính xem, giờ đã phải đóng học phí chưa để thư thư vài bữa nữa bố mẹ xoay rồi gửi lên cho con nhé”, giọng bố lo lắng hỏi.

nho-thuong-cha-me-moi-lan-bao-lu-di-qua-cau-chuyen-nhan-van-cam-dong-1

“Dạ, biết bão lớn nên nhà trường thông báo giãn đóng học phí rồi. Bố mẹ yên tâm ạ”, tôi cố mỉm cười nói với bố.

“Vậy tốt rồi. Lúc nào cần gì cứ gọi về cho bố mẹ. Mà bố dặn, con không được nghĩ linh tinh, phải học cho tốt nghe chưa? Con cứ ở ngoài đó, không cần về làm gì. Đường xá giờ cách trở, đi lại xa không an toàn”, giọng bố lo lắng dặn dò.

“Dạ, con biết rồi”, tôi nói.

Nhìn chiếc điện thoại đã tắt, tự nhiên, nước mắt con chảy tràn. Ở quê bố mẹ đang trắng tay, vậy mà vẫn chỉ lo nghĩ cho con gái ngoài này.

Thực ra, mấy hôm trước, con đã âm thầm tìm được việc làm thêm. Thu nhập tuy chưa cao, nhưng cũng hỗ trợ được một phần nào chi phí học tập ở thành phố. Con chưa dám nói cho bố mẹ biết, vì sợ bố mẹ nghĩ nhiều, Lúc nào bố mẹ cũng thương và lo chưa làm hết trách nhiệm với con để cho con gái phải khổ. Nhưng, con giờ cũng đã lớn rồi, con cũng cần tự lập.

Mấy ngày sau, con lại gọi về nhà. Bão qua mấy hôm, điện đã có nên việc liên lạc dễ dàng hơn. Bố kể, đã dọn xong vườn và lợp lại căn bếp rồi.

“Sau bão cả làng mình lại thêm quấn quýt, thương yêu, chia sẻ với nhau hơn. Người mất ít thì giúp người mất nhiều. Hôm rồi, các chú các bác kéo qua nhà giúp bố mẹ lợp mái bếp. Hôm qua, bố lại sang nhà các bác ấy để hỗ trợ dựng lại gian nhà. Mẹ con đang làm đất để chuẩn bị trồng lại mấy luống rau. Nói chung là bão không thể bắt mình dừng sống được”, bố cười nói với con.

“Ngoài này, trường con cũng đang tổ chức quyên góp ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Lớp con gom được ít quần áo, lương thực, thực phẩm mẹ xem ở mình có ai thiếu, con gửi vào mẹ chia cho các cô, chú giúp con. Các thầy cô biết quê mình bị ảnh hưởng bởi bão lũ, cũng động viên, hỗ trợ con nhiều mẹ ạ”, con gái nói.

“Vậy hả, được vậy thì tốt quá. Nhưng con nhớ ngoài đó có khó khăn gì thì bảo ngay, đừng có giấu bố mẹ nhé. Dù có bất cứ điều gì xảy ra, bố mẹ cũng sẽ nuôi con trưởng thành”, mẹ xúc động nói.

“Dạ vâng. Con cảm ơn bố mẹ nhiều”, con đáp mà hai mắt rưng rưng.

Nhìn nụ cười trên gương mặt khắc khổ của bố mẹ, con gái chỉ biết nhủ thầm: Nhất định con sẽ thật thành công để có điều kiện báo hiếu và giúp bố mẹ, bà con quê mình. Bao năm qua, bố mẹ đã đồng hành cùng con khôn lớn, giờ, sắp đến lúc, đến lượt con đồng hành với bố mẹ.

Xem thêm: