Câu chuyện về mẹ chồng của chị Phan Thị Thúy (25 tuổi, quê Tân Kỳ, Nghệ An) được đăng tải trên trang fanpage hơn 3 triệu thành viên đã nhận được nhiều sự quan tâm của người dùng mạng xã hội.
Thương con dâu sắp sinh mà mẹ đẻ bệnh nặng, suốt 5 tháng qua bà Hoàng Thị Tài, 57 tuổi, đến chăm cả con dâu lẫn thông gia.
“Dâu cũng là con. Mẹ chồng nào có con dâu không may gặp chuyện éo le cũng làm như tôi thôi”, bà Tài, ở xã Nghĩa Đông, huyện Tân Kỳ, nói.
Phan Thị Thúy, 25 tuổi, (con dâu út của bà) mồ côi bố khi mới học lớp 9. Mẹ chị ở vậy nuôi chị cùng em trai. anh Nguyễn Ngọc Hiếu, con trai bà Tài. Cuối năm 2023, Thúy kết hôn với anh Nguyễn Ngọc Hiếu (con trai bà Tài). Chồng phải trở lại Đài Loan làm việc nên cô xin phép về ngoại sinh con.
Tháng 2 năm nay, mẹ Thúy phát hiện bị u não, có nguy cơ liệt tứ chi. Nhưng bà gặp biến chứng, phẫu thuật xong không còn minh mẫn.
”Lúc đó tôi không biết dựa vào ai”, Thúy kể.
Thấy con dâu và bà thông gia lâm cảnh éo le, từ đầu tháng 5, bà Hoàng Thị Tài bàn giao toàn bộ việc nhà và đồng áng cho chồng và con dâu thứ hai, mình đến nhà Thúy.
Hàng ngày, bà chạy xe máy gần 40 km từ nhà ở xã Nghĩa Đông đến nhà thông gia ở xã Tân An (huyện Tân Kỳ). Đang mùa gặt, thấy một mẫu ruộng của mẹ con Thúy chưa có người thu hoạch, bà kêu gọi thêm chồng, con dâu thứ hai, cùng với vài người khác sang làm giúp.
Một ngày của bà thường bắt đầu bằng việc cơm nước cho con dâu và thông gia, ra đồng cắt cỏ cho ba con trâu, thái rau, nấu cám cho hai con lợn và đàn gà hơn hai chục con. Đến mùa cấy, bà đi cuốc bờ ruộng, vãi mạ. Khi rảnh, bà ra vườn cuốc đất, trồng rau để con dâu có thực phẩm sạch.
Bà Tài vừa bế cháu ,vừa dỗ dành thông gia, tháng 7/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đầu tháng 6, khi Thúy sinh con, bà Tài không đi về mà ở lại hẳn. Đúng lúc này, mẹ Thúy phải mổ não lần thứ ba, đầu óc như đứa trẻ.
”Chị ấy vệ sinh không tự chủ, đói không biết kêu, chỉ nhớ chuyện về những người đã mất, con mình cũng không nhận ra nữa”, bà Tài kể.
Cứ 6 giờ tối, bà thông gia lại khóc, đòi về nhà mẹ đẻ. Bà Tài phải dỗ dành, đi theo giám sát. Đến bữa, bà đút từng thìa cho mẹ Thúy ăn, cưng nựng, dỗ dành như em bé.
“Chị ấy chẳng còn biết ai, cứ gọi tôi là mẹ xưng con”, bà Tài kể.
Đêm đêm, bà Tài thức trông cháu cho con dâu tranh thủ ngủ. Khi cháu ngủ ngon, định ngả lưng thì bà thông gia đòi dẫn đi vệ sinh.
Thấy vậy, Thúy áy náy, khuyên mẹ sang phòng khác ngủ. Nhưng bà Tài dặn con dâu không phải suy nghĩ, phải vui vẻ, ăn nhiều lấy sữa cho con, kiếm tiền lo cho mẹ đẻ.
Bà Tài chụp ảnh lưu niệm cùng Thúy trong một đám cưới, năm 2020. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Quen lao động chân tay, lại nhận mình còn trẻ, khỏe bà Tài thấy giúp gia đình con dâu không vất vả gì so với những gì đã trải qua.
40 năm làm dâu, bà từng chăm sóc cha chồng bị mù, cùng chồng làm ba mẫu ruộng nuôi bốn người con lớn khôn. ”Giúp được con dâu và bà thông gia, tôi không thấy cực mà thấy thanh thản trong lòng”, bà Tài nói.
Chị Trần Thị Trang, 28 tuổi, con dâu thứ hai của bà Tài, ở với bố mẹ chồng 9 năm nên hiểu bà thương và chăm chút cho cả ba nàng dâu.
Khi con dâu cả sinh cháu trong miền nam, bà Tài vào chăm suốt hai năm. Trang sinh con bà cũng làm hết việc nhà, chăm cháu để cô nghỉ ngơi. Nhà ngoại cô có việc cần, bà sẵn lòng giúp.
Các con mới về làm dâu, bà thường hướng dẫn chỉ dạy từng chút một, chưa bao giờ lớn tiếng. Mỗi lần nàng dâu muốn đi chơi hay sang ngoại, bà trông con giúp, giục phải ăn mặc đẹp, thậm chí cho tiền đi thẩm mỹ.
“Mẹ lúc nào cũng nói ‘dâu của mẹ là phải đẹp’. Các anh con trai còn phải ghen tị vì mẹ chiều con dâu hơn con đẻ”, Trang kể.
Ở với bà, Trang học được tính yêu thương người thân, sẵn lòng san sẻ. Khi nghe mẹ chồng kể gia cảnh em dâu, Trang nhận lo hết việc nhà, phụ việc đồng áng, giục bà Tài sang giúp đỡ mẹ con Thúy.
Qua câu chuyện của chị Thúy, bà Tài được cộng đồng mạng trầm trồ là “mẹ chồng quốc dân” (Ảnh: P. Thúy).
Cuối tháng 7 vừa qua, em trai Thúy hoàn thành nghĩa vụ quân sự nên bà Tài đón con dâu và cháu về nội chơi để thay đổi không khí. Sang nhà chồng, Thúy được bố mẹ chăm con giúp để có thời gian nghỉ ngơi và cùng chị dâu bán hàng, kiếm thu nhập lo cho mẹ đẻ. Cô ngủ mấy giờ dậy cũng được.
“Tôi ở nhà chồng hay nhà đẻ đều không phải làm dâu”, Thúy nói.
Là người yêu thương con hết mực nhưng bà Tài không ngại uốn nắn, bày dạy các con cách cư xử, cách sống để giữ hòa khí trong gia đình (Ảnh: P. Thúy).
“Người ta nói phúc đức tại mẫu, còn tôi thấy mình thật may mắn có mẹ Tài. Không chỉ chăm lo cho tôi, mẹ còn động viên tôi lo cho gia đình ngoại bởi hoàn cảnh của gia đình mẹ đẻ tôi còn nhiều khó khăn. Tôi luôn biết ơn mẹ vì điều đó,” chị Thúy tâm sự.
Đăng Dũng tổng hợp