Trẻ sơ sinh khóc là chuyện bình thường, nhưng điều kỳ lạ là một số trẻ bình thường rất ngoan, nhưng chỉ cần nhìn thấy một “ai đó” là trẻ sẽ đột nhiên khóc.
Lele 1 tuổi, là cậu bé rất dễ thương, tính tình hoạt bát, mỗi lần nhìn thấy bố mẹ là không khỏi khúc khích cười. Nhưng điều “kỳ lạ” là mỗi khi mẹ của Lele đưa cậu bé đi dạo ở quảng trường của cộng đồng, miễn là Lele nhìn thấy một ông già đang khiêu vũ hoặc tập thể dục trong quảng trường, gương mặt cậu bé sẽ ngay lập tức biến sắc. Và bất cứ khi nào ông muốn lại gần để trêu chọc Lele, Lele sẽ cố gắng hết sức để chui vào vòng tay mẹ, khóc lóc đòi về nhà.
Có lẽ trong quá trình nuôi dạy con cái, nhiều bậc bố mẹ cũng đã gặp phải tình huống như vậy, khi đứa trẻ nhìn thấy ai đó thì luôn khóc. Thực ra trẻ khóc cũng có nguyên nhân, đó không phải là mê tín dị đoan mà là có cơ sở khoa học.
Tại sao đôi khi trẻ em khóc khi nhìn thấy ai đó?
Thị giác chưa phát triển hoàn thiện
Có thể nhiều bố mẹ chưa biết rằng, đối với những bé sơ sinh từ 0-3 tháng tuổi, thế giới mà bé nhìn thấy rất khác so với thế giới của người lớn. Thế giới của người lớn muôn màu muôn vẻ, nhưng thế giới trong mắt trẻ thơ chỉ có trắng và đen, rất mờ ảo.
Nói một cách đơn giản, một em bé dưới 3 tháng tuổi thực chất là một “bệnh nhân cận thị cao”, nặng đến mức chỉ có thể nhìn thấy mẹ đang ở gần mình và khoảng cách nhìn của các bé chỉ khoảng 20-25 cm. Cũng chính vì mắt bé đang ở giai đoạn cận thị cao, nên bé có xu hướng nhìn một số vật có độ tương phản sáng tối mạnh, và đường nét rõ ràng hơn.
Ví dụ, một số em bé đặc biệt thích tập trung ánh mắt vào khuôn mặt của bố, bởi vì đường nét trên khuôn mặt của đàn ông tương đối rõ ràng. Các nhà nghiên cứu đã từng yêu cầu 40 em bé nhìn vào 4 bức ảnh khuôn mặt người, và ghi lại phản ứng của trẻ tại thời điểm đó.
Người ta nhận thấy những nét trên khuôn mặt khiến bé thích thú thường có những nét rất cân đối, còn những nét mặt méo mó, đường nét không rõ ràng thì bé hay thờ ơ hoặc hay quấy khóc đột ngột.
Vì vậy, khi bé nhìn thấy các đặc điểm trên khuôn mặt của “ai đó” không đủ ba chiều, tầm nhìn của bé có thể bị bóp méo và mờ, đồng thời bé sẽ thể hiện sự phản kháng và sợ hãi bằng cách khóc. Đặc biệt là một số người già, khi tuổi tác càng cao, cơ mặt sẽ dần mất cân đối, da nhăn nheo, nên khi trẻ nhỏ nhìn vào sẽ cảm thấy sợ và biểu đạt sự sợ hãi bằng cách khóc.
Màu sắc quần áo sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng của bé
Khi bé lớn hơn, sau 4 tháng tuổi, thế giới trong mắt bé bắt đầu chuyển sang màu sắc. Giáo sư Yang Jian từ Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Trẻ em của Đại học Vũ Hán cho biết:
Sau 4 tháng, bé sẽ bước vào thời kỳ màu sắc thị giác. Trong thời kỳ này, dây thần kinh thị giác của bé sẽ rất nhạy cảm với những thứ nhiều màu sắc, tầm nhìn mở rộng 1-2 mét. Nhưng mặc dù bé trong giai đoạn này bắt đầu có hứng thú với thế giới nhiều màu sắc, nhưng các màu sắc khác nhau lại có mức độ thu hút bé khác nhau, chẳng hạn như ba màu cơ bản là đỏ, vàng, xanh lam được bé yêu thích hơn cả.
Và quan trọng hơn, nếu độ bão hòa của màu tương đối thấp, tức là màu đậm thì khả năng bé bị phản kháng là rất cao. Đó là lý do tại sao em bé sẽ khóc khi một số người già đến gần em bé. Điều này là do quần áo của người đó tương đối sẫm màu, khi ở gần trẻ, trẻ sẽ có cảm giác khẩn trương và sợ hãi, nên khóc là điều bình thường.
Màu sắc quần áo quá sẫm màu sẽ khiến trẻ có cảm giác lo lắng, sợ hãi.
Em bé bước vào “thời kỳ lo lắng”
Khi bé lớn hơn, đến nửa tuổi, bé đã có thể phân biệt được sự khác nhau giữa những vật, người “quen thuộc” và “không quen thuộc”. Và trẻ sẽ có cảm giác phụ thuộc vào những người thân quen xung quanh. Nhưng do não bộ chưa trưởng thành, nên trẻ chưa thể có cách ứng xử đúng đắn với những vật hoặc những người lạ. Vì vậy khi nhìn thấy những khuôn mặt lạ, trẻ sẽ vẫn cảm thấy lo lắng và sợ hãi.
Dưới góc độ phát triển tâm lý của trẻ, giai đoạn này còn được gọi là “giai đoạn lo lắng người lạ”. Có thể bé nào cũng phải trải qua giai đoạn này, nhưng do sự khác biệt về tính cách cá nhân, một số bé có thể thích nghi nhanh chóng, trong khi những bé khác có thể mất nhiều thời gian hơn để thích nghi.
Bố mẹ bao bọc quá mức
Hầu hết các bố mẹ thường làm mọi cách để mang lại cho con cái cuộc sống tốt nhất có thể, không cho phép trẻ đụng vào thứ này thứ kia. Vì sợ con sẽ gặp nguy hiểm nên bố mẹ sẽ bao bọc trẻ một cách cẩn trọng.
Mặc dù bố mẹ làm vậy để bảo vệ con nhưng thực tế đối với trẻ, những gì bố mẹ làm có thể khiến trẻ thiếu tính tự lập và khi trẻ lớn lên thường có xu hướng phụ thuộc vào bố mẹ. Trẻ không dám thử những điều mới, dũng khí của trẻ sẽ ngày càng thu hẹp lại, và dĩ nhiên trẻ sẽ thường xuyên khóc khi người lạ chạm vào mình, ngay cả khi trẻ lớn lên.
Việc bố mẹ bao bọc trẻ quá mức từ nhỏ, sẽ càng khiến trẻ phụ thuộc vào bố mẹ dù đã lớn.
Làm gì để giảm nỗi sợ người lạ cho trẻ?
Đừng ép trẻ
Khi gặp tình huống con đột ngột khóc khi gặp người lạ, nhiều bố mẹ có thể nói với con một cách khích lệ trong tiềm thức: “Đừng sợ, đây không phải là chú/ thím mà con đã thấy hôm qua sao?”
Thực ra đối với trẻ sơ sinh, nhận thức và thế giới trong mắt trẻ khác với người lớn, nếu người lớn càng ép trẻ phải chấp nhận và thích nghi nhanh chóng, đôi khi sẽ tự chuốc lấy thất bại và để lại những ký ức không mấy tốt đẹp trong thế giới nhỏ bé của trẻ.
Cách đúng đắn là tiếp nhận hoàn cảnh của trẻ, cho trẻ một khoảng thời gian đệm, kịp thời đưa trẻ rời khỏi hoàn cảnh lúc đó, sau khi trẻ bình tĩnh lại thì dần dần tập cho trẻ thích ứng.
Bố mẹ nên tập cho trẻ thích nghi dần, việc ép trẻ sẽ càng khiến tâm lý trẻ hoảng loạn và lo lắng hơn.
Tạo cơ hội giao tiếp nhiều hơn
Trên thực tế, những đứa trẻ nhạy cảm có xu hướng phòng thủ bên trong kém hơn. Ngược lại thì theo nghiên cứu, những em bé có nhiều kinh nghiệm tiếp xúc với người lạ từ khi mới sinh ra, sẽ rất ít khi có biểu hiện lo lắng và không dễ khóc khi gặp người lạ.
Sở dĩ rất nhiều đứa trẻ ghét người lạ, là bởi vì được bố mẹ bảo vệ quá kỹ ngay từ khi mới sinh ra, những người trẻ thường tiếp xúc đều là người thân trong nhà, và trẻ rất ít khi được đưa ra ngoài gặp gỡ người khác.
Vì vậy, nếu bố mẹ thấy con dễ quấy khóc khi nhìn thấy người lạ thì có thể tăng tần suất ra ngoài một cách hợp lý để con tiếp xúc với nhiều người thân quen trước, tạo điều kiện để trẻ mở rộng vòng quan hệ xã hội của mình. Như vậy thì tính cách của trẻ sẽ trở nên cởi mở, mạnh mẽ và tự tin hơn.
Cho trẻ cảm giác an toàn
Cảm giác an toàn của trẻ đến từ cảm xúc của bố mẹ. Theo nghiên cứu, trẻ sẽ đánh giá cảm xúc của mình thông qua giọng nói của bố mẹ.
Vì vậy, khi đưa con đi gặp người lạ, bố mẹ phải chú ý đến biểu hiện của con, cố gắng tỏ thái độ thân thiện và ngôn ngữ tử tế, để con cũng cảm nhận được cảm giác an toàn nhất định từ bố mẹ, như vậy con sẽ trút bỏ được sự lo lắng của bản thân.
Mỗi đứa trẻ trong quá trình lớn lên đều sẽ trải qua giai đoạn nhận biết bẩm sinh, đây là hiện tượng tự nhiên. Vì vậy bố mẹ không cần phải chỉ trích con cái, chứ đừng nói là vội vàng thay đổi trẻ.
Trên thực tế, sự lớn lên của trẻ là có quy luật, bố mẹ hãy thuận theo dòng chảy của nó, cho con đủ cảm giác an toàn và thường đưa con ra thế giới bên ngoài. Như vậy con sẽ phát triển mạnh mẽ và hạnh phúc hơn trong tương lai.
Để trẻ không bị hoảng sợ, người lớn nên có thái độ vui vẻ khi giao tiếp với trẻ.
Link nguồn: https://arttimes.vn/gia-dinh/dua-tre-dot-ngot-khoc-khi-nhin-thay-ai-do-khong-phai-me-tin-di-doan-ma-co-co-so-khoa-hoc-c59a27658.html