Gái thời chiến, những bông hoa ngát hương cùng sông núi

Ngôn ngữ dân tộc chỉ có một. Hoài Vũ cũng chỉ có một. Hoà cùng cái chung của nền văn học nước nhà, bằng niềm đam mê mãnh liệt, bằng sự lao động nghiêm túc, ông đã làm nên sự riêng biệt cho cái tên Hoài Vũ trên văn đàn. Từ hình tượng nghệ thuật đến tư tưởng, nội dung phản ánh, thơ văn Hoài Vũ luôn tràn đầy lý tưởng thẩm mĩ, giá trị nhân sinh, tính giáo dục và tinh thần yêu nước nồng nàn. Bên cạnh “Thì thầm với dòng sông”, bản dịch “Hoa trong Tuyết” thì “Gái thời chiến” của ông cũng là một tác phẩm như thế. Khẳng định tính nhất quán trong tư tưởng, mạch triết luận và khả năng sáng tạo nơi người cầm bút chân chính.

Nhà thơ Hoài Vũ và nhà phê bình Bảo Bình – tác giả bài viết

Từ cổ chí kim, người con gái luôn là biểu tượng của cái đẹp, sự quyến rũ, nền nã. Họ là phái yếu, thường tự lui mình làm hậu phương. Nhưng khi vận mệnh nước nhà nguy khốn, họ biến thành bậc anh thư, gác lại mọi riêng tư và coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Cùng với nam nhân gìn giữ sơn hà.

Mở đầu tập truyện là “Gái thời chiến”, là cô Thiệp chưa đủ tuổi làm du kích nhưng tinh thần người con Đất Thép thì đã cuộn sâu trong huyết quản. Chí khí đến giận má sao không đẻ mình sớm hơn “Má kỳ cục quá hà, sao má không đẻ con ra trúng năm Tý?”. Rồi bằng mọi cách, Thiệp phải có cho được cây súng để giết giặc “Thiệp đứng dạng chân chữ bát, dựa lưng vào gốc cây, kề súng lên vai, ngó chằm chằm về hướng con đầm già…”. Rồi số tiền cắc củm để mua lược mua gương làm đẹp với người ta cũng được Thiệp dùng “để làm những việc hệ trọng hơn, thiêng liêng hơn.”. Rồi khi “được súng như được vàng”, Thiệp đã “quyết tâm trở thành dũng sĩ”. Một cô bé chưa đủ lớn nhưng hào khí đã ngút trời khi chứng kiến cảnh nước nhà bị giày xéo.

Ngôn ngữ trần thuật với lối văn sinh động cùng sự khéo léo của tác giả trong sử dụng những thán từ địa phương “chà!, nè!, đấy hả?, trời đất!,…”, và tinh tường trong miêu tả sắc thái nhân vật “trề môi, bặm trợn, bẽn lẽn, nũng nịu,…” làm toát lên tính chân thật, gần gũi của đời thường. Cũng từ đó, tình yêu đất nước được đẩy lên trên mọi tình cảm khác. Linh thiêng.

“Bông sứ trắng”, dẫn dắt câu chuyện là kiểu ghi chép chiến trường. Câu chuyện được dựng lên bằng phép liên kết hồi cố, kết nối nhân vật trong hoàn cảnh phát sinh của nó, với những tình tiết đặc trưng của thể loại này: chặt chẽ, hồi hộp, bất ngờ và cảm động. Bằng “một lá thư” không tên người gởi của một cô gái, quân giải phóng đã hốt gọn ổ bọn ác ôn, tay sai. Cô gái không ngại khó ngại khổ ấy, chỉ mong góp sức mình diệt giặc, chứ không mong để lại tên tuổi. Cô đúng là một “Bông sứ trắng” thanh khiết, giản dị mà tràn đầy yêu thương. Tôi thích câu nói của anh Tám trong câu chuyện “cái gì làm cho mình xúc động ghê gớm, cái đó đến chết hãy còn mang theo”. Chúng ta, tôi và các bạn sẽ không thể quên những “Bông sứ trắng” dịu dàng mà kiên cường đi qua cuộc chiến, vì dân tộc mà chẳng nao núng, ngã lòng.

Nguyên tắc của nghệ thuật là phải gắn liền với đời sống và thời đại. Tác giả nói chung, biến hoá chữ nghĩa của mình vì mục đích gì đi nữa cũng không nằm ngoài quy luật tất yếu đó. Hoài Vũ đã ngụp sâu vào dân tộc mình, để rồi nắm bắt hiện thực trong từng chi tiết, nói theo cách của Pautovsky “Chi tiết làm nên bụi vàng của tác phẩm.” ông đã dùng những “bụi vàng” đắt giá để trần thuật câu chuyện của mình bằng một giọng điệu dung dị mà hấp dẫn, nhẹ nhàng mà xúc cảm, giản đơn mà sâu lắng. Và ở đây, phải kể đến “Đêm Vàm Cỏ”, “Mái tóc” hay “Người Sài Gòn”, “Bông huệ trắng”… mỗi truyện kể là mỗi cuộc đời, mỗi thầm lặng hy sinh. Từ cô Ba Đào nữa đêm cõng đồng chí mình lội qua đồng bưng, băng qua bót để tới bệnh viện, đến Cô Nhạn hoá thành ni cô để hoạt động cách mạng; từ người vợ và đứa con gái nhỏ hết lòng chăm sóc anh Tám giải phóng quân khi thương tích, lỡ đường đến Ngọc – đứa con gái bị giặc cướp đi cánh tay – vẫn gan góc bám trụ, bám làng cùng ba mình làm Việt cộng, hiên ngang dẫn đám lính mấy chục tên và tay sai thẳng hướng bãi tử địa trong sự trầm tỉnh đến ám ảnh để bảo vệ đồng đội, để diệt thù…
Tập truyện ngắn “Gái thời chiến” và tuyển dịch “Hoa trong Tuyết” của Hoài Vũ

“Bụi vàng” của Hoài Vũ là cái quần ngang gối vá chằng vá đụp được dân trao cho người chiến sĩ, là đứa bé gái tuổi “đái dầm” cùng ba mẹ bảo vệ người “đằng mình”, là những nương tựa chở che nhau trong tình quân dân giữa cái mờ tối không rõ mặt người bởi quá gần bót giặc. “Bụi vàng” của Hoài Vũ là mái tóc thơm hương tràm của Ngọc với cánh tay cụt biết tát nước dọn hầm chống mỹ…“Bụi vàng” của Hoài Vũ là sự hoà trộn, đan xen giữa sinh hoạt đời thường với ý chí chiến đấu chống ngoại xâm; cùng sự cài cắm của các yếu tố lãng mạn cách mạng đầy sự thi vị, tinh tế, giàu xúc cảm “chị mê tiếng hát ngọt lịm như đường Hiệp Hoà mà theo về làm vợ anh” (Ngọc), “ Sơn nói thì thầm như vừa đủ cho hai người nghe, rồi vòng tay qua vai chị, cúi xuống hôn lên mái tóc mềm mướt của chị…” (Bông huệ trắng)… Và khi những “bụi vàng” cùng hội tụ, nó lấp lánh, loáng sáng bật thành hơi thở cho đời sống tác phẩm, rung động và lắng lại bền lâu trong lòng người đọc.

Cảm hứng sáng tạo nếu tự nhiên mà có thì thế gian này ai cũng sẽ là nhà văn. Không nuôi dưỡng một tâm hồn đẹp, không trộn mình cùng nỗi đau nhân loại, không khơi mạch tìm nguồn bằng sự dấn thân… thì lấy ở đâu ra chất liệu của đời mà viết? Chưa kể rằng trong ẩn tàng nơi người nghệ sĩ, phải là niềm đam mê và khao khát dâng đầy con chữ. “Nhà văn phải biết khơi lên ở con người niềm trắc ẩn, ý thức phản kháng cái ác; cái khát vọng khôi phục và bảo vệ những cái tốt đẹp. (Aimatov); Hoài Vũ ngợi ca cái đẹp, cái dũng trong sự dung dị, hài hoà mà lại vô cùng kính cẩn, sắc nét. Mọi hoàn cảnh cụ thể, riêng biệt đều được gắn liền với vận mệnh nước non (Gái thời chiến, Ngọc, Bông sứ trắng). Hoài Vũ đã nhẹ nhàng mà chinh phục đọc giả, ông cắm ngòi bút vào cõi nhân sinh này bằng trái tim mình. Và ai đó đã nói “cái gì xuất phát từ trái tim sẽ dẫn đến trái tim” đơn giản là vậy, mà cũng tuyệt diệu là vậy.

Chủ nghĩa anh hùng cách mạng được kết hợp hài hoà cùng các yếu tố lãng mạn cách mạng – khuynh hướng xuyên suốt tập truyện – đã làm nên nét đặc sắc cho “Gái thời chiến”, đã phản ánh chân thật bản chất, tính cách, tâm hồn người dân Việt Nam thời kỳ ly loạn. Cũng chính khuynh hướng này, làm nên chất thơ và sự yêu đời dù bốn bề là bom đạn. Dù không ngừng chiến đấu, trên tay là súng, là tài liệu mật, là cái chết sẽ đến bất cứ lúc nào… họ vẫn không ngừng yêu, không ngừng thương, không ngừng lao động sản xuất (Cánh én trên vườn thơm, Lên vành đai, Vườn ổi…). Mất mát, thương đau được biến thành sức mạnh. Gian khổ, hy sinh càng nung lửa căm hờn.

Đọc “Gái thời chiến” bạn không chỉ nhìn thấy những cô gái đi làm cách mạng, nhìn thấy bộ đội chiến đấu quên mình, nhìn thấy đồng bào chở che, giúp sức giải phóng quân… ở đó, bạn còn nhận ra cảnh nằm gai nếm mật của người cầm bút nơi chiến trường, “Tôi toài, tôi nhào, tôi lộn đủ kiểu, đủ cách để tránh pháo” (Ngọc). Họ lăn xả, đổ máu và hy sinh chẳng kém gì “Tôi vụt chồm dậy, rút lựu đạn cầm sẵn trong tay,… Tôi nằm yên như một xác chết, mặc cho những luồng ánh sáng bò qua bò lại trên lưng mình…” (Tiếng sáo trúc). Và họ vẫn “Tôi viết văn, làm thơ với niềm đam mê không bao giờ vơi cạn. Hạnh phúc lớn nhất đến với người cầm bút là dẫu năm tháng qua đi, người đọc vẫn nhớ đến tác phẩm của mình, như nhớ đến một hình bóng thương yêu thoáng qua đời họ”đó là lời của tác giả.

Đúng là phong vị Hoài Vũ, chẳng thể lẫn vào đâu được: say mê mà cống hiến, tài hoa mà hồn hậu, cho đi mà hạnh phúc. Và tôi tin, với những ai yêu văn chương, thơ ca thì không thể không yêu “Gái thời chiến”, “Hoa trong Tuyết” hay “Thì thầm với dòng sông”. Cũng không thể không yêu Hoài Vũ – một nghệ sĩ tài năng, một tâm hồn đẹp, một trái tim ấm áp. Và nếu bạn đã từng gặp gỡ, sẽ không khó để nhận ra ở ông một nhân cách sống: bình dị, thân tình và khiêm hạ. Phản ánh đúng bản chất và tư tưởng của người cầm bút “Một nhà nghệ sĩ chân chính phải là nhà nhân đạo trong cốt tuỷ” – Tchekhov.
Nhà thơ Hoài Vũ tặng sách cho nhà thơ Phan Hoàng. Ảnh: TNT

“Gái thời chiến” với những câu chuyện đậm chất nam bộ. Với tài kể chuyện linh hoạt trong dịch chuyển điểm nhìn. Tác giả đã tái hiện chiến trường Miền Nam những ngày chống Mỹ vô cùng chân thật, sinh động, đầy sự gian khó, ác liệt mà cũng đầy khí phách, tự hào. Như rằng “Em là ai cô gái hay nàng tiên/ em có tuổi hay không có tuổi” (Tố Hữu), như rằng “Em sẽ là hoa trên đỉnh núi/ bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm” (Vũ Cao)… Với những lát cắt không mỏng cũng chẳng dày, vừa đủ cho bạn đọc thấm mùi chiến sự, vừa đủ để yêu thương và nể phục những chiến sĩ tóc dài, những tấm thân tưởng chừng là nhỏ bé, yếu đuối nhưng lại kiên cường, dũng cảm lắm thay! Vừa đủ để ta biết kính trọng, để rồi kiêu hảnh mình là người Việt Nam.

“Gái thời chiến” đã phản chiếu và in đậm một chủ nghĩa anh hùng cách mạng đặc sắc. Tác giả miêu tả cuộc chiến, con người với góc nhìn văn hoá bởi một tâm hồn nhạy cảm, phong phú và giàu tính nhân văn. Lịch sử vì vậy mà trở nên bi tráng, kiêu hùng, chân thật và đầy xúc cảm với sự góp sức và hy sinh không nhỏ của phận hồng quần. Chiến tranh đã lùi xa, không có nghĩa ta được phép quên, rằng một thời cha anh đã sống và bảo vệ đất nước như thế nào? Cảm ơn Hoài Vũ với những trang văn quan hoài mang đậm dấu ấn thời đại, nhân sinh. Cùng vẻ đẹp hình tượng nghệ thuật đặc trưng của “Gái thời chiến”: dịu dàng mà tiết nghĩa, bình dị mà sắc sảo, đơn thuần mà khí cốt…họ chính là những bông hoa ngát hương cùng sông núi, để rồi “Thác là thể phách, còn là tinh anh” – Nguyễn Du.

Người viết văn làm thơ thì nhiều, nhưng để là thơ thật, văn thật thì cần sự tỉnh táo để gạn lọc, như người ta đem lửa thử vàng. Và tôi nghĩ, sẽ vô cùng thiếu sót và có lỗi, nếu trên bảng vàng văn học nước nhà lại thiếu vắng cái tên Hoài Vũ, thỏi vàng mười của văn học Việt Nam.

BẢO BÌNH

Xem thêm: