32 tuổi, tôi kết hôn cùng chồng qua người thân mai mối. Thời điểm đó, tôi cũng chẳng để ý nhiều. Để mẹ vui lòng, bớt lo lắng, tôi chấp nhận cuộc hôn nhân không tình yêu.
Sau 3 năm về chung một nhà, tôi mang thai con đầu lòng. Chồng tôi là người rất hiền lành, thương vợ, suốt những năm sống chung chưa từng to tiếng, nạt nộ tôi. Khi biết tin tôi có thai, anh ấy càng chiều chuộng. Vì vậy, dù kết hôn không tình yêu nhưng tôi không có gì phàn nàn về anh ấy.
Chỉ có mẹ chồng là người luôn khó chịu, xét nét tôi từng lời ăn tiếng nói. Nhà đẻ tôi hoàn cảnh khó khăn, vì gia trưởng muốn có con trai, bố bỏ đi từ lúc tôi vừa sinh ra. Một mình mẹ làm lụng vất vả nuôi 3 đứa con gái khôn lớn. Tôi là con gái út, sau khi tốt nghiệp đại học đi làm ở một công ty truyền thông lớn.
Thế nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên mẹ chồng luôn coi thường nhà tôi, cho rằng tôi là gái già gái ế, không môn đăng hộ đối với gia đình bà. Hằng ngày, bà luôn để ý từng lời ăn tiếng nói, từng hành động, cử chỉ, thậm chí cả cách ăn mặc để xét nét tôi. Những lần tôi ăn mặc chỉn chu, đi gặp khách hàng, bà đều bóng gió tôi không biết chăm sóc gia đình, đã có chồng còn ăn mặc hở hang, điệu đà gặp đàn ông khác. Lần xin phép về nhà mẹ đẻ chơi, bà cũng tỏ thái độ không vừa lòng, lườm ngang nguýt dọc, để ý từng tí xem tôi có mang gì về nhà ngoại hay không. Tôi nín thinh, cố gắng chịu đựng.
Mẹ chồng luôn coi thường, xét nét tôi từng tí một.
Lúc mang thai, bà lại càng để ý kỹ. Từ việc tôi ăn gì, uống gì bà đều soi mói. Vì nghén nên tôi sợ mùi thức ăn, thường xuyên bị nôn, bà lại cho rằng tôi nhõng nhẽo, tỏ vẻ tiểu thư, hành hạ con trai bà. Là phụ nữ, ai chẳng trải qua lúc mang thai, sinh nở chứ đâu phải mình tôi mà làm mình làm mẩy. Bà còn kể ngày xưa lúc mang thai chồng tôi, bà đi làm đồng đến tận ngày sinh mới đi vào viện.
Bà cũng dò hỏi việc tôi quyết định sinh thường hay sinh mổ rồi bảo sinh thường ở trạm xá xã cho tiết kiệm. Mỗi sinh đẻ, không cần thiết phải đi bệnh viện tỉnh. Đến đây, tôi không chịu được nữa. Tôi nói rằng việc sinh đẻ của tôi sẽ do vợ chồng quyết định. Người ta thường nói “cửa sinh là cửa tử”, phải đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé. Bà đành im lặng.
Ngày đau bụng chuyển dạ, tôi nhờ bà gọi điện cho chồng về đưa tôi nhập viện. Bà thủng thẳng làm việc nọ việc kia, đi ra đi vào, cả tiếng đồng hồ sau mới gọi điện cho chồng tôi.
Nhập viện, bác sĩ khám và nói em bé nằm ngang, khó sinh nên yêu cầu sinh mổ. Bà bĩu môi, nhất quyết không chịu vì cho rằng đẻ thường sẽ tốt cho cháu hơn. Cãi cọ qua lại, cuối cùng chồng tôi vẫn nhất quyết ký giấy đẻ mổ.
Bát cơm cữ của mẹ chồng khiến tôi bật khóc.
Khi mẹ tròn con vuông, bà chỉ bế cháu, không thèm đếm xỉa đến tôi. Chồng bảo để đi mua cháo cho vợ, bà ngăn cản, bảo tự nấu cơm mang vào cho tiết kiệm, đảm bảo vệ sinh. Thế nhưng, nhìn bát cơm cữ của mẹ chồng, tôi bật khóc nức nở. Xong hộp có một ít cơm nguội ngắt, 1 quả trứng luộc và bát canh rau ngót chay. Bà còn bóng gió tôi khó chiều, không chịu ăn uống nên không có sữa cho con. Tôi trệu trạo ăn cơm, vừa đau vì vết mổ vừa đau lòng vì thái độ của bà, đúng là “khác máu tanh lòng”.