Người phụ nữ này đã vô cùng hốt hoảng khi nhận được thông báo của ngân hàng. Bởi bản thân cô không có khoản vay nào, cũng chẳng gửi tiết kiệm.
Chăm sóc mẹ chồng 13 năm
Tôi và ông xã là bạn học cùng cấp 2. Cả hai đều sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn với gia đình đều làm nghề nông. Dù có ấn tượng tốt về nhau nhưng hai người không dám bày tỏ tình cảm. Nhiều năm sau, qua sự giới thiệu của gia đình, cuối cùng, chúng tôi cũng đến được với nhau.
Sau khi kết hôn, cuộc sống của vợ chồng tôi vô cùng hạnh phúc. Chúng tôi sinh con và vun đắp gia đình ngày một yên ấm. Niềm vui tưởng như kéo dài. Song biến cố bất ngờ ập đến. Chồng tôi qua đời trong một vụ tai nạn giao thông. Vì thương nhớ con trai, chỉ sau đó ít tháng, bố chồng cũng ra đi. Mất đi những người yêu thương nhất, mẹ chồng tôi buồn rầu mà đau ốm liên miên.
Sức khỏe ngày một sa sút, bà không còn khả năng chăm sóc bản thân. Ban đầu, tôi và 2 chị gái bên chồng thống nhất góp tiền thuê người giúp việc. Tuy nhiên, chỉ được 1 thời gian ngắn, họ đều đòi nghỉ làm do công việc quá vất vả.
Các chị đi lấy chồng ở xa. Một mình tôi ở gần mẹ nên mọi người giao cho tôi trọng trách chăm sóc bà. Để tránh mất thời gian, tôi đón mẹ chồng sang nhà để sống cùng. Để hỗ trợ, mấy tháng đầu, 2 chị cũng gửi tiền về.
Ảnh minh họa
Sau đó, mọi người không gửi đều đặn như trước. Vì là chuyện tế nhị nên tôi cũng không nói đến nhiều. Thay vào đó, tôi cố gắng xoay xở, làm thêm các công việc vặt để gia tăng thu nhập, nhằm trang trải cuộc sống và tiền thuốc men cho mẹ.
Thời gian trôi qua. Cuối năm ngoái, sau 13 năm chống chọi với bệnh tật, mẹ chồng tôi qua đời. Sau khi lo xong hậu sự cho mẹ, luật sư có hẹn gặp tôi và gia đình 2 chị gái nhằm công bố bản di chúc. Theo đó, bà chia căn nhà ở quê cho chị lớn. Còn chị gái thứ 2 thừa kế khu vườn phía sau nhà. Tôi hay các con của mình hoàn toàn không có tên trong di chúc.
Tôi có chút bất ngờ về nội dung bản di chúc này. Tuy nhiên, tôi hiểu rằng mẹ vốn không có nhiều tiền tích lũy, nên số tài sản nhỏ này sẽ chia cho các con ruột cũng là điều dễ hiểu. Từ đáy lòng mình, tôi tôn trọng quyết định của mẹ và khôi đòi hỏi bất kỳ điều gì.
Nhận tin của ngân hàng
Chúng tôi lại trở về cuộc sống thường nhật. Hai chị về lại thành phố làm việc. Tôi lại đi làm và chăm sóc các con của mình. Tuy nhiên, đến ngày thứ 5 sau tang lễ của mẹ, tôi bất ngờ nhận được thông báo của ngân hàng mời đến trụ sở để làm việc
Ở thời điểm nhận được thông tin này, tôi khá bất ngờ. Bởi bản thân hoàn toàn không có khoản tiền tiết kiệm nào gửi ngân hàng. Gia đình cũng không vay mượn gì. Song đến đúng ngày, tôi vẫn đến điểm hẹn. Ngay khi vừa ngồi xuống, giao dịch viên thông báo tôi có 1 khoản tiền tiết kiệm trị giá 800.000 NDT đã hết kỳ hạn 15 năm. Nữ nhân viên hỏi tôi có muốn ký gửi tiếp hay không.
Ngay khi chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra, người này giải thích chính mẹ chồng tôi đã gửi tiết kiệm số tiền này và đăng ký người thụ hưởng là tên tôi. Sau 15 năm gửi, bao gồm cả lãi, số tiền 800.000 NDT nay đã thành 1,5 triệu NDT (khoảng 5 tỷ đồng).
Cho đến lúc này, tôi mới nhận ra, đây là 1/2 số tiền đền bù mà bố mẹ chồng tôi đã nhận được cách đây nhiều năm. Ở thời điểm đó, ông bà đã bỏ ra 1 phần để mua căn nhà mới. Một phần còn lại bố mẹ chồng nói rằng gửi ngân hàng để dưỡng già. Song thực tế, số tiền đó lại được mẹ để dành cho vợ chồng tôi.
Sau cùng, tôi nhận ra mẹ chẳng để người con nào phải chịu thiệt thòi. Ở thời điểm chăm sóc mẹ, tôi làm không phải với hy vọng sẽ được thừa kế tài sản gì. Chỉ đơn giản, tôi biết rằng mình cần phải làm tròn chữ hiếu. Song không ngờ, món quà mẹ dành cho tôi lại lớn đến như vậy.
May mắn nhờ có khoản tiền này, ở năm học mới vừa rồi, tôi không phải đi vay mượn khắp nơi để lo học phí cho các con. Năm tới, con trai lớn vào đại học cũng sẽ yên tâm có đủ tiền lên thành phố học tập. Tôi cũng trích một phần số tiền mẹ cho để sửa lại căn nhà đang ở đã xuống cấp nhiều năm. Cuộc sống giờ đây của 3 mẹ con tôi tự tin hơn trước rất nhiều bởi có 1 khoản tiền dự phòng do mẹ để lại.