Bà chăm tôi được hơn tuần thì phải về vì bố chồng tôi ốm, mẹ đẻ tôi bận mùa màng dưới quê cũng phải về luôn. Trước khi về, mẹ chồng tôi dặn con trai đủ điều phải chăm vợ ở cữ cho tốt. vậy mà ngay khi bà về thì mọi việc lớn nhỏ trong nhà tôi phải làm hết.
Sau cưới, tôi ở cùng mẹ chồng 1 thời gian mới chuyển ra ở riêng. Vì mẹ chồng tôi là người hiểu chuyện, thương con dâu nên sống với bà tôi rất thoải mái và được đỡ đần nhiều. Chồng tôi gia trưởng lại ham nhậu nhẹt, bà biết tính con trai nên khi 2 đứa mua nhà ở riêng, bà dặn tôi:
“Cái thằng vô tâm đó may sao mà có vợ. Con đừng lúc nào cũng nhẫn nhịn nó, việc nhà cửa cứ chia đôi, không việc gì gánh hết. Nếu nó không làm cứ gọi cho mẹ”.
Bà cũng hay gọi điện nhắc nhở chồng tôi phải biết sống có trách nhiệm với gia đình nhưng anh chỉ vâng dạ để đấy chứ chẳng bao giờ thay đổi. Đi làm thì thôi, về nhà là vắt chân chơi game hoặc bạn bè gọi là lên đường ra quán, vợ có gọi tới nóng máy vẫn không về.
Mẹ chồng tôi thương con dâu, ngược lại chồng tôi thì vô tâm, sống vô trách nhiệm lắm. (Ảnh minh họa)
Nói nhiều con trai không thay đổi, mẹ chồng tôi bày kế cho con dâu:
“Giờ con cứ có bầu sinh con đi, làm bố rồi nó ắt phải sống có trách nhiệm”.
Ban đầu tôi định kế hoạch hết 3 năm mới sinh nhưng mẹ chồng nói vậy, tôi quyết định thả, chỉ hơn tháng là dính bầu. Có điều, vợ mang thai anh cũng chẳng quan tâm, 3 tháng đầu tôi nghén nôn mật xanh mật vàng, ngửi mùi đồ ăn là sợ vẫn phải vào bếp nấu đủ ngày 3 bữa phục vụ chồng. Bát đũa ăn xong anh cũng để mặc vợ dọn. Có hôm nôn nhiều, đói quá tôi nhờ anh mua cho bát cháo mà anh gắt gỏng:
“Muốn ăn gì tự ra mà mua. Người ta cũng chửa đẻ đầy ra đó, có ai hành chồng như cô”.
Nhiều lần lên thăm con dâu, thấy con trai sống thiếu trách nhiệm mẹ chồng tôi lại gọi riêng nhắc nhở:
“Vợ chửa đẻ vất vả, con là chồng phải biết chăm lo cho nó. Đừng có suốt ngày chỉ mải tụ tập bạn bè”.
Bên cạnh đó bà cũng luôn nghĩ cách bù đắp cho con dâu bằng cách gửi đồ tầm bổ, thi thoảng lại chuyển khoản cho tôi vài triệu. Tôi mà không nhận bà liền mắng:
“Ô hay, tiền đó là tiền mẹ cho cháu mẹ chứ cho con đâu. Con cứ giữ lấy, sau này cháu mẹ chào đời con mua tã bỉm cho nó”.
Hôm tôi vỡ ối nhập viện, cũng chỉ có mẹ chồng với mẹ đẻ ở bên chứ chồng thì nhậu tới 2h sáng mới về. Tôi sinh khó, bác sĩ chỉ định chuyển sang mổ lấy thai, không gọi được cho anh, mẹ chồng tôi đành ký giấy yêu cầu mổ thay con trai. Hôm đó về, bà mắng anh 1 trận, thậm chí tuyên bố nếu không thay đổi, bà không thèm nhìn mặt.
Bà chăm tôi được hơn tuần thì phải về vì bố chồng tôi ốm, mẹ đẻ tôi bận mùa màng dưới quê cũng phải về luôn. Trước khi về, mẹ chồng tôi dặn con trai đủ điều phải chăm vợ ở cữ cho tốt. vậy mà ngay khi bà về thì mọi việc lớn nhỏ trong nhà tôi phải làm hết. Ngày lừa con ngủ để dậy dọn dẹp, nấu cơm. Đêm tôi cũng phải lạch cạch cả đêm vừa bế con, vừa pha sữa, chồng ôm gối ngủ ở phòng riêng. Cũng vì không kiêng khem được, đi lại làm nặng sớm mà được 20 ngày, vết mổ đẻ của tôi bị bục ra, nhiễm trùng phải vào viện điều trị. Mẹ chồng tôi biết tin vội vàng sang với con dâu.
Mổ xong 20 ngày, do không được kiêng khem, phải đi lại làm việc nhà nhiều tôi bị bục vết mổ sau sinh. (Ảnh minh họa)
Đúng lúc bác sĩ kiểm tra vết mổ, ái ngại hỏi tôi:
“Chồng đâu mà cô phải làm tới bục vết mổ đẻ thế này? Sau sẽ ảnh hưởng sức khỏe lắm đó. Phụ nữ sinh xong phải được nghỉ ngơi nhiều, không tham việc được”.
Vừa hay chồng tôi đi tới cửa, mẹ anh nhìn thấy liền trả lời:
“Chồng con bé chết rồi nên nó mới vất vả thế này đấy bác sĩ ạ”.
Nghe câu nói của mẹ, chồng tôi đứng sững người, mặt đỏ gay nhưng không dám nói câu nào. Sau hôm ấy, bà đón luôn mẹ con tôi về nội để bà chăm, tuyên bố cấm cửa không cho con trai về. Bà bảo:
“Nếu anh không thay đổi thái độ sống, tôi sẽ không cho anh gặp con dâu cháu nội tôi. Có chồng như anh, con dâu tôi thà ở vậy còn hơn”.
Biết tính mẹ nói là làm nên chồng tôi không dám cãi. Từ hôm ấy chịu khó làm việc nhà, tự nấu nướng thi thoảng còn hầm chân giò, nấu cháo gà hạt sen mang sang cho vợ con nhưng bà vẫn chưa cho vào bế con.
Lắm hôm thấy anh năn nỉ mẹ để được gặp vợ con, tôi nhìn vừa thấy tội vừa buồn cười nhưng lần này tôi sẽ nghe theo mẹ chồng, phải “rắn” cho tới khi anh thay đổi thì thôi.
Những lưu ý khi chăm sóc vết mổ đẻ
Để bảo vệ sức khỏe bản thân, mẹ nên cực kỳ thận trọng những điều sau đây để tránh gây ra tác động dẫn đến việc bục vết mổ:
– Không vận động mạnh, nhấc vật nặng trong ít nhất 3 tháng đầu sau sinh
– Vệ sinh tay thật sạch trước khi chạm vào vết mổ, tránh chà xát, ấn vào vết mổ khi không cần thiết
– Nên sử dụng quần áo thoải mái, vừa vặn, không dùng áo quần bó sát gây động chạm, làm đau vết mổ
– Thường xuyên đi bộ giúp ngăn ngừa nguy cơ xơ hóa tử cung, song tránh việc đi cầu thang
– Chế độ ăn uống hợp lý, cung cấp đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là các món như: Thịt, trứng, sữa, đậu nành, các loại hạt cùng vitamin C
– Sử dụng sản phẩm dưỡng da chứa vitamin E cho vết mổ sau khi vết mổ đã khô và liền miệng
– Kiêng quan hệ vợ chồng tối thiểu 3 tháng sau phẫu thuật
– Không tự điều khiển phương tiện giao thông tối thiểu 45 ngày sau sinh.