Tôi chi tiêu tiết kiệm hay keo kiệt – Câu chuyện ý nghĩa

Tâm sự của Phương Hà__

Tôi 31 tuổi, làm văn phòng, thu nhập sau khi trừ bảo hiểm còn 13 triệu đồng, đã lập gia đình và có bé trai gần năm tuổi.

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, anh trai hơn tôi hai tuổi. Tôi nhớ lúc mình 4-5 tuổi, cha mẹ đi làm thuê ở xa, chỉ có hai anh em ở nhà tự chăm nhau rồi đi học. Cả tháng trời hai đứa nhỏ chỉ nấu cơm rồi ăn với đậu đũa hấp (bỏ vào nồi cơm cho tự chín) cùng với muối ớt, đợi cha mẹ về.

Có năm 30 Tết, nhà không có đồng nào, mẹ bảo tôi đến nhà bà con mượn 50 nghìn đồng để mua ít bánh mứt và tí thịt, nhỡ có khách đến còn có cái để khách uống trà.

Lớn lên một chút, khi thi đậu đại học, cha mẹ muốn tôi nghỉ để đi làm nhưng sau đó đã suy nghĩ lại và cố gắng cho tôi đi học. Hàng năm, ngân hàng cho sinh viên vay 10 triệu đồng. Sau khi đi làm, tôi đã trả hết, không để cha mẹ trả. Tôi nói để mọi người có thể tưởng tượng được quá trình mình lớn lên như thế nào và cũng có thể nó ảnh hưởng lớn đến cách chi tiêu của tôi.

Chồng hơn tôi một tuổi, làm bấp bênh, trung bình mỗi tháng chỉ chín đến 10 triệu đồng và không có thưởng Tết, mình tôi có lương tháng 13. Hiện tôi không tốn tiền thuê nhà vì có người thân cho ở nhờ để trông nhà giúp, chỉ trả mỗi tháng một triệu đồng tiền điện, nước…

Tiền học cho cậu con trai là hai triệu đồng bao gồm 200 nghìn đồng tôi bồi dưỡng thêm cho cô giáo hàng tháng, trường con tôi học cũng nhỏ nên học phí khá mềm.

Ngoài ra, chồng mua bảo hiểm nhân thọ, mỗi quý đóng ba triệu đồng. Tôi và con trai cũng có bảo hiểm nhân thọ, mỗi quý đóng năm triệu đồng rồi. Tổng bình quân chi phí cố định hàng tháng là khoảng sáu triệu đồng, trong khi tổng thu nhập của chúng tôi chỉ tầm 22 triệu đồng.

Tôi luôn tâm niệm, hàng tháng phải có một phần để dành dù ít hay nhiều, vì cha mẹ hai bên đều khó khăn. Tôi đã không phụ giúp được gì nên cũng không muốn cha mẹ phải lo lắng thêm cho mình. Bên nhà chồng có cho chồng tôi ít đất, đã sang tên nhưng hiện tại cha mẹ vẫn chăm sóc và thu hoạch.

Chúng tôi cũng không để ý đến khoản này vì đó vẫn là đất của ông bà, tôi không có ý dòm ngó. Trong lòng tôi chỉ muốn tự vợ chồng làm rồi tiết kiệm và mua sắm tài sản bằng chính công sức mình làm ra. Thế nên mỗi tháng tôi vẫn cố tiết kiệm tám đến chín triệu đồng, có khi được 11 đến 12 triệu đồng.

Kết hợp việc mở sổ tiết kiệm để tích lũy thêm bằng lãi ngân hàng thì sau tám năm lấy nhau chúng tôi đã có phần tiết kiệm hơn 900 triệu đồng và vẫn cố gắng dành dụm để mua trả góp căn nhà nhỏ trong tương lai.

Điều tôi suy nghĩ gần đây là mình tiết kiệm hay keo kiệt? Vì khi đọc một số bài viết trên này và những chia sẻ, góp ý, nhìn lại bản thân tôi thấy mình tính toán chi li quá.

Mỗi ngày tôi thức sớm để nấu cơm cho mình và chồng ăn sáng ở nhà. Ở công ty tôi vẫn đặt nước khi mọi người rủ nhau ăn uống, thi thoảng có dịp vẫn mời nước cả phòng. Chiều về tôi mua đồ ăn tầm 70-80 nghìn đồng mỗi ngày để nấu bữa tối, thực ăn còn sẽ để hôm sau ăn sáng và chiên thêm trứng nếu cần, nên tính ra tiền ăn của gia đình không quá nhiều.

Riêng cậu con trai sẽ luôn có ba hộp sữa mang theo khi đi học. Khi con tan học, tôi sẽ mua bánh hoặc ít đồ ăn gì đó để bé đỡ đói trong lúc chờ tôi làm cơm tối. Cuối tuần con luôn được đưa đi chơi: siêu thị, công viên nước, khi thì ra Vũng Tàu (tôi sẽ canh lúc giảm giá để tìm phòng giá tốt nhất).

Có điều tôi luôn kiểm soát để chúng tôi đi chơi vẫn ăn uống (không xa xỉ), con vẫn có đồ chơi (không đắt tiền) mà chi phí luôn ở mức chấp nhận được.

Còn chồng tôi, trước đây khi anh đi làm, tôi thấy anh hay cho bạn bè, đồng nghiệp mượn tiền, chỉ 100 đến 200 nghìn đồng mỗi lần nhưng họ không trả. Anh tính cả nể, họ mượn mà không cho thì ngại.

Giờ tôi chỉ đưa anh tầm 300-400 nghìn đồng lúc đi làm, khi nào hết anh mới nói để lấy thêm. Quần áo của con, tôi cũng mua thường xuyên, chỉ là không dùng đồ hiệu, đắt tiền, còn vợ chồng tôi thi thoảng mới sắm một, hai cái rẻ tiền.

Tết chúng tôi gửi mẹ tôi ba triệu đồng để mua đồ ăn vì nhà tôi có về ngoại chơi một, hai ngày. Chúng tôi cũng gửi cho mẹ chồng ba triệu đồng nhưng tôi sẽ mua sắm đồ tết hết, mẹ chỉ mua thêm một ít.

Ngoài ra chúng tôi cũng bỏ bao lì xì cha mẹ đôi bên mỗi người 500 nghìn đồng lấy lộc, ông bà nội ngoại của tôi cũng như vậy. Theo như các bạn thấy, tôi chi tiêu như thế có phải keo kiệt không? Xin cảm ơn các bạn góp ý.

Sưu tầm