Người đàn bà của bố
Bố ngồi trước mặt tôi: “Bố sẽ lấy vợ. Ý con thế nào?”. Trời! Bố tôi lấy vợ cơ đấy. Ðiều mà bao lâu nay tôi chẳng bao giờ nghĩ đến. Bố tôi, người đàn ông đã bước sang tuổi ngoài 60, cái tuổi chẳng còn trẻ nữa. Vậy mà giờ ông lại muốn lấy vợ. Tôi biết bố hỏi tôi là để thông báo còn bố đã quyết định. Thì cũng đúng, đó là việc của bố. Chúng tôi là con, không được phép cản. Mà ông cũng không làm gì sai.
Mẹ tôi mất từ ngày sinh em Lam, bố một mình làm đủ thứ nghề, từ sửa xe, đạp xích-lô, chạy hàng ngoài chợ nuôi chị em tôi ăn học. Cuộc sống trước kia thiếu thốn, còn giờ, cả hai chị em tôi đã có công việc, thu nhập ổn định. Cuộc sống của ba bố con không sung túc nhưng cũng chẳng thiếu thứ gì. Với tôi, bố luôn là người đàn ông mà tôi kính trọng và yêu thương nhất. Vậy mà… Bố làm tôi hụt hẫng lẫn thất vọng. Tôi có cảm giác như bố không còn yêu thương chị em tôi nữa.
Người đàn bà ấy sẽ bước vào ngôi nhà của bố con tôi, sử dụng những đồ dùng trong nhà của chúng tôi, ăn cơm cùng. Và quan trọng hơn, bà ấy sẽ giành mọi sự quan tâm, yêu thương của bố cho chúng tôi trước kia. Cuộc sống của ba bố con tôi sẽ bị đảo lộn. Vì một người đàn bà xa lạ.
Tôi không hỏi người bố đưa về nhà làm mẹ của chúng tôi là người như thế nào. Dù là ai thì tôi cũng không muốn. Nếu bố còn trẻ, tôi sẽ nghĩ khác, nhưng bố đã già rồi. Bố còn cần gì ngoài hai đứa con gái ngoan ngoãn, giỏi giang nữa. Chị em tôi vẫn có thể sắp xếp thời gian làm công việc nhà. Còn nếu bố cần một người trò chuyện thì bố cứ tìm những người bạn già trong xóm chơi cờ, bình thơ… Việc gì phải lấy vợ. Tôi lấy hết sự bình tĩnh: “Con nghĩ ba bố con mình sống như thế này là được rồi, con không muốn mọi thứ trong nhà bị đảo lộn”. Tôi nói và cầm túi xách bước ra khỏi nhà, chưa kịp nhìn xem phản ứng của bố. Nhưng tự thâm tâm mình tôi mong bố thay đổi quyết định.
Lam không muốn nhưng nó cũng không phản đối thẳng thừng như tôi. Vậy là chỉ có tôi ngăn cản cuộc hôn nhân của bố.
Bố vẫn lấy vợ. Bố không bày vẽ cỗ bàn, cũng không mời ai đến chúc tụng. Hôm ấy bố chỉ làm một cái lễ có mâm cơm, một bó hoa hồng đặt lên bàn thờ mẹ. Tôi lấy lý do bận đi công việc gấp, tránh mặt. Lam gọi điện thoại trách móc: “Sao chị ích kỷ thế? Chị có biết bố buồn lắm không?” Tôi im lặng. Thế chẳng lẽ bố cũng không biết tôi buồn sao? Bố cũng không để ý đến suy nghĩ của tôi, tâm trạng của tôi.
★
Người đàn bà bố đưa về nhà khác hẳn với suy nghĩ của tôi. Không phải là một người trẻ trung chỉ đáng tuổi chị, tuổi cô tôi, cũng không phải một người thích ăn diện, váy vóc lòe xòe, không biết lo việc bếp núc. Người đàn bà của bố tôi ngoài năm mươi tuổi, ít nói, mặc chiếc áo sơ-mi mầu hoa cà, hay đội nón và thích vào bếp. Lam thắc thỏm với tôi: “Ðấy, bố đã chọn người là chỉ có nhất, vừa ý chị chưa?”. Tôi gạt đi: “Ở lâu mới biết”.
Bố nhắc chúng tôi gọi là Mẹ cho tình cảm, cho có không khí gia đình. Nhưng sao thế được, chị em tôi chỉ có một mẹ. Mẹ tôi luôn tồn tại trong ngôi nhà này, không ai thay thế được vị trí của bà. Tôi tỏ rõ quan điểm với bố và thống nhất chúng tôi sẽ gọi là dì cho phải lẽ. Bố không hài lòng nhưng cũng không phản đối. Người đàn bà của bố cũng xưng dì – cháu với chúng tôi.
★
Từ ngày có dì, mọi việc trong nhà tôi bỏ bẵng, không động chân, động tay. Ngoài việc tự giặt quần áo của mình thì mọi việc trong nhà dì Hoa lo. Sáng dì nấu ăn sáng, chúng tôi chỉ việc ăn rồi đi làm. Tối về có cơm dọn sẵn, chỉ việc ăn xong, tắm rửa và lên phòng ngủ. Phần vì không đồng ý dì ngay từ đầu nên tôi tỏ rõ thái độ không hợp tác. Tôi ít nói chuyện, tránh gặp mặt riêng với dì và “niêm phong” luôn căn buồng ngủ của mình.
Cuộc sống thiếu mẹ từ nhỏ đã dạy tôi tự vượt qua khó khăn, thiếu thốn. Tôi sớm trưởng thành hơn so với những đứa bạn cùng tuổi, cũng chính vì thế mà tôi dè chừng với tất cả những người lạ. Tôi không tin ai, ngoài gia đình mình.
Dì Hoa có vẻ hiểu thái độ của tôi nên rất ít khi thấy dì nói chuyện hay thể hiện tình cảm với bố trước mặt tôi. Bố biết tôi khó chịu nhưng ông cũng không trách móc gì. Cuộc sống của ba bố con tôi từ ngày có dì Hoa về thay đổi hẳn. Ba bố con tôi ít ngồi lại nói chuyện với nhau sau bữa ăn, cũng ít khi trong nhà có tiếng cười đùa vui vẻ của hai chị em. Ăn cơm tối xong, dì Hoa hãm một ấm trà hoa cúc. Bố vừa ngồi xem phim vừa uống trà. Thỉnh thoảng tôi ngồi lại nghe hai người nói chuyện. Tôi không hiểu những câu chuyện từ ngày xửa ngày xưa có gì hay mà khiến bố tôi cười và kể, nghe mãi…
Dì Hoa dần mang bố ra khỏi cuộc sống của chị em tôi. Tôi cảm giác mỗi ngày bố lại trở nên xa cách tôi hơn.
Hôm bố bị đau đầu. Quen như thường ngày, tôi lấy dầu cao vào phòng bóp đầu cho bố thì đã thấy dì Hoa đang cạo gió cho bố. Tôi bỏ lọ dầu cao vào tủ, ấm ức. Chạy xuống bếp định nấu cho bố bát cháo mang vào thì đã thấy bố đang ngồi ăn cháo. Tôi xách túi ra khỏi nhà. Vốn đã không ưa dì, càng ngày tình cảm giữa tôi và bố càng trở nên xa cách khiến tôi càng ghét dì hơn.
Tôi kiếm đủ cớ để trách móc, tỏ thái độ không hài lòng khi dì nấu cơm, giặt quần áo hay đi chợ quên mua thứ gì đó tôi đã dặn trước. Buổi sáng, bước chân xuống nhà, thấy dì xách làn đi chợ về tôi hỏi dì có mua giúp tôi bó hoa cúc không. Hình như chợt nhớ, dì vội vàng:
– Dì quên mất, mải mua đồ ăn nên dì quên, để dì chạy ra chợ mua sau nhé?
Tôi hậm hực:
– Lần sau nếu không muốn mua dì cứ nói thẳng để cháu tự đi.
Từ trong nhà, bố tôi bước ra, vẻ mặt nghiêm nghị:
– Dì đã nói là quên và mua sau cho con, sao con lại nói thế.
Quay sang dì Hoa, bố tôi nhẹ nhàng:
– Việc của chúng nó mình cứ để tự chúng làm.
Dì Hoa đủng đỉnh vào bếp. Còn tôi đành ấm ức đi làm.
Hình mình hoạ
Thời gian trôi qua. Tôi lấy chồng, về làm dâu cách nhà một đoạn đường. Vì điều kiện gia đình bên chồng chỉ có mình chồng tôi là con trai nên sau khi kết hôn tôi ở chung với mẹ chồng. Cuộc sống mẹ chồng nàng dâu chẳng mấy khi “cơm lành canh ngọt”. Nhiều lúc tôi mệt phờ với công việc ở cơ quan về nhà lại phải lo cơm nước, những việc trong gia đình. Rồi đến khi sinh con, thời gian lại hạn hẹp, không có thì giờ để nghỉ ngơi. Tôi ít về thăm bố.
Chồng thường xuyên đi công tác xa nhà, mẹ chồng lại chẳng mấy khi gần gũi. Những lúc con ốm, nằm ôm con mà nước mắt tôi rơi lã chã. Nhiều lúc phải thức trắng đêm chăm con khiến tôi gầy xọp hẳn đi.
Giỗ mẹ, Lam điện thoại bảo: “Chị thu xếp về nhà đi. Bố mong chị lắm đấy”. Tôi ôm con về nhà. Ðến cổng nhà, nhìn sân vườn sạch sẽ, những cây hoa hồng trước cửa nở đỏ rực. Giàn thiên lý trổ hoa thơm ngát. Ðám đất nhỏ cạnh giếng nước trồng mỗi loại rau một ít, xanh mướt. Mọi thứ trong nhà ngăn nắp, gọn gàng. Mâm cơm cúng mẹ tôi dọn ra đủ đầy, tươm tất, như những ngày chúng tôi ở nhà. Tôi ôm con lên gác, vào căn phòng mình ngày xưa. Mọi thứ vẫn còn nguyên như ngày tôi ở nhà. Trên chiếc bàn nhỏ là một bó hoa cúc trắng tôi yêu thích. Ðặt con xuống giường, tôi ngả người ra tấm nệm thơm, một cảm giác bình yên và ấm cúng.
Nghe thấy tiếng cu Bon khóc, dì Hoa chạy lên phòng, ôm nựng. Một lúc là nó nín ngay. Ở nhà, tôi phải đánh vật mãi nó mới chịu ăn. Vậy mà cháo dì Hoa nấu thằng bé ăn liền một mạch hết lưng bát con. Tôi mừng quá, hỏi dì cách nấu. Dì đi chợ mua đủ thứ về bóc, xay nhuyễn rồi cẩn thận đóng vào hộp bảo để tôi mang về, dặn mỗi lần nấu chỉ cần lấy ra vài thìa, nêm nhàn nhạt hơn mình ăn một chút là thằng bé ăn ngay. Thấy cu Bon ho, dì hái mấy bông hoa đu đủ đực sau nhà hấp mật ong, đút từng thìa cho uống. Dì bảo chịu khó làm thế vài lần là khỏi.
Ngồi ăn bữa cơm cả gia đình tôi mới cảm nhận được hương vị ấm áp của bữa cơm đầm ấm mà bao lâu nay tôi không trân trọng. Những món ăn ngày trước dì Hoa nấu về nhà chồng tôi chẳng còn được ăn. Quay sang nhìn bố, tôi thấy bố tôi vui vẻ và khỏe mạnh hẳn ra. Khi ra về dì Hoa cẩn thận gói đủ thứ cho hai chị em tôi mang về.
Bố ôm tôi: “Nhà mình cửa lúc nào cũng mở. Khi nào mệt mỏi thì về nhà, con nhé!”. Tôi quay mặt, giấu những giọt nước mắt chực chờ lăn trên má.
✍️Dương Giao Linh