Năm tôi 14 tuổi thì chị Tuyền mười tám, đôi mươi gì đó. Chị Tuyền đẹp và hiền, chị con bác Vạn ngay đầu xóm. Bác Vạn trai nổi tiếng nóng tính và hung ác. Nhà bác Vạn chỉ bác Vạn gái và chị Tuyền nữa là ba mà lúc nào hai người đàn bà cũng nem nép khiếp sợ, vì mỗi lần bác Vạn say là đánh đuổi chửi mắng vợ con bạt phong mô tê.
Tôi nhớ như in lần ấy, cũng dịp cuối tháng mười, đầu tháng mười một ta. Gió bấc đầu đông se se lạnh, bữa ấy tôi đang chăn trâu ngoài bãi vỏm thì thằng Bắc xi cà vâu hớt hải chạy tới gào lên: Chúng mày ơi, lão Vạn đánh chị Tuyền sắp chết rồi, lão ấy quấn đầu chị Tuyền vùi xuống bến sông. Đòi buộc đá trôi sông chị Tuyền vì chị ấy có mang…
Cả bọn không ai bảo ai ào ra bến sông. Dân làng lác đác có vài người quanh đấy đang lấp ló ngó nghiêng chứ không ai dám vào can, vì cả cái làng này ai cũng biết dây dưa vào lão Vạn như dây với hủi. Lão sẽ trả thù, lão sẽ chửi bới mãi không thôi.
Thương chị Tuyền quá, tôi chưa biết đầu cua tai nheo ra sao, chỉ thấy mặt chị Tuyền vằn ngang những lằn đỏ ửng dí máu, môi chị sưng vều lên, máu rỉ ra mép, chắc lão Vạn lấy roi đánh vào mặt vào người chị. Tóc chị Tuyền xổ dài, bê bết bùn đất bến sông. Bà Vạn gái khóc không thành tiếng, quì lạy vái sống ông chồng tha cho con gái.
Tình thế cấp bách quá, chúng tôi thương chị Tuyền vô cùng, chị hơn tuổi nhưng thi thoảng ra bãi lùa trâu với chúng tôi. Chị hiền và tốt bụng…
Chẳng thể nghĩ ngợi lâu mau nữa, bởi thân hình mảnh mai yếu ớt của chị Tuyền không thể chịu đựng mãi những cú đấm, những cái đạp sau mỗi tiếng gầm của lão Vạn: Thằng nàoooo? Thằng nào! Mày làm nhơ nhớp nhà tao. … đồ đĩ thoã.
Thằng Đạt, Tấn Trâm, Dũng Tiêu, mấy thằng nữa nhảy xổ vào ôm chặt lão Vạn đè lão xuống bến sông. Tôi và Chất Tháo cởi trói cho chị Tuyền, dẫn chị Tuyền ngược lên đê, chạy vòng theo lối tắt sang làng bên nhà bá nó…
Sau buổi chị Tuyền bị đánh chết đi sống lại đó, tôi cũng lại phải đưa chị Tuyền về nhà để xin lỗi lão Vạn, cùng về với chị Tuyền có cả bà nội của tôi. Có cả hội trưởng hội phụ nữ xã nhà. Đầu đuôi là chị Tuyền kể chị vẫn chưa yêu ai, chỉ là bữa ấy chị đi cấy sớm bên Mả Vũ. Trời cuối tháng sáu nắng nồng, cả đêm trước chị trằn trọc khó ngủ, thấy gà gáy cứ tưởng sáng thế là trở dậy quảy mạ mà đi. Chị thường đi cấy một mình vì bà Vạn gái đau yếu suốt. Đến đầu Tân Tiến, bây giờ là Giày da, bỗng đòn gánh chị chúc xuống phía trước, quang mạ phía sau như có ai nhấc ngược lên trời. Theo đà của sảo mạ nặng chị chúi đầu về phía trước. Thế rồi chị bị đè ngã xuống bờ đường, cái nón vẫn ụp xuống mặt. Chị giãy dụa, giằng được cái nón ra thì chị đã bị hai bàn tay như hai gọng kìm của một người đàn ông đè chị xuống, quần áo bị giằng giật và hắn đè lên người chị. Chị cố giãy, nhưng càng giãy càng bị hắn xiết chặt rồi hai đùi hắn và toàn bộ mọi thứ rắn đanh trên thân thể hắn như có mắt nó luồn lách vào chị. Nhào giật, ghì thúc, giằng xé cho tới lúc hắn như bị nổ tung. Hắn rên xiết mê tơi trên thân thể ngọc ngà thanh tân của chị. Tới lúc thoả mãn cơn khát cuồng chị mới được hắn buông ra.
Xong việc hắn lẹ làng chạy mất không để lại dấu tích gì. Chị Tuyền vừa khóc vừa kể, chắc hôm đó tầm ngày hăm mốt, hăm hai, cả chiều hôm trước và đêm mưa gió, không trăng sao. Thế mà lúc chị một mình nằm khóc giữa đồng hoang vắng thì trời lại tạnh, trăng ra khỏi đám mây, tầm ấy vẫn lơ lửng giữa trời vằng vặc sáng.
Chẳng biết bà nội tôi với cô hội trưởng phụ nữ xã nói gì với lão Vạn mà chị Tuyền không bị lão đòi gọt gáy bôi vôi, buộc đá trôi sông nữa. Bởi lão Vạn cũng sợ pháp luật, sợ những lời đàm tiếu. Rồi thì là chắc lão cũng nghĩ chuyện gọt gáy bôi vôi những cô gái chửa hoang là chuyện của ngày xửa ngày xưa. Hoặc thì là lão Vạn vẫn xót thương chị Tuyền bởi chị chả có lỗi gì và chị lại là đứa con duy nhất của lão.
Chị được ở nhà và vẫn ra bãi gánh phân với thả trâu, bụng chị lùm lùm to sau lần áo cánh.
Tôi thương chị Tuyền bằng tình thương đồng loại và bạn hữu. Bạn bè cánh chăn trâu xúm lại hè nhau làm giúp chị những việc nặng cho chị bớt nhọc nhằn.
Thế rồi bữa ấy hình như là sắp Tết, tôi thấy u tôi kể, chị Tuyền được bà mai làng bên đánh tiếng cưới chị cho con trai của lão buôn đồ cổ ở làng bên. Nhà đó độc đinh, giàu ú ụ nhưng thằng con rách dời rơi xuống. Chả biết ăn cắp ăn cướp ở đâu mà khi hắn mới tý tuổi đã bị đánh mù một con mắt trái.
Tôi cứ nghĩ, thôi dù sao chị Tuyền cũng có một tấm chồng.
Mừng cho chị, cứ nghĩ đời có người rộng lòng đại lượng đoái thương.
Tuổi trẻ mọi thứ đều chóng vánh trôi vào những điều vui vẻ nên rất mau quên. Tôi và bọn bạn chăn trâu đã quên trận đòn của chị Tuyền. Quên cả sáng nay nhà chị Vạn tưng bừng tiệc hoa ngày cưới chị. Vì buổi chiều bọn tôi còn mải đuổi theo đàn chim ngói thiên di.
Đêm ấy cuối canh ba, tôi đang say ngủ thì nghe có tiếng khèn lá. Đúng rồi, tiếng khèn lá của chị Tuyền! Ơ sao mà giờ này chị Tuyền lẽ ra đang ngủ say bên nhà chú rể. Tại sao lại nghe tiếng khèn lá chị thổi ngay phía bãi hoang đầu nhà!
Tôi lẻn cửa sau, lách bờ rậu chui ra để tránh con chó mực. Tầm canh ba, canh tư bọn chó thính lắm cơ. Khèn lá làng này chỉ có tôi, chị Tuyền và vài đứa biết thổi. Chúng tôi cũng chỉ thổi khèn lá khi có việc rất cần phải gặp nhau…
Chị Tuyền ôm chặt lấy tôi, chị dấm dứt khóc: L ơi, chị phải trốn thôi. Thằng chó ấy (chồng chị) chính nó đã hiếp chị bên đồng Ma Vũ. Chính nó, đêm qua khi nó đè lên người chị, tay chị lại quờ đúng mạn sườn bên trái của nó, một vết sẹo rất dài và nhỏ. Chị không thể nhầm được. Trước đó chị đã không thể nhớ ra, nhưng hôm qua thì chị nhớ.
Tôi không còn nhớ rõ lúc đó tôi và chị Tuyền đã nói với nhau những gì. Chỉ biết là ngay sau đó tôi lộn về nhà, vào buồng lấy hết số tiền tôi rửa bát thuê cho bà Thu bán phở đầu làng, lấy chiếc áo len bà nội mới đan cho, cộng thêm một đôi dép mới mua. Cả “cơ nghiệp” của đứa trẻ mười ba tôi đưa cho chị tất.
Tôi biết nếu để chị Tuyền đi đường chính thì chị sẽ bị bắt trở lại ngay. Tôi và chị Tuyền đi về phía bờ sông đầu bãi Vỏm, nơi chú Hạnh thương binh hay cắm sào ngủ trên thuyền để chờ gỡ lưới.
Sáng sớm hôm sau cả làng nháo nhào! Thằng chồng chị Tuyền với vài ba thằng bạn mất dạy lần lục chị khắp làng. Nó chỉ nói với người ta rằng chị Tuyền lăng loàn bỏ trốn sau khi lừa nó ngủ lấy hết tiền, hết vàng của nó để theo giai.
Tất nhiên bọn trẻ trâu chúng tôi đứa nào cũng bị tra hỏi. Tất nhiên là cả bọn đều trả lời y chang nhau là đâu có biết đâu. Riêng tôi thì tôi biết, chị Tuyền sau khi phát hiện ra thằng đốn mạt đã hãm hiếp chị, đã làm chị khổ nhục tý nữa thì mất mạng, làm mất hết tương lai của chị, làm chị bị lỡ người chị hằng thầm thương trộm nhớ và người ta cũng hằng thương thầm nhớ trộm chị ở làng bên.
Sau khi thằng chó chết say ngủ, chị Tuyền trở dậy, chị chỉ viết đúng một câu: Thằng chó đẻ, chính mày đã hãm hiếp tao. Rồi lặng lẽ ra đi như thế.
Dòng đời cứ chảy trôi, câu chuyện ngày xưa, chuyện chị Tuyền đã bị thời gian đóng kín. Tôi bây giờ với bao nỗi lo toan, nhiều khi niềm vui cũng bị bó hẹp lại thì hôm nọ tôi nhận được những dòng tin nhắn:
Ngẫn ơi! Chị Tuyền đây, xin lỗi em từng ấy năm chị ra đi mà không một lần ngoái đầu nhìn lại. Quê hương với chị có quá nhiều kỉ niệm đau buồn. Chỉ có em, có các bạn thuở hoa niên là thứ đẹp đẽ nhất.
Lần ấy chú Hạnh đưa chị đi rồi thương cảnh chị nhận làm cha đứa con trong bụng chị. Bọn chị vào Bảo lộc, cứ lần hồi rồi mua được đất, trang trại này kia. Hai năm sau khi cha chị mất, chú Hạnh bí mật đón mẹ chị vào trong này ở Ngẫn à. Mẹ chị cũng mất rồi. Chị ơn chú Hạnh và em cả đời này không bao giờ trả hết. Lần ấy thằng lớn con chị, lúc chị đi mang bầu nó đấy, nó đọc FB và nhắc đến sông Trịnh, nhắc đến tên em. …
Nhân duyên ở đời thật khó lý giải. Có nghiệt duyên mở đường thì mới có lương duyên. Tôi và chị Tuyền sau biết bao năm bặt tin giờ lại được trò chuyện hàng ngày. Thương chị và mừng cho chị đã gặp đúng người cần gặp. Đời thật buồn cười, chị Tuyền và chú Hạnh, đúng là chỉ loáng cái thôi mà thành chồng vợ như hẹn thề từ bao thuở nào.
Chị Tuyền
TG: Loan Ngẫn