Tiền không phải tất cả nhưng thiếu tiền sẽ vất vả: 5 cách giúp bạn đạt an toàn tài chính

 

Đừng để nợ nần, nỗi sợ hãi hay căng thẳng ngăn cản bạn đạt được các mục tiêu tài chính của mình. Thực tế là bạn hoàn toàn có thể sống một cuộc sống mà bạn muốn khi bạn hiểu rõ bản thân và xu hướng kiếm tiền của chính mình.

(*) Bài viết là chia sẻ của Rachel Cruze, tác giả nhiều cuốn sách bán chạy, chuyên gia tài chính và người dẫn chương trình The Rachel Cruze Show. Cô từng xuất hiện trên nhiều chương trình như Good Morning America, Today, Live With Kelly & Ryan…

Bạn cảm thấy thế nào khi nghĩ về tình trạng tài chính của mình? Bạn có sợ cảm giác nhìn thấy số tiền trong tài khoản ngân hàng của mình hay phải đối mặt với việc hàng tuần, hàng tháng mình đã chi tiêu hết bao nhiêu, cho những khoản gì? Bạn có lo lắng về việc liệu mình sẽ ra sao khi xảy ra trường hợp khẩn cấp?

Dù câu trả lời của bạn là gì, tin tôi đi, đừng quá lo lắng vì bạn không hề cô đơn. Theo một báo cáo năm 2019, có ít hơn một phần ba số người Mỹ được coi là an toàn về tài chính. Có đến 20% phụ nữ thừa nhận rằng việc thiếu an toàn tài chính khiến họ “thực sự rất căng thẳng”.

Đó là bởi vì tiền thường mang theo những cảm xúc. Đó có thể là sự phấn khích khi nhận được một khoản tiền thưởng bất ngờ tại nơi làm việc, có thể là cảm giác do dự hoặc lo lắng khi phải bắt đầu cuộc trò chuyện về ngân sách với vợ/chồng của bạn. Nếu bạn đang tìm kiếm sự an toàn tài chính trong cuộc sống của mình, 5 điều sau sẽ rất hữu ích:

1. Tạm biệt thẻ tín dụng 

Tiền không phải tất cả nhưng thiếu tiền sẽ vất vả: 5 cách giúp bạn đạt an toàn tài chính - 1

Lý do được nhiều người đưa ra khi nói về việc họ sử dụng thẻ tín dụng chính là điểm thẻ tín dụng mà họ có thể tích luỹ. Sự thật là những khoản tích điểm thẻ, tích dặm bay… đã khiến tâm trí chúng ta bị ảnh hưởng không nhỏ trong việc chi tiêu. Sự thật là tôi chưa bao giờ gặp một người giàu có nào nói với mình rằng: “Bí quyết thành công của tôi tất cả nằm ở điểm thẻ tín dụng.”

Thẻ tín dụng không phải là cách để bạn bảo đảm tài chính. Trên thực tế, chúng sẽ đưa bạn đi theo hướng ngược lại.

Hãy suy nghĩ về tất cả những khoản tiền bạn đã chi thêm để có thể tích dặm bay hoặc tích điểm tín dụng. Tâm lý mua ngay, trả sau khiến chúng ta chi tiêu nhiều hơn mức cần thiết và thậm chí là vượt quá cả khả năng chi trả.

2. Xây dựng quỹ khẩn cấp

Tiền không phải tất cả nhưng thiếu tiền sẽ vất vả: 5 cách giúp bạn đạt an toàn tài chính - 3

Không có gì mang lại cho bạn sự an tâm và ổn định tài chính như một quỹ khẩn cấp. Một quỹ khẩn cấp sẽ giúp bạn không phải lo lắng khi một tình huống bất ngờ xảy ra. Bạn sẽ không thể biết ngày mai mình hay người thân của mình gặp chuyện gì. Gửi một số tiền vào ngân hàng là bước đầu tiên bạn cần làm để đảm bảo tài chính.

Có rất nhiều người sẵn sàng quẹt thẻ tín dụng để chi cho khoản sửa xe hoặc vấn đề khác phát sinh. Họ biến vấn đề về xe cộ thành vấn đề tiền bạc, sau đó, lãi suất kép biến vấn đề tiền bạc trở thành nợ nần, căng thẳng và lo lắng. Tuy nhiên, khi bạn có tiền thực tế trong ngân hàng, trong trường hợp trên, việc bạn cần làm chỉ là rút ở đó ra và sửa xe. Không có điều gì cần căng thẳng.

Tuỳ theo điều kiện, hoàn cảnh mà mỗi người cần xây dựng mức quỹ khẩn cấp khác nhau. Tuy nhiên, thường thì quỹ khẩn cấp nên đạt đủ cho chi phí sinh hoạt của bạn từ ba đến sáu tháng.

3. Xử lý các khoản nợ 

Tiền không phải tất cả nhưng thiếu tiền sẽ vất vả: 5 cách giúp bạn đạt an toàn tài chính - 4

Đây chính là một phần không thể thiếu và rất cần thiết trong hành trình hướng tới sự an toàn tài chính của bạn.

Công cụ xây dựng sự giàu có số một của bạn là thu nhập, nhưng nợ sẽ đánh cắp thu nhập của bạn. Và trên hết, việc phải thanh toán nợ khiến chúng ta chẳng thoải mái chút nào. Đó là lý do, chúng ta cần xoá nợ càng nhanh càng tốt.

Hãy liệt kê tất cả các khoản nợ của bạn, từ nhỏ nhất đến lớn nhất, theo số dư, không phải lãi suất .

Sau đó, thanh toán khoản nợ nhỏ nhất trước sau khi đã chi đủ cho các khoản chi tiêu cần thiết trong tháng. Sau khi trả xong bất kỳ khoản nợ nào, hãy chuyển tiếp sang khoản nợ tiếp theo và cứ như vậy cho đến khi bạn hết nợ. Đây chính là cách hiệu quả nhất giúp bạn giải quyết được vấn đề thực sự.

Nhớ rằng, tiền không chỉ là toán học và lãi suất, nó còn là về hành vi của bạn. Bằng cách trả hết khoản nợ nhỏ nhất trước, bạn sẽ có tâm lý thoải mái và thấy mình đã đạt được một điều gì đó, có động lực thực hiện tiếp hơn. Ngay cả khi đó là khoản nợ 1 triệu với người quen, hãy đưa nó vào danh sách và sau khi trả hết, hãy gạch bỏ nó và chuyển sang phần tiếp theo.

Những cột mốc đạt được sẽ giúp bạn duy trì động lực trong suốt quá trình này, khiến bạn mạnh mẽ hơn để giải quyết những khoản nợ lớn. Tới khi bạn không mắc nợ, sự an toàn tài chính đang ở rất gần bạn.

4. Sống dưới mức bạn có thể 

Tiền không phải tất cả nhưng thiếu tiền sẽ vất vả: 5 cách giúp bạn đạt an toàn tài chính - 5

Nếu bạn muốn đạt được sự an toàn về tài chính, bạn cần tận dụng công cụ tạo dựng sự giàu có lớn nhất của mình, đó chính là thu nhập. Cho dù bạn đang cố gắng kiếm tiền để xây dựng quỹ khẩn cấp, trả nợ hay đầu tư cho tương lai của mình, phiếu lương của bạn chính là nơi tốt nhất để bắt đầu.

Bạn có thể làm gì để tối đa hóa khoản tiết kiệm và đầu tư của mình? Hãy tiêu ít hơn!

Sự hài lòng tức thì sẽ khiến bạn gặp rắc rối hết lần này đến lần khác. Nếu bạn có thể học cách nói không và bằng lòng với những gì bạn đang có, bạn sẽ ổn định hơn về tài chính. Không phải đau đầu vì tiền, không phải ngọt nhạt với những người bạn không thích để vay tiền, không còn mòn mỏi chờ lương đến vì tiền đã “bốc hơi” đi đâu không biết.

Hãy nhớ rằng, sự hy sinh nhỏ bây giờ sẽ được đền đáp về lâu dài. Luôn nhớ mục tiêu của mình là gì và hướng đến nó.

5. Đầu tư 15% thu nhập của bạn 

Tiền không phải tất cả nhưng thiếu tiền sẽ vất vả: 5 cách giúp bạn đạt an toàn tài chính - 6

Một trong những yếu tố an toàn tài chính lớn mà bạn cần chính là biết rằng mình có đủ để trang trải cho những ngày tháng nghỉ hưu. Đó có thể là những chuyến du lịch bạn hằng mơ ước hoặc một cuộc sống vui thú điền viên…

Sau khi bạn thoát khỏi nợ nần và tiết kiệm được ba đến sáu tháng chi phí trong quỹ khẩn cấp của mình, tình hình tài chính của bạn đã ổn hơn. Giờ thì đã đến lúc bạn cần bắt đầu đầu tư 15% vào quỹ hưu trí.

Có hàng triệu quy tắc đầu tư mà bạn có thể tìm hiểu hoặc tìm đến chuyên gia để nhận được lời tư vấn.

Đừng để nợ nần, nỗi sợ hãi hay căng thẳng ngăn cản bạn đạt được các mục tiêu tài chính của mình. Thực tế là bạn hoàn toàn có thể sống một cuộc sống mà bạn muốn khi bạn hiểu rõ bản thân và xu hướng kiếm tiền của chính mình. Học cách tạo ra sự thay đổi lâu dài sẽ giúp bạn đạt được những tiến bộ thực sự, ngày càng tiến gần đến mục tiêu của mình.