Cuộc gặp mặt ngày hôm đó của các bậc cha mẹ bỗng chốc trở thành một màn “khoe con ưu tú”, từ tài năng, năng khiếu, hiểu chuyện, cho đến ngoan ngoãn, tự lập,… không biết bọn trẻ có thực sự vui vẻ, thoải mái hay không?
Tháng trước, một người bạn thời Đại học của tôi ở nước ngoài về nước thăm người thân, cho nên cùng hẹn bạn bè gặp gỡ, tụ tập. Tất cả có 6 gia đình, mỗi gia đình dắt thêm một đứa nhỏ, tổng cộng lớn nhỏ có 18 người cùng ngồi quây quần bên một bàn lớn chuyện trò rôm rả. Dần dần câu chuyện hướng đề tài về những đứa trẻ.
Bạn A nói: “Toàn bộ tiền mà gia đình tôi kiếm được đều đầu tư hết cho con gái. Mỗi tuần con gái tôi có 2 buổi học múa, một buổi học đàn dương cầm. Để phục vụ cho việc học đàn của con, chúng tôi mua hẳn một cây đàn dương cầm. Cũng may, xem như con bé không phụ lòng cha mẹ, cuối cùng cũng học được đôi chút tài nghệ.
Tuần trước, trường mẫu giáo của con bé thông báo tuyển chọn ra 2 người để đi thi khiêu vũ, không ngờ cháu được tuyển chọn. Mà giáo viên của con bé cũng khen nó thông minh, giáo viên dạy nhạc cũng khen con bé rất có năng khiếu âm nhạc”.
Bạn B nghe vậy không cam lòng yếu thế, nói: “Gia đình chúng tôi không cho con đi học năng khiếu này nọ, mà là hay đọc sách kể chuyện cho con nghe. Thằng bé chưa đến 5 tuổi, nhưng đã nhận biết được khá nhiều mặt chữ. Hiện tại cu cậu có thể tự mình đọc được một số sách chuyện đơn giản, khi đọc sách cũng rất chăm chú, thường có thể đọc sách cả buổi”.
Bạn C cũng lập tức tham gia: “Ôi, như thế cũng giống bé nhà này, rất có khả năng về ngôn ngữ. Cháu lúc 3 tuổi là đã có thể học thuộc lòng mấy bài thơ Đường. Nay nó đang học lớp 2 tiểu học, nhưng lại là một trong những gương mặt tiêu biểu về môn ngữ văn của trường đấy. Song chúng tôi cũng yêu cầu rất nghiêm trong việc học của con, có thể yêu thích và tập trung vào môn ngữ văn, nhưng không được lơ là những môn học khác. Cho nên, trong mỗi kỳ thi, cháu đều đạt điểm rất cao về các môn học khác”.
Mấy ông bố bà mẹ càng lúc càng nói chuyện rôm rả, vui vẻ, ngày hokp mặt hôm đó cuối cùng đã trở thành tiết mục “khoe con ưu tú”, từ tài năng, năng khiếu, hiểu chuyện, cho đến ngoan ngoãn, tự lập,…
Chỉ nói thôi chưa đủ, có một bà mẹ còn kéo con của mình đến trước mặt mọi người rồi nói: “Nào con, con đến đây múa một bài, biểu diễn cho mọi người xem nhé!”.
Ngày họp mặt hôm đó tôi không biết bọn trẻ có vui vẻ thoải mái hay không, nhưng tôi biết có một người bạn học của tôi, là ba của một trong 6 đứa trẻ hôm đó, là không được thoải mái cho lắm. Người bạn học này là D, sau đó tìm đến tôi nói chuyện, rồi đột nhiên hỏi tôi:
“Con của cậu hiện tại có đang học lớp năng khiếu nào không? Hiệu quả thế nào? Con trai của tôi sắp đi học tiểu học rồi, nhưng chỉ biết ham chơi và hay nghịch ngợm mà thôi. Chúng tôi cũng đã thử cho đi học hai khóa học năng khiếu rồi, nhưng nó căn bản là không thích học, lại không tập trung chú ý, chỉ toàn bị giáo viên mắng thôi”.
D không giấu được vẻ lo lắng trong lời nói, bởi so sánh với những đứa trẻ khác, thì anh thấy con mình sao mà thua xa con của mấy vị bạn học A, B, C của mình.
Nhưng theo tôi nhận thấy thì chưa hẳn như vậy.
Trẻ nhỏ vốn hay nghịch ngợm, ham chơi. Chúng chính là dùng sự hiếu động đó để đi khám phá thế giới xung quanh mình.
Bạn D chỉ thấy được mặt ham chơi, suốt ngày nhảy nhót thích quậy phá, mà không nhìn thấy được sự nhiệt tình, chủ động, sáng tạo và tinh thần thích khám phá của con trai mình. Bọn trẻ thông qua những cái mà người lớn gọi là “quậy phá” để rèn luyện tính phối hợp giữa mắt và tay chân. Chúng sẽ thích nói nhăng nhít vô nghĩa nhưng đó là lúc đang hình thành tư duy và hoàn thiện ngôn ngữ. Trẻ cũng sẽ không ngừng làm hư hỏng mọi thứ, đó là cách chúng thử nghiệm và nhận biết được như thế nào là đúng là sai.
Có nhiều nghiên cứu đã khẳng định rằng: Các năng lực như sáng tạo, linh hoạt, thích ứng… của trẻ sẽ càng phát triển khi có sự kết hợp với vận động của cơ thể.
Ngoài ra, mỗi đứa trẻ là mỗi cá thể độc lập và khác biệt nhau cả về thể chất, tính cách và năng lực, và cũng sẽ có con đường đi riêng cho chính sinh mệnh của mình.
Nếu cứ so sánh con người ta có thể “hát rất nhiều bài hát” với con của mình “không biết chút gì về nhạc”, lấy con nhà người ta “có thể nói tiếng Anh lưu loát” để so với con mình “bảng chữ cái còn chưa nhận biết”, kỳ thực đó chỉ là sự so sánh không cần thiết, cũng không thể khẳng định được điều gì. Điều này bất quá chỉ như “Điền Kỵ đua ngựa”, lấy sở trường của người khác mà so sánh với sở đoản của mình, lấy mặt mạnh của người so với mặt yếu của mình mà thôi.
Hơn nữa, khi nói “trẻ có khả năng”, chúng ta có thực sự cho rằng nhất định đây sẽ là những nhân vật ưu tú trong tương lai?
Một “học sinh giỏi” tất nhiên là đem tất cả trí lực tập trung cho học hành. Một học sinh xem như học không được giỏi, nhưng lại có thể tập trung vào các việc như tìm cách giải quyết vấn đề, tính toán, kinh doanh, chơi các trò chơi sáng tạo…, những việc như vậy nhìn qua chẳng có ý nghĩa gì nhưng lại thực sự là cách rèn luyện và bồi dưỡng các năng lực tư duy, năng lực sáng tạo, giúp cho học sinh có khả năng đối mặt thực tế và giải quyết vấn đề khi gặp khó khăn. Đây mới là những năng lực mà cha mẹ cần nhìn nhận và bồi dưỡng cho con mình. Trong tương lai, chính nhờ những năng lực này mà con của bạn có thể thành tài, còn những danh hiệu “học sinh giỏi” kia chưa chắc đã phát huy được tác dụng.
Cho nên, hôm nay cha mẹ có thể không có điều gì để tự hào khoe khoang về con của mình với người khác, nhưng trong tương lai con của bạn có thể sẽ bứt phá, sẽ trở thành một người ưu tú.
Thêm nữa, hãy xét về việc cha mẹ khoe con cái mình tài năng, thì có ảnh hưởng gì đến con trẻ hay không?
Đa số trẻ nhỏ nhận định bản thân mình là từ đánh giá của người khác. Khi cha mẹ công khai khoe tài năng của con mình trước nhiều người, đôi khi sẽ được người khác vì phép lịch sự mà công nhận, mà khen ngợi. Sự khoe khoang của cha mẹ, sự công nhận và khen ngợi của mọi người, sẽ khiến cho đứa trẻ nghĩ rằng bản thân chúng thực sự có tài năng, thực sự xuất sắc hơn người.
Có một số trẻ, thậm chí là đắm mình trong thế giới đẹp đẽ mà chúng tưởng tượng ra từ những lời khen ngợi từ cha mẹ. Cha mẹ càng khen ngợi, trẻ càng củng cố vững chắc bức tường bao quanh thế giới tưởng tượng đó. Những đứa trẻ như vậy thường sợ bị phê bình, chê bai, tâm hồn chúng thường mẫn cảm và yếu ớt, cho nên chỉ một chút khó khăn hay thất bại nhỏ cũng dễ trở thành cú sốc lớn khiến chúng dễ dàng gục ngã.
Còn có một số trẻ, khi không ngừng được cha mẹ đem khoe, hoặc được người khác khen ngợi, liền nảy sinh một loại tâm lý tự mãn, kiêu căng coi thường người khác.
Trong sự kỳ vọng của cha mẹ, trẻ sẽ không ngừng cố gắng vươn lên, song vì mãi để tâm vào việc thỏa mãn lòng tự hào của cha mẹ mà quên đi bản thân mình, quên cảm nhận của bản thân, quên tự hỏi chính bản thân mình thực sự cần gì. Như vậy đến khi trưởng thành, trẻ sẽ càng để ý cái nhìn của người khác, càng vì được người khác công nhận mà tự gây áp lực lên chính mình.
Cho nên, xét đến cùng, cha mẹ khoe khoang con cái, nhất thời có thể thỏa mãn tâm lý của mình, nhưng đối với trẻ lại có thể là một loại tổn thương, gây nhiều bất lợi cho sự trưởng thành của trẻ.
Cha mẹ thông minh sẽ không khoe con cái, cũng không nên bởi vì con mình không có năng lực nào nổi trội mà sinh ra tâm lý lo lắng sốt ruột.
Cha mẹ có thể nhìn thấy những ưu khuyết điểm của những đứa trẻ gia đình khác, thì càng có khả năng phát hiện những khả năng ưu tú của con mình, hãy để cho trẻ phát triển thuận theo tự nhiên, phát triển theo khả năng và sở thích của trẻ.
Nhiệm vụ của cha mẹ chính là phát hiện và bồi dưỡng, giúp trẻ tìm được con đường trưởng thành đúng đắn và thích hợp nhất; giúp con hiểu được rằng vạn sự đều nên lấy “tâm thái bình thản” mà đối mặt, thắng không nên kiêu, bại không nên nản, chỉ cần dụng tâm đi thực hiện những gì nội tâm mong muốn, bản thân yêu thích cũng là một loại hạnh phúc và thành công.
Cha mẹ thông minh sẽ không khoe khoang con cái của mình. Là bởi vì họ hiểu được rằng, cuộc sống của con trẻ là chính bản thân đứa trẻ đó tạo nên, sống và trải nghiệm. Chính bản thân đứa trẻ sẽ đảm nhận vai trò đạo diễn, biên kịch và cả diễn viên trong chính cuộc đời của mình. Cuộc sống đó sẽ như thế nào, có hạnh phúc và thành công hay không, là tùy thuộc vào chính năng lực của bản thân nó.
Có chăng, cha mẹ nên giáo dục cho con trẻ biết rằng, cuộc sống là của chính mình, không cần phải sống cho người khác nhìn, cũng không cần quá để ý cái nhìn của người khác; bình thản, giản đơn, chính bản thân mình thấy hạnh phúc là đủ rồi.
Lan Hòa biên tập
Nguồn: DKN
Xem thêm