Nghịch lý: Những người đi bộ, đi xe đạp thì tới gửi tiền còn những người đi ô tô lại đến ngân hàng để vay tiền

 

Những người đi bộ, đi xe đạp thì tới gửi tiền còn những người đi ô tô lại đến ngân hàng để vay tiền. Ông băn khoăn: Tại sao người nghèo đi gửi còn người giàu lại đi vay, để rồi tìm ra câu trả lời: Hóa ra, người giàu đi vay để mua BĐS, để thanh toán tiền vật tư…

ÔNG NGÔ QUANG HÙNG CHIA SẺ BÍ QUYẾT LÀM GIÀU

“Làm việc chăm chỉ không bao giờ có thể giàu có, làm việc khôn ngoan mới nhanh giàu. Và cách làm giàu khôn ngoan nhất là làm theo người giàu”, ông Ngô Quang Hùng – giám đốc Công ty tài chính 115, người rất thành công trong kinh doanh tài chính và BĐS, chia sẻ bí quyết với những ai muốn nhanh chóng trở thành triệu phú.

“Trước đây, tôi sống trong gia đình chưa bao giờ có được một bộ quần áo mới. Khi đi học, tôi phải viết bằng bút chì rồi tẩy đi nháp lại. Tận đến lúc lập gia đình và sinh được 2 đứa con, đứa đầu tiên tôi còn không có tiền mua đồ chơi cho cháu. Năm 2000, cháu thứ 2 không may bị mắc bệnh tim bẩm sinh, không có điều kiện để đưa cháu sang Singapore hoặc sang Mỹ – những nơi có điều kiện để mổ tim cho trẻ sơ sinh, vợ chồng tôi đã phải ký vào bản cam kết với bác sĩ Việt Nam về việc không đảm bảo cứu được tính mạng con khi phẫu thuật tại Việt Nam. Khi đó, tôi đã tìm ra được động lực, động cơ phải trở nên giàu có để bảo vệ những người yêu thương của mình”, ông Hùng bắt đầu câu chuyện làm giàu của mình bằng những kí ức gian truân.

Có được động cơ cũng là lúc ông Hùng nhận ra rằng: Làm việc chăm chỉ không bao giờ có thể giàu có, làm việc khôn ngoan mới nhanh giàu. “Và cách làm giàu khôn ngoan nhất là làm theo người giàu nhất, người giàu làm gì, mình làm theo như vậy”, ông Hùng thẳng thắn.

Nói là như thế nhưng những ngày đầu tiên học làm giàu của ông không dễ dàng, suôn sẻ. Sau thời gian đắn đo, suy nghĩ, ông quyết định bỏ việc để tìm hiểu “người giàu là ai” và “họ làm gì?”.

Ông nghĩ rằng: Những người giàu sẽ có mặt nhiều nhất ở nơi tập trung nhiều tiền vì vậy suốt cả tuần ông lang thang khắp các ngân hàng theo dõi xem họ làm gì. Ông không khỏi ngạc nhiên khi phát hiện ra một nghịch lý: Những người đi bộ, đi xe đạp thì tới gửi tiền còn những người đi ô tô lại đến ngân hàng để vay tiền. Ông băn khoăn: Tại sao người nghèo đi gửi còn người giàu lại đi vay, để rồi tìm ra câu trả lời: Hóa ra, người giàu đi vay để mua BĐS, để thanh toán tiền vật tư…

Qua quan sát, ông tiếp tục nhận thấy: Cả người vay và người gửi đều không vui. Người vay thì phàn nàn vì thủ tục vay rườm rà, thời gian rất chậm, vốn được vay không được như họ mong muốn. Người đến gửi cũng buồn vì họ muốn lãi suất nhiều hơn, vì lãi suất hiện tại không cao như họ kỳ vọng. Chính vì thế, ông nảy ra ý tưởng thành lập Công ty tài chính 115 với 2 mục tiêu giúp người dân gửi tiền an toàn và lãi suất tốt hơn, cho người vay tiền được nhiều hơn và nhanh hơn.

Để có được sự giàu có, ông Hùng luôn quan niệm: “Số tiền nằm trong túi bạn không quan trọng bằng những gì nằm trong trái tim bạn”. Với ông, tiền đến từ người khác và để mở được chiếc ví ấy “trước hết phải mở được trái tim của họ, rồi đến mở bộ não, cuối cùng ví tiền sẽ tự mở ra”.

Ông Ngô Quang Hùng Theo ông Hùng: Muốn giàu có phải cho đi một cách điên cuồng để đổi về lợi nhuận không thể tin nổi. Ông đã từng khuyên nhủ những nhà kinh doang rằng: “Muốn marketing tốt bắt buộc phải sáng tạo. Sáng tạo chỉ đến khi bạn không chịu lùi bước và lúc nào cũng trăn trở về cái điều mình muốn đạt được. Cho đi điên cuồng là một trong những công cụ marketing tuyệt vời nhất”.

Ông kể: “Khi gặp một người bạn muốn mở tiệm rửa xe máy trên địa bàn Hà Nội với số vốn ít ỏi, tôi cho anh ấy lời khuyên. Ngay ngày hôm sau, anh treo một cái biển quảng cáo: “Rửa 300 chiếc xe miễn phí đầu tiên”. Sau đó không lâu, mỗi tháng anh thu về 50 triệu đồng. Còn một người bán kem đã loan tin: “Thứ 7 sẽ tặng kem miễn phí cho mọi người” và ngày thứ 7 ấy đông vô cùng, từ đó, như một thói quen, lần sau họ lại đến tiếp”.

Ngoài ra, để kiếm tiền không đủ, người giàu nhất là những người biết cách quản lý đồng tiền của mình. Nhà triệu phú này nhấn mạnh: “Quản lý tiền thì bạn mới có tiền để quản lý. Tất cả những người giàu nhất luôn làm việc chăm chỉ tới cần mẫn và họ sống thấp dưới mức sống mà lẽ ra họ đáng được hưởng, dùng tiền để mua tài sản và trở nên giàu có thêm. Và tài sản mà ông nói ở đây đó là kiến thức và thông tin.

Đối với một nhà kinh doanh, thông tin luôn đóng vai trò rất quan trọng. Ông Hùng cho rằng: Nguyên nhân của sự thất bại là do khâu chuẩn bị, “chúng ta thất bại không phải chúng ta không biết chiến đấu mà vì chúng ta không biết cách chuẩn bị mà thôi!”. Từ đó, theo ông Hùng, để chiến đấu thành công, bạn phải có 2 thứ: Đầu tiên là vũ khí, nó cũng giống như muốn kinh doanh thì phải có vốn, phải có nền tảng vật chất để tạo ra cơ hội và sự thành công. Thứ hai là phải có một nhà đào tạo, một huấn luyện viên giỏi để hướng dẫn cho bạn những kinh nghiệm, đường đi nước bước, cung cấp các thông tin tốt để đầu tư và kinh doanh có hiệu quả.

XEM THÊM :

Mùa đông Hà Nội có hương vị gì khiến người ta phải lòng đến thế, năm nào cũng đến mà vẫn khắc khoải ngóng trông

Mùa đông đến để lại những khắc khoải, thèm khát trong lòng những ai trót nhớ thương Hà Nội, mà mỗi người có một lý do khác nhau.


Mùa đông thì có gì mà thú vị? Rét mướt lạnh cóng hết cả người. Thi thoảng lại ụp về những trận mưa dầm dề, không nặng hạt nhưng cứ lâm thâm dai dẳng cả ngày chẳng dứt, mặc áo mưa thì ngại mà không mặc thì ướt hết. Hôm nào ẩm thì quần áo lâu khô, ẩm mốc khắp nơi, hôm nào hanh thì y như rằng nẻ mặt, nứt toác chân tay, trẻ con người già thi nhau ốm. Rét cắt da cắt thịt lại còn khiến người ta chỉ muốn nghỉ ngơi, khao khát nằm ườn ở nhà cuộn chăn ngủ hoặc ăn vặt rả rích suốt ngày, chứ động lực đi làm trong cái thời tiết này xuống thấp hơn cả nước sông Hồng mùa cạn.

À lại còn thèm ăn, chao ôi ăn gì cũng bon mồm, ăn gì cũng thấy ngon bất chấp trong cái thời tiết này, nhất là khi có 7749 lớp áo quần che hết tất thảy các thớ mỡ, nên đến khi đông qua xuân lại, cởi đồ ra mới ân hận ngút ngàn, lại tốn cả mớ tiền và hùng hục tập gấp đôi gấp ba, thậm chí gấp 10 thời gian nhâm nhi món ngon mới mong thon thả trở lại mà mặc bikini. Tất cả chỉ tại mùa đông!

Đùa đấy! Ai mà nói vậy về mùa đông, chắc họ đang trong kỳ khó ở, hoặc hờn dỗi chi đó chút thôi, chứ hiếm ai từng ở Hà Nội, từng đến Hà Nội vào mùa đông mà lại “thù ghét” thời tiết đến mức ấy. Mùa đông là một đặc sản của Hà Nội, một thứ đặc sản phương Bắc khó lẫn vào đâu khác.

Nếu phương Nam thi thoảng còn được tặng cho mấy ngày thu mát dịu, đẹp đẽ lãng mạn tựa như một mùa xuân thứ hai trong năm, nếu Đà Lạt là nơi có khí hậu mát mẻ dịu dàng quanh năm, tháng xuân cũng như ngày hạ thì mùa đông Hà Nội có những màu vẻ rất riêng mà chẳng thể lẫn vào đâu khác, dễ khắc vào lòng người trót nhớ thương một nỗi nhớ cồn cào. Mà khi đã yêu, mọi điều “xấu xí” sẽ được thứ tha.

Cái rét của mùa đông Hà Nội rất lạ, nó không phải kiểu gió đồng hun hút, thốc vào mặt vào lưng như cái rét của thợ cày thợ cấy, nó không buốt thấu xương như Sa Pa mùa sương muối đọng thành băng giá, nó là một cái rét rất lạ, lạnh đó mà cũng ấm đó giữa phố xá. Mà lạ, trừ người già, trẻ nhỏ bị hạn chế ra đường vì ngại ốm, sống ở Hà Nội mùa đông cũng đồng nghĩa với việc ra phố chơi là một thú vui khó nhịn.

Những ngày mưa phùn, bầu trời ảm đạm, rét mướt và cũng khiến người ta giận hờn, dễ ỉu thật, nhưng nếu bỏ qua những bụi nước mờ ảo đọng trên tóc, trên áo như những hạt muối li ti, tận hưởng cái lạnh từ từ ngấm vào da thịt làm ta run rẩy – điều nhiều người Hà Nội sống ở phương xa thèm đến phát điên – mà lao ra phía hồ Tây ngắm khói sương bảng lảng trôi trên mênh mông gương hồ, mà ngắm cây lá từ hàng cổ thụ ven đường Cổ Ngư xanh thẫm, mà bước chân dạo quanh Bờ Hồ liễu rủ, thả bộ lên cầu Thê Húc cong cong, hít hà hơi phố xá, mùa đông sẽ đáng yêu hơn nhường nào.

Giữa nhịp sống hối hả, buổi sáng người ta vẫn dành thời gian xếp hàng ăn phở, thủng thẳng chấm cái quẩy giòn tan vào nước dùng trong veo mà thơm ngậy; trưa trưa, ở những quán cóc khiêm nhường nép bên vỉa hè, vẫn kín người ngồi bên chén trà nóng, nhâm nhi cái bánh rán, kẹo lạc mà ngắm người lại qua. Và sự lãng mạn, trầm tĩnh của mùa vẫn ẩn khuất đâu đó trên phố xá, trong lòng người.

Mùa đông Hà Nội cũng thi vị và đáng yêu hơn bởi cái thú quà chiều. Nào trứng ngải cứu, bánh đúc nóng, cháo sườn cháo trai, bát ốc luộc hay chè nóng, bánh trôi tàu, bánh chuối bánh khoai… bày biện khắp nơi khó lòng mà cưỡng lại. Ấy là còn chưa kể những tối mùa đông, ven các mặt hồ, những hàng thịt xiên nướng, dồi sụn thơm nước mũi, đi qua mà thấy cả cái khói cũng thơm bủa vây, rồi ngô nướng, khoai nướng, mía tím nướng, hạt dẻ rang la liệt, rồi các quán cafe nho nhỏ ấm cúng gọi mời một cuộc tâm tình thủ thỉ mùa đông.

Cũng mùa đông ấy, nếu là những ngày nắng hanh thì đáng yêu vô ngần, bởi những vệt nắng hiếm hoi ấy sẽ khiến người ta thổn thức cả ngày. Vạt nắng mùa đông, nhất là nắng đến sau một chuỗi ngày u tịch, tái tê lại càng quý giá, vì nó mang đến cho Hà Nội một phong vị thật khác.

Nắng mùa đông Hà Nội không gay gắt như nắng của mùa hè mà chỉ là những tia nắng dịu ngọt pha chút hoang hoải, pha với chút gió lành lạnh thổi ngang. Nắng mùa đông vàng như mật, hong khô Hà Nội, hong khô cả cái ảm đạm ủ dột của tâm hồn ai đó, phủ lên đất trời cái màu óng ả say mê, khiến cảnh vật bừng lên sức sống. Ánh nắng đầy diệu kì ấy như thúc giục người ta ra đường để ngắm nghía hình ảnh phố phường được gột rửa tưng bừng trong màu nắng, để hòa mình vào cuộc sống còn bao điều tươi đẹp mà đôi khi vì sợ cái lạnh và vì chút biếng lười, ta đã bỏ lỡ đi.

Mà ngay cả khi không có nắng, những ngày đông cũng có thể lộng lẫy, khi ta có trong lòng niềm hân hoan của kẻ biết yêu: “Ngoài phố mùa đông, đôi môi em là đốm lửa hồng”. Hội ế chòng ghẹo nhau, đông đến rồi, nhớ mặc thêm áo, quàng thêm khăn, đi tất vào, đừng để thời tiết đánh lừa rằng ta đang cần yêu cũng chẳng quá lời, vì mùa đông dường như sinh ra để “phục vụ” cho tình yêu. Có những cái nắm tay chỉ mùa đông mới thật khác biệt, có những cái ôm chỉ mùa đông mới thật sự ý nghĩa, có những chuyến đi chỉ mùa đông mới ấm áp. Những người yêu nhau, họ mong chờ mùa đông hơn bao giờ hết, bởi có những cảm xúc thú vị với người trong cuộc mà rơi vào mùa khác, nó kém duyên đi.

Cái lạnh của mùa đông khiến người ta cảm thấy cần nhau hơn, lãng mạn hơn, yêu nhau nhiều hơn. Cái lạnh của phố xá có là gì, vì đã có mười ngón tay đan lại sưởi ấm cho nhau, đã có bờ vai, khuôn ngực, vòng tay ôm siết khiến gió rét trở thành cái cớ để người ta được nép vào nhau gần hơn. Mưa bụi, gió mùa có là gì khi người ta có thể luồn tay vào túi áo nhau mà sưởi, ngồi kề nhau trong một quán trà, bên ly cafe ấm, hoặc lang thang cùng nhau trên một con phố dài.

Mùa đông có là gì khi đã có đôi có cặp quấn quýt, khi khăn áo chẳng là gì so với những bờ môi, nụ hôn ấm, khi những ngón tay lạnh có cớ luồn trong áo nhau thật sâu… Vì khi người ta sống để yêu, ngày đông bỗng dưng ấm lại.

Có bao nhiêu lý do để người ta cằn nhằn với mùa đông (một trong đó là sắp đến Tết rồi, giời ơi đang yên đang lành tự nhiên lại Tết) thì cũng có ngần ấy lý do để người ta yêu da diết, mong ngóng mùa đông. Người lãng mạn mê vẻ đẹp phố xá, người say ẩm thực buông mình cho những món ngon, người có đôi nhẩn nha nếm vị ái tình… mùa đông đáng yêu, đáng nhớ ngần ấy, làm sao mà không say mê?