Để giữ áo phao bền đẹp đến tận Tết năm sau, bạn nên ghim ngay cách giặt và bảo quản áo phao dưới đây.
Áo phao là item kinh điển của mùa đông với khả năng giữ ấm hiệu quả và dễ mix đồ. Tuy nhiên, sau những ngày tháng băng giá, khi thời tiết chuyển ấm thì chúng ta cũng cần mang áo phao đi giặt sạch sẽ. Không ít trường hợp vì không biết cách giặt và bảo quản đúng cách mà áo phao đã trở nên tã tời, lông vũ vón cục, bạc màu.
Vậy nhưng đừng lo lắng, bạn hoàn toàn có thể giữ áo phao bền đẹp đến tận Tết năm sau nếu như biết cách giặt và bảo quản áo phao đúng cách. Dưới đây là 6 tips chăm sóc áo phao mà bạn rất nên ghim ngay lúc này.
1. Giặt nhẹ nhàng bằng tay
Khi giặt áo phao tại nhà, bạn tuyệt đối không nên chà, vò áo quá mạnh vì các tác động vật lý mạnh có thể làm hỏng phần lông và bề mặt vải áo. Bạn nên vò nhẹ nhàng, với những khu vực có vết bẩn, vết ố, bạn có thể ngâm áo phao với xà phòng trong khoảng 20 phút trước khi giặt để làm sạch nhanh hơn.
Bạn nên tránh giặt áo phao bằng máy vì chế độ quay của lồng máy giặt có thể khiến áo nhanh bị phai màu, vón cục lông bên trong, làm giảm tuổi thọ bền đẹp của sản phẩm.
2. Dùng xà phòng dịu nhẹ
Khi giặt áo phao, bạn lưu ý nên chọn loại xà phòng dịu nhẹ, tránh đổ trực tiếp bột giặt lên áo phao vì chất tẩy rửa có thể làm bạc màu, lem màu, làm mất lớp chống nước bên ngoài áo. Bạn nên hòa tan xà phòng giặt hoặc nước giặt trung tính vào nước để giặt. Một số loại áo phao sẽ có quy định cụ thể về cách giặt và chất tẩy đi kèm ở phần mác áo. Bạn nên đọc kỹ phần này để chọn được sản phẩm phù hợp.
3. Giặt áo phao với nước ấm
Khi giặt áo phao, bạn nên chọn nước có độ ấm để làm sạch hiệu quả. Nước lạnh sẽ không thể làm sạch áo, nước nóng lại có thể khiến áo bị phai màu, hư hỏng các chi tiết chun và phần bông bên trong. Với những vị trí dễ bám bẩn như viền ống tay, phần cổ, dưới cánh tay thì bạn nên dùng nước ấm để giặt qua trước. Điều này giúp loại bỏ các vết bẩn dễ dàng hơn trong khi giặt.
4. Tránh vò, vắt sau khi giặt
Sau lầm của nhiều người sau khi giặt áo phao là sẽ vò, vắt để loại bỏ phần nước thừa. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến phần bông bên trong bị dồn nén, biến dạng, khiến áo mất khả năng giữ ấm. Các tác động vò, vắt sau khi giặt cũng khiến vải áo bị biến chất, co giãn, mất form dáng.
Thay vào đó, bạn nên ép nhẹ và dùng khăn lông hút ẩm, bọc quanh áo và cuộn tròn. Khăn bông sẽ giúp thấm hút, làm khô một phần nước bên trong áo trước khi phơi. Bạn có thể lặp lại động tác dùng khăn lông hút ẩm vài lần trước khi phơi để hút nước thừa.
5. Cách phơi áo phao sau khi giặt
Sau khi giặt áo phao, bạn dùng tay để vuốt áo nhằm khôi phục dáng áo ban đầu và làm đều lông vũ bên trong. Bạn phơi áo ở nơi thông thoáng, tránh ánh nắng trực tiếp vì ánh nắng có thể khiến áo bị phao màu nhanh chóng.
6. Cách bảo quản áo phao sau khi giặt
Sau khi giặt, chúng ta cần bảo quản áo phao lông vũ trong tủ để năm sau tiếp tục sử dụng. Bạn cần cất giữ cẩn thận để giữ phom áo, tránh vón lông. Bạn nên gấp áo gọn gàng và để trong túi chuyên dụng của nhà sản xuất. Nếu không có túi, bạn có thể để vào 1 chiếc tủ nhỏ để tránh mối mọt làm hỏng áo. Áo phao nên được để trong môi trường khô ráo, sạch sẽ, tránh bụi bẩn, nhiệt độ phỏng khoảng 21 độ C.