Nói xin lỗi quá nhiều có thể khiến bạn trở nên thiếu thuyết phục, giảm độ tin cậy, yếu đuối và tự ti. Lời xin lỗi cho những điều không đáng để xin lỗi cũng làm ảnh hưởng đến hình ảnh của bạn.
Nhiều người có thói quen nói xin lỗi ngay cả trong những tình huống không cần thiết. Điều này thường bắt nguồn từ mong muốn thể hiện sự tôn trọng, đạt được sự công nhận từ bên ngoài hoặc tránh xung đột.
Và mặc dù nó có vẻ vô hại, nhưng nó có thể gây bất lợi cho danh tiếng của bạn.
Nói xin lỗi quá nhiều có thể khiến bạn trở nên thiếu thuyết phục, giảm độ tin cậy, yếu đuối và tự ti. Nó cũng có thể làm giảm tác động và giá trị của những lời xin lỗi chân thành trong tương lai.
Shadé Zahrai, nhà khoa học hành vi và huấn luyện viên lãnh đạo được đào tạo tại Harvard, khuyến khích mọi người thay lời xin lỗi không cần thiết bằng lời cảm ơn, ghi nhận. Bày tỏ lòng biết ơn sẽ giúp bạn để lại ấn tượng tích cực hơn.
Dưới đây là năm lời xin lỗi bạn nên bỏ qua và những điều nên nói thay thế.
1. “Tôi xin lỗi vì bạn đã phải giúp tôi rất nhiều.”
Khi bạn xin lỗi vì đã làm mất thời gian của ai đó, điều đó có thể ngụ ý rằng hành động giúp đỡ bạn là một gánh nặng hoặc sự bất tiện.
Điều này có thể làm giảm sự sẵn sàng giúp đỡ của họ sau này.
Thay vào đó nên nói: Công nhận những đóng góp của người đó và nêu bật tác động tích cực từ hành động của họ.
“Tôi rất trân trọng việc bạn dành thời gian để cho phản hồi.”
“Sự hỗ trợ của bạn có ý nghĩa rất lớn đối với tôi. Tôi sẽ không thể hoàn thành dự án mà không có bạn.”
2. “Tôi xin lỗi nếu tôi nói quá nhiều.”
Việc xin lỗi vì nói chuyện sẽ làm giảm giá trị thông điệp của bạn.
Nếu bạn cảm thấy mình đang nói hơi nhiều, bạn chỉ cần tạm dừng và để người nghe tiêu hóa thông tin.
Thay vào đó nên nói: Bày tỏ lòng biết ơn vì đã có cơ hội nói, chia sẻ suy nghĩ của bạn. Cách nói này vẫn thể hiện sự ghi nhận việc mọi người dành thời gian và sự chú ý cho bạn.
“Cám ơn vì đã lắng nghe. Tôi đánh giá cao cơ hội được chia sẻ ý tưởng của tôi với bạn.”
“Việc bạn sẵn sàng lắng nghe tôi có ý nghĩa rất lớn đối với tôi.”
3. “Tôi xin lỗi nếu tôi quá xúc động.”
Khi bạn xin lỗi vì đã bày tỏ cảm xúc, bạn sẽ tạo ra một bầu không khí gò bó, không có lợi cho việc xây dựng các mối quan hệ lành mạnh.
Nó cũng có thể vô tình ngăn cản người khác chia sẻ cảm xúc của họ với bạn.
Thay vào đó nên nói: Chỉ ra vai trò của đối phương trong cuộc trò chuyện và bày tỏ rằng bạn đánh giá cao sự kiên nhẫn và đồng cảm của họ.
Điều này cũng xác nhận rằng cảm xúc của bạn là một phần tự nhiên và quan trọng của cuộc trò chuyện.
“Cảm ơn bạn đã lắng nghe và hiểu quan điểm của tôi. Tôi có cảm xúc rất mạnh mẽ về điều này.”
“Hiện tại tôi đang bị quá tải, vì vậy tôi rất biết ơn sự hỗ trợ của các bạn.”
4. “Tôi xin lỗi vì sự chậm trễ.”
Giả sử sự chậm trễ không gây ra thiệt hại hoặc bất tiện lớn, thì lời xin lỗi sẽ làm nhấn mạnh điều tiêu cực rằng thời gian của người khác đã bị lãng phí, khiến bạn có vẻ không đáng tin cậy hoặc thiếu chuyên nghiệp.
Thay vào đó nên nói: Thay vì làm nổi bật sự chậm trễ của bạn, hãy thể hiện rằng bạn coi trọng thời gian của người khác bằng cách cảm ơn họ đã sẵn lòng kiên nhẫn chờ đợi bạn.
“Cảm ơn vì sự kiên nhẫn của bạn.”
“Cảm ơn vì đã chờ đợi. Tôi rất cảm ơn sự thấu hiểu và linh động của bạn.”
5. “Tôi xin lỗi vì tôi đã làm rối tung lên.”
Xin lỗi vì những sai lầm nhỏ có thể cho thấy bạn thiếu khả năng hoặc năng lực để thực hiện tốt.
Điều này cuối cùng sẽ làm tổn hại đến lòng tự trọng của bạn và khiến mọi người không biết phải phản ứng thế nào với bạn.
Thay vào đó nên nói: Bày tỏ lòng biết ơn đối với sự kiên nhẫn và hỗ trợ của người khác có thể giúp xây dựng một cuộc trò chuyện tích cực và mang tính xây dựng hơn.
“Hướng dẫn của bạn đã thực sự hữu ích cho quá trình học hỏi của tôi.”
“Cảm ơn bạn vì đã giúp tôi hoàn thành công việc tốt hơn.”
Xem thêm: 7 tình huống bạn không nên nói ‘xin lỗi’
Biết chịu trách nhiệm, nhận lỗi và xin lỗi có thể giúp chúng ta trưởng thành hơn. Nhưng trong một số tình huống, lời xin lỗi không những không có ích mà còn có thể làm tình hình tệ hơn.
Những lời xin lỗi như vậy có thể khiến người khác khó chịu hoặc làm chúng ta mất điểm trước những người lạ.
Dưới đây là những tình huống mà bạn không nên nói “xin lỗi”.
1. Nhà cửa bừa bộn
Cách bạn sắp xếp không gian trong nhà là chuyện của riêng bạn.
Bạn không cần phải xin lỗi vì từng điều nhỏ nhặt mà có thể khách của bạn cũng chẳng để tâm tới, ví dụ bát đĩa chưa rửa hay đồ chơi của con ở khắp nơi.
Lời xin lỗi sẽ chỉ khiến những người khác cảm thấy ngại vì dường như họ đến không đúng lúc. Ngoài ra, lời xin lỗi sẽ càng gây chú ý vào sự bừa bộn.
2. Con trẻ quấy khóc
Ở một độ tuổi nhất định, bất kỳ đứa trẻ nào cũng có thể quấy khóc vì không kiểm soát được cảm xúc.
Thay vì chú ý vào phản ứng của mọi người xung quanh, bạn hãy tập trung vào cảm xúc của con và giúp con vượt qua khoảnh khắc ấy.
Tốt hơn là không nên nói xin lỗi với mọi người, mà hãy cảm ơn họ vì đã kiên nhẫn và thông cảm.
Điều này sẽ giúp tình huống trở nên dễ dàng hơn cho cả cha mẹ và những người xung quanh.
Bắt ép trẻ xin lỗi trong khi trẻ không thực sự hiểu được lỗi của mình cũng có thể khiến trẻ nghi ngờ cảm xúc của bản thân, dẫn tới tự ti trong tương lai.
3. Từ chối gặp gỡ bạn bè
Đôi khi chúng ta quá bận rộn và không thể gặp gỡ bạn bè. Đừng nói xin lỗi trong trường hợp này.
Nói xin lỗi quá nhiều cũng sẽ chỉ làm mọi người khó chịu vì dù sao đó cũng chỉ là lời nói suông.
Tốt hơn, bạn có thể gợi ý một thời gian hẹn gặp khác khi bạn rảnh rỗi. Hãy thể hiện rằng bạn sẵn sàng dành thời gian cho họ. Điều đó sẽ tốt hơn là nói xin lỗi hết lần này đến lần khác.
4. Khuyết điểm ngoại hình
Bạn không cần xin lỗi vì những khuyết điểm ngoại hình của mình, kể cả là quần áo cũ hay tóc bị rối.
Mỗi người có quyền được là chính mình và không ai có thể lúc nào cũng hoàn hảo được.
Bên cạnh đó, cố gắng đáp ứng tiêu chuẩn cao có thể dẫn tới căng thẳng và lo âu.
Đa số mọi người thường không chú ý tới những chi tiết nhỏ trừ khi bạn khiến họ để ý.
5. Sự bất tiện với người khác
Đôi khi, chúng ta nói xin lỗi với người khác khi mà đáng lẽ nên nói “cảm ơn”.
Nếu ai đó phải bỏ công để giúp bạn, hãy cảm ơn họ thay vì xin lỗi. Bạn nên thể hiện sự trân trọng và biết ơn thay vì cảm giác tội lỗi.
6. Quan điểm, cảm xúc cá nhân
Mỗi người có quyền có quan điểm, ý kiến riêng dù nó có khác với mọi người.
Đừng che giấu suy nghĩ, cảm xúc của bạn, nhất là với những người thân thiết.
Bày tỏ thẳng thắn sẽ giúp mọi người hiểu nhau hơn.
Khi chúng ta xin lỗi vì quan điểm của mình, chúng ta đang tự hạ thấp nó và làm nó trở nên không quan trọng.
7. Khi muốn ở một mình
Chúng ta không nên cảm thấy tội lỗi khi chúng ta muốn ở một mình nghỉ ngơi, kể cả là tách khỏi những người thân thiết.
Đó là điều tự nhiên và không cần phải xin lỗi.
Bên cạnh đó, thi thoảng tách nhau ra sẽ làm các mối quan hệ mạnh mẽ, gắn bó hơn.
(Theo Cheery)