Thuở nhỏ tôi sống ở làng quê, sát cạnh nhà tôi là một gia đình có kinh tế thuộc dạng khá giả nhất làng. Hai vợ chồng nhà hàng xóm chỉ sinh được duy nhất một người con trai nên sự cưng chiều của họ dành hết cho người con duy nhất đó là đương nhiên.
Hãy báo hiếu khi cha mẹ còn sống
Bởi quê tôi nói riêng cũng như nhiều làng quê Việt nói chung thì hủ tục khát tìm con trai để nối dõi tông đường, cúng giỗ ông bà tiên tổ vẫn còn khá nặng nề. Thằng nhỏ bằng cỡ tuổi tôi, và vì được cưng chiều như vậy nên nó luôn quậy phá, hỗn láo không chỉ với cha mẹ nó mà còn với hết thảy mọi người.
Vẫn bản tính hỗn láo ngang ngược, bất cần nên khi lớn lên có gia đình vợ con rồi mà cậu ta quen thói cũ. Cha mẹ có chửi mắng khi cậu ta làm sai điều gì đó thì ngay lập tức cậu ta bật lại ngay, thậm chí chửi lại tức thì. Có nhiều bữa xung khắc, cậu ta còn bất hiếu đến mức không chỉ dừng lại ở chửi rủa những người đã sinh ra mình, mà còn đánh lại, khiến cha mẹ của cậu ta lĩnh trọn những thương tích trên thân thể.
Đau khổ hơn cả là, trong một đêm mùa đông buốt lạnh, vợ chồng của người con bất hiếu này đã đuổi cha mẹ mình ra khỏi nhà. Và ông bà đã dắt díu nhau đi đâu, lang bạt kiếm sống nơi nào, chẳng ai trong làng hay biết…
Tôi cũng rời quê lên thành phố học hành rồi lập nghiệp từ lâu, thi thoảng cũng có trở về quê để thăm mẹ cha và những người thân yêu, vì thế mà thông tin về vợ chồng già hàng xóm bị con đuổi đi từ lâu luôn đan xen những đồn đoán này nọ. Người thì bảo ông bà đã tự tử do uất ức. Kẻ lại nói ông bà sống trong một trại dưỡng lão nào đó.
Không ít người nói trông thấy ông bà lang bạt kiếm sống bằng nghề xin ăn ở tận một tỉnh phía Nam. Vâng, dù đôi vợ chồng già ấy có chết, hay còn sống đi nữa thì đâu có gì quan trọng với người con bất hiếu kia, khi chính cậu ta không mảy may nghĩ suy hay động lòng trắc ẩn gì?!
Mới đây, nhân mùa Vu lan, tôi cùng mẹ lên chùa quê dự lễ “Bông hồng cài áo” và bất ngờ nhìn thấy vợ chồng cậu ta – người đã đuổi bố mẹ ra đường ấy, cũng lên chùa để tham dự lễ Báo hiếu. Liệu cậu ta đã biết hối lỗi, đã biết sám hối về những tội lỗi do mình gây ra đối với mẹ cha, những người đã dứt ruột sinh thành và nuôi nấng mình lớn khôn? Hay sự hối hận ấy chỉ là giả tạo, là quá muộn vì không thể cứu vãn được gì…?
Sự xuất hiện của cậu ta trong lễ Báo hiếu chỉ nhận thêm lời bàn luận, chỉ trích và cả những câu chửi thầm của thiên hạ.
Câu chuyện đối xử tệ bạc, bất hiếu với mẹ cha của một người con trai, hàng xóm của tôi có lẽ không là duy nhất trong xã hội ngày nay. Việc cãi lại mẹ cha, làm cha mẹ phật lòng đã là không được, huống hồ những chuyện tày đình như chửi, đánh mẹ cha thì có lẽ trời không dung, đất không tha…
Vu lan về, mọi người, mọi nhà thường tới các ngôi chùa gần nơi mình sinh sống để hồi nhớ về công lao sinh thành dưỡng dục của mẹ cha, nhắc nhở mọi người phải sống sao cho phải đạo làm con.
Có một điều tôi thấy hơi buồn là, trong khi cha mẹ còn sống trên dương thế thì nhiều người con không biết quý trọng quãng thời gian ngắn ngủi được gần mẹ cha để phụng dưỡng, tri ân báo hiếu, làm mẹ cha vui. Đến khi cha mẹ mất đi rồi mới lo cúng lễ với mâm cao cỗ đầy, mới khóc lóc cảm thương…, như vậy cũng đâu giải quyết được vấn đề gì.
Chính vì vậy mà chúng ta hãy báo hiếu, hãy sống thật tốt, phải đạo, luôn tạo niềm vui khi mẹ cha còn sống…