Đối với nhiều phụ nữ, mua được một căn hộ là sự đảm bảo của họ trong tương lai.
Guo Miaomiao (32 tuổi) vừa mua một ngôi nhà mới ở miền Nam Trung Quốc. Sau khi ký hợp đồng tậu bất động sản, cô gái đã tận hưởng rất nhiều điều bản thân ao ước với tư cách một chủ nhà. Chẳng hạn như trong phòng khách có chiếc ghế sofa bọc da, hay trần nhà đèn hình quả bí mà cô đã để mắt trên mạng từ rất lâu.
Tuy nhiên với Guo Miaomiao, điều quan trọng nhất khi sở hữu nhà là thách thức những kỳ vọng của nhiều người Trung Quốc về vai trò của phụ nữ trong hôn nhân.
Guo Miaomiao đang làm việc tại một công ty công nghệ ở thành phố Quảng Châu. Cô chia sẻ: “Tôi đã chứng kiến quá nhiều trường hợp hôn nhân của người thân, bạn bè. Chồng cô ấy mua một căn nhà, sau đó anh ta bảo cô đi ra ngoài khi họ vừa cãi nhau.
Việc tự mua nhà giúp tôi tin rằng nếu kết hôn, tôi không sợ bất cứ điều gì. Dù có rời bỏ anh ta, tôi vẫn có thể sống độc lập”.
Guo Miaomiao và nhiều trường hợp khác là nguyên nhân thúc đẩy tỷ lệ mua nhà của nữ giới chưa kết hôn tại Trung Quốc tăng cao – một xu hướng trong thị trường bất động sản “tấn công” vào những định kiến giới tính tồn tại rất lâu tại đất nước tỷ dân.
Trong nhiều thế kỷ trước, nhiều người vẫn mặc định rằng, bất kể thu nhập bao nhiêu, nam giới đều phải mua nhà mới đủ điều kiện kết hôn. Ngược lại, với những phụ nữ đã lập gia đình, ngôi nhà của chồng thực sự trở thành căn nhà duy nhất của họ. Vì số đông phụ nữ sau khi kết hôn không được còn coi là một phần của gia đình ruột thịt. Thực tế này đã được thể hiện trong một câu nói truyền thống của người dân Trung Quốc: “Con gái lấy chồng giống như như bát nước đổ đi”.
Hiện nay, ngày càng nhiều phụ nữ Trung Quốc muốn sở hữu nhà riêng. Điều này phần nào được thể hiện qua một cuộc khảo sát gần đây của China Youth Daily – một tờ báo của nhà nước. Số liệu cho thấy gần 94% người tham gia tán thành khi được hỏi phụ nữ độc thân có nên mua bất động sản hay không. 2/3 trong số đó cho rằng mua nhà thể hiện mong muốn bình đẳng giới. Theo một cuộc khảo sát của chính phủ Trung Quốc vào năm 2020 cho thấy tỷ lệ phụ nữ chưa kết hôn sở hữu tài sản lớn đã tăng từ 6,9% lên 10,3% so với một thập kỷ trước đó.
Trên mạng xã hội Trung Quốc, các đại lý bất động sản đã bắt đầu nhắm đến đối tượng khách hàng là phụ nữ độc thân. Họ đăng tải các video quảng cáo đi kèm hashtag như “một căn nhà nhỏ phù hợp với quý cô độc thân”.
Wang Mengqi (Trợ lý giáo sư về ngành Nhân loại học tại Đại học Duke Kunshan ở Tô Châu) đã nghiên cứu nhiều mô hình mua bất động sản của giới trẻ Trung Quốc. Ông nhận định về thực tế mua nhà của phụ nữ độc thân là “sự thức tỉnh về quyền” của phái nữ.
Các yếu tố như lo ngại về suy thoái kinh tế và lối sống độc lập ngày càng phổ biến đã khiến nhiều thanh niên Trung Quốc “nói không” với kết hôn… Từ đó, sở hữu một căn nhà càng sớm càng tốt là sự đảm bảo của họ cho tương lai.
Quay lại với Guo Miaomiao, cô nàng cho hay đã cảm thấy bất an về nhà ở ngay khi còn nhỏ. Cô lớn lên trong một đại gia đình có 8 anh chị em ở tỉnh Quảng Đông. Bấy giờ, người thân và bạn bè của cô đều nói rằng một khi kết hôn, Guo Miaomiao sẽ không thể sống cùng với bố mẹ đẻ nữa.
Tự nhận có bản tính nổi loạn, Guo Miaomiao đã sớm hình thành quyết tâm mua cho mình một căn nhà. Sau khi tốt nghiệp Đại học, cô nàng làm việc tại một số thành phố lớn trên khắp Trung Quốc và theo đuổi những cơ hội việc làm đầy tham vọng. Trong 5 năm qua, cô nàng đã tiết kiệm được 70.000 USD (1,6 tỷ đồng). Vào tháng 3 năm nay, ước mơ mua nhà của cô đã trở thành hiện thực.
“Tôi muốn chứng minh cho mọi người thấy rằng phụ nữ không bị giới hạn bởi lựa chọn duy nhất là kết hôn. Tôi có thể có nhiều lựa chọn khác”, cô Guo nói.
Bên cạnh những thay đổi trong quan điểm sống, sự gia tăng thu nhập cũng thúc đẩy tỷ lệ phụ nữ độc thân mua nhà. Theo thống kê chính thức, vào năm 2021, số phụ nữ Trung Quốc học đại học đã vượt qua số lượng nam giới. Và số lượng lao động nữ ở khu vực thành thị đã tăng gần 40% so với một thập kỷ trước.
Ngoài ra, sự phát triển của pháp luật cũng khiến những người vợ nhận thức rõ hơn về rủi ro tài chính khi sống trong một ngôi nhà do chồng sở hữu.
Cụ thể, cho đến năm 2011, toà án Trung Quốc vẫn coi nhà là tài sản chung của gia đình trong các vụ ly hôn. Tuy nhiên trong những năm gần đây, khi giá thành bất động sản và tỷ lệ ly hôn ngày càng tăng cao, toà án đã phán quyết rằng tài sản có được trước khi kết hôn chỉ thuộc về người đã trả tiền đặt cọc hoặc mua thẳng tài sản. Điều này khiến nhiều phụ nữ trở thành người “vô gia cư” sau khi ly hôn, kể cả khi họ đã cùng chồng trả một phần khoản thanh toán thế chấp khi vay nợ mua nhà.
Sự thay đổi của hệ thống pháp luật đã giúp Zhang Ye – một kế toán 27 tuổi ở thành phố Tây An, thuyết phục bố mẹ giúp đỡ mua một căn hộ. Zhang Ye lập luận, dù sao cô cũng phải giúp chồng tương lai trả khoản vay mua nhà. Do đó, việc sở hữu tài sản riêng sẽ là một khoản đầu tư tài chính khôn ngoan và an toàn hơn.
“Nếu không mua nhà thì sau khi kết hôn, tôi sẽ phải cùng chồng trả tiền thế chấp vay nợ mua nhà, mà vẫn có rủi ro tôi không thể sở hữu bất động sản đó”, cô kể.
Ở diễn biến khác, nhiều quan niệm truyền thống cũng có thể làm “nản lòng” những phụ nữ độc thân đang có ý định mua nhà. Trên mạng xã hội, nhiều cô nàng chia sẻ rằng người đàn ông mà họ hẹn hò thông qua dịch vụ mai mối đã trở nên “ít quan tâm hơn” khi họ biết rằng cô sở hữu tài sản riêng.
Bạn trai 5 năm của Zhang Ye đã phản đối khi cô nàng chia sẻ bản thân quyết định mua một căn nhà. Anh ta lo rằng điều đó sẽ khiến cô nàng mất khả năng giúp đỡ trả tiền thế chấp mua nhà của cả hai sau khi họ kết hôn. Tuy nhiên, Zhang Ye đã phớt lờ anh ta.
“Tôi không còn cố gắng thuyết phục anh ta nữa. Kể từ khi còn nhỏ, bất cứ quyết định nào đưa ra, tôi đều kiên trì theo đuổi đến cùng”, Zhang Ye nhấn mạnh.