Người cha U.60 vừa làm bảo vệ vừa chạy xe công nghệ: Gom từng đồng, quyết tìm ánh sáng cho c-o-n

 

Suy sụp nghe bác sĩ thông báo con gái bị glocom bẩm sinh có thể không nhìn thấy gì, người cha U.60 vừa làm bảo vệ vừa miệt mài chạy xe công nghệ gom từng đồng đi tìm ánh sáng cho con.

Ba thương con vì con giống mẹ/Mẹ thương con vì con giống ba…

Vừa tan ca bảo vệ ở Trường mầm non Hoa Lan (Q.Gò Vấp, TP.HCM), ông Hà Kim Sơn (54 tuổi) ngồi ghế đá ôm đàn guitar hát. Từng câu từ quen thuộc, nhưng cảm xúc khi ông hát bài này vẫn nguyên vẹn, ánh mắt vẫn chất chứa hạnh phúc như ngày vợ chồng ông chào đón con gái khi mái tóc đã điểm bạc.

Ông Sơn làm bảo vệ tại Trường mầm non Hoa Lan (Q.Gò Vấp) được 25 năm - Ảnh: Vũ Phượng

Ông Sơn làm bảo vệ tại Trường mầm non Hoa Lan (Q.Gò Vấp) được 25 năm

Ảnh: Vũ Phượng

Hạnh phúc đến muộn

Sau cuộc hôn nhân dang dở, năm 2016, ông Sơn lập gia đình với bà Nga – một người quen cũ, cũng từng qua một lần đò. Năm 2017, vợ chồng ông lâng lâng chào đón thành viên mới của gia đình nhỏ.

Niềm vui ấy kéo dài chẳng bao lâu khi bác sĩ chẩn đoán bé bị glocom bẩm sinh, có thể không nhìn thấy ánh sáng. Suy sụp. Sau nhiều lần thăm khám, bác sĩ dự tính cần tới hơn 1 tỉ đồng để cho bé điều trị ở Thái Lan.

“Số tiền đó quá xa vời với người làm bảo vệ, chạy thêm Grab như tôi. Vậy là vợ chồng tôi chạy đôn đáo mượn khắp nơi, gia đình, họ hàng có bao nhiêu tiền cũng gom lại để trị bệnh cho bé”, ông Sơn kể.

Vợ con qua Thái Lan nhập viện, ông Sơn ở nhà miệt mài chạy xe sau ca trực bảo vệ. Nỗ lực kiếm tiền bất kể nắng mưa để bù đắp những thiệt thòi của con. Ngày con vào ca mổ, ông quỳ chắp tay trước tượng Phật cầu nguyện phép màu. Hơn 1 tiếng đồng hồ, vợ gọi điện thoại báo ca mổ thành công, ông nức nở ngay trong chùa, mặc kệ những ánh mắt xung quanh, người đàn ông tóc điểm bạc vẫn nấc lên như một đứa trẻ.

Người cha già tâm sự: “Sau ca mổ, mắt phải của bé vẫn không nhìn thấy gì. Mắt trái có thể nhìn thấy lờ mờ, đó là một điều kỳ diệu với gia đình tôi. Con gái đến với cuộc đời có thể nói là cột mốc thay đổi cuộc đời vợ chồng tôi. Gia đình khó khăn hơn, bạn bè con lớn hết rồi, tôi đưa bé đi học, đi chơi, người ta tưởng là ông ngoại không hà. Nhưng tôi vẫn hạnh phúc, tự hào nói đó là con gái tôi đó”.

Vì bé chỉ thấy ánh sáng lờ mờ, viết chữ phải cúi sát ở khoảng cách tầm 10 cm mới thấy đường nên ông Sơn cho con theo học tại Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (Q.10). Quãng đường từ nhà đến trường gần 10 km, mỗi ngày vừa đưa đón con, ông vừa kể cho con nghe thế giới xung quanh mình tươi đẹp thế nào.

Vì vậy, hạnh phúc của ông cũng đơn giản chỉ là những lần nghe con gái nói: “Ba ơi, bông hoa này màu đỏ” hay “Ba ơi, đây là tòa chung cư”, “Ba ơi…”.

Sau ca trực bảo vệ, ông Sơn khoác lên mình chiếc áo tài xế công nghệ và bắt đầu công việc thứ hai - Ảnh: Vũ Phượng

Sau ca trực bảo vệ, ông Sơn khoác lên mình chiếc áo tài xế công nghệ và bắt đầu công việc thứ hai

Ảnh: Vũ Phượng

Những cuốc xe mở ra ánh sáng đời con

Ông Sơn có thâm niên 25 năm làm bảo vệ và bắt đầu chạy thêm GrabBike từ cuối năm 2016. Rành rọt đường sá TP.HCM, cộng thêm sự giúp đỡ của đồng nghiệp vào trước, công việc này với người tài xế U.60 “dễ như trở bàn tay”.

Ngày nào cũng vậy, khoảng 8 giờ sáng xuống ca bảo vệ, ông liền khoác lên mình chiếc áo Grab màu xanh, kẹp ba lô đồ phía trước rồi mở ứng dụng. Có lẽ vì vậy nên ai ở trường cũng biết bác bảo vệ đang làm cùng lúc 2 nghề. Biết hoàn cảnh gia đình ông, ông Lê Tấn Hòa (cùng làm bảo vệ) hỗ trợ chia ca để ông thuận lợi chạy xe, đưa đón con.

Chạy khắp nơi đến khoảng 15 giờ, ông điều hướng về trường của con để chờ đón con về nhà. Ngày có cuốc, ngày không nhưng chưa khi nào ông đón con trễ giờ. Sau khi dạy con học bài, chơi cùng con, tối đến vợ về, ông lại tranh thủ chạy thêm vài cuốc xe đêm.

Chưa bao giờ ông đón con trễ giờ - Ảnh: Thanh Chiêu

Chưa bao giờ ông đón con trễ giờ

Ảnh: Thanh Chiêu

“Sáng tôi bận thì nhờ anh ruột chở bé đến trường giúp. Ở trường tôi cứ phải chuẩn bị xong xuôi hết mới mở ứng dụng vì mở là có khách liền”, ông nói.

Dầm mưa dãi nắng với những cuốc xe gần 7 năm qua, nhiều ngày về đến nhà mệt rã rời hay có khi bị “boom” hàng, bị lừa tiền ship… nhưng chưa bao giờ ông than với vợ một câu vì không muốn vợ phải buồn. Những chuyện như vậy, ông liên hệ tổng đài Grab để được hỗ trợ và chia sẻ lên nhóm các bác tài để mọi người cùng rút kinh nghiệm.

“Chạy xe mệt cỡ nào về nhà nghe con gái hỏi “Ba ơi nay ba mệt không” là bao nhiêu mệt mỏi tan biến hết sạch. Giờ tôi 54 tuổi, con mới 6 tuổi. 10 năm nữa con 16 tuổi, tôi 64 tuổi thì chỉ có chạy xe công nghệ mới kiếm tiền được lo cho con ở độ tuổi đó. Ước mơ của cả cuộc đời tôi chỉ gói gọn trong việc chữa bệnh cho con gái”, tài xế GrabBike cười nói.

Nghề tài xế công nghệ giúp ông Sơn có thêm chi phí trang trải cuộc sống gia đình - Ảnh: Thanh Chiêu

Nghề tài xế công nghệ giúp ông Sơn có thêm chi phí trang trải cuộc sống gia đình

Ảnh: Thanh Chiêu

Giờ tôi 54 tuổi, con mới 6 tuổi. 10 năm nữa con 16 tuổi, tôi 64 tuổi thì chỉ có chạy xe công nghệ mới kiếm tiền được lo cho con ở độ tuổi đó. Ước mơ của cả cuộc đời tôi chỉ gói gọn trong việc chữa bệnh cho con gái.

Thỉnh thoảng nhìn các bạn ngang tuổi con tung tăng đến trường ông cũng thấy chạnh lòng. Nhưng đến trường con, nhìn con mình đang dẫn đường cho các bạn khiếm thị đi, ông thấy gia đình vẫn còn may mắn.

Ông bộc bạch: “Mỗi ngày chạy xe tôi kiếm được vài trăm ngàn giúp cuộc sống ổn định hơn, có thể đóng học cho con, mua đồ linh tinh, lo tiền ăn hằng ngày. Ngày nào được khách tip thêm hay có dư chút đỉnh, tôi lại bỏ vào con heo ở nhà để dành tiền sau này tìm ánh sáng cho con. Có con gái là điều tuyệt vời lắm”.

Không gian riêng của gia đình nhỏ chỉ rộng chừng 14 m2 chất đầy gấu bông, đồ đạc được sắp xếp gọn gàng, ấm cúng - Ảnh: Vũ Phượng

Không gian riêng của gia đình nhỏ chỉ rộng chừng 14m² chất đầy gấu bông, đồ đạc được sắp xếp gọn gàng, ấm cúng

Ảnh: Vũ Phượng

Bà Lê Thị Ánh Nga (46 tuổi), vợ ông Sơn hiện là giáo viên ở Trường mầm non Hướng Dương (Q.Gò Vấp) cũng bộc bạch, hai vợ chồng đã từng tuyệt vọng khi thấy con sinh ra bị glocom bẩm sinh.

“Tôi từng nghĩ chắc không thể vượt qua vì số tiền điều trị quá lớn, nhưng với sự giúp đỡ của mọi người, chồng cũng miệt mài vừa làm bảo vệ vừa chạy xe mà gia đình trang trải được đến ngày hôm nay. Chồng tôi làm rất vất vả, nhưng về đến nhà lúc nào cũng nhẹ nhàng với vợ con”, bà Nga bày tỏ.

Theo ông Hà Kim Lâm (56 tuổi, anh trai ông Sơn), từ khi sinh ra, con gái ông Sơn đã không nhìn thấy gì. Sau phẫu thuật, 1 mắt của bé có thể nhìn thấy lờ mờ nên ngoài công việc chính, vợ chồng ông Sơn đã phải cùng nhau làm thêm để chữa bệnh cho con.