Thấy tôi ú ớ không biết chính xác quan hệ bà con họ hàng, mấy người anh con ông bác họ ở quê cười nhạo, gọi tôi là ‘mất gốc’.
Quê tôi ở Tứ Kỳ, Hải Dương. Vợ tôi quê ở Thủy Nguyên, Hải Phòng. Trước kia, khi bố mẹ hai bên còn sống, chúng tôi thường xuyên phải về cả hai quê để ăn Tết mỗi năm. Hầu như chưa năm nào chúng tôi không về ăn Tết với gia đình một bên nào đó.
Hiện nay, đất cát của bố mẹ đã thuộc sở hữu của anh em ở quê (tôi có một anh trai, một em trai và một em gái út). Vợ chồng tôi hầu như không được thừa hưởng bất cứ thứ gì của bố mẹ để lại. Trong khi đó, những ngày giỗ hoặc xây mồ mả, tiền nong đều chia đủ cho anh em trong nhà. Tất nhiên, chúng tôi chẳng ý kiến gì về việc đó để giữ mối quan hệ anh em, giữ tình thân ruột thịt.
Nhưng gần đây, tôi không hài lòng về chuyện ngày Tết, anh em cứ rủ tôi đi thăm hết người này đến người kia. Mỗi lần như vậy, họ lại bảo tôi chuẩn bị hết quà cáp. Về sau, con tôi còn bảo: “Sao bố cứ để mọi người điều khiển, phải làm theo ý họ vậy?”. Nghe vậy, tôi cũng thực sự khó nghĩ.
Tôi đi bộ đội từ năm 1972, đến năm 1976 tôi chuyển ngành rồi lập nghiệp ở Quảng Ninh cho đến bây giờ. Con tôi và cháu tôi sinh ra và lớn lên ở Quảng Ninh, nên quê của chúng là Quảng Ninh. Từ khi tứ thân phụ mẫu về với cát bụi, tôi cũng ít về quê, trừ khi anh em đau ốm hoặc có đám hiếu hỷ, giỗ chạp. Đặc biệt, các con và cháu tôi nói rằng “không hào hứng” khi phải về nơi gọi là quê ấy.
>> ‘Họ hàng quen mặt nhưng chẳng biết tên’
Cách đây một tháng, tôi về viếng đứa cháu (con trai của anh tôi) bị đột tử ở tuổi 46. Trong lúc ngồi uống nước cùng với em trai và mấy anh con các ông bác họ (tôi chỉ biết là mình có họ với các anh ấy còn cụ thể thế nào thì không rõ), bỗng nhiên em tôi hỏi một câu: “Anh có biết bà của anh này quan hệ thế nào với bà đẻ ra mẹ mình không?”.
Từ lúc sinh ra đến giờ, tôi có biết ông bà nội, ngoại của mình là ai đâu? Các cụ mất từ khi nào cũng chẳng ai nói cho mà biết. Bố mẹ tôi lại không biết chữ, trước khi đi chiến đấu, tôi gửi thư về thăm bố mẹ nhưng họ không nhờ được người đọc giúp lá thư ấy nên mãi về sau mới biết là tôi đi chiến trường. Tôi xa quê từ lâu nên giờ càng khó để nhận biết các thế hệ đời sau.
Qua câu hỏi của em trai, tôi thấy rất buồn nên trả lời rằng “chỉ biết nhà mình với nhà anh ấy có họ và gọi bố anh ấy là bác”. Thế là họ cười nhạo, coi tôi là “người mất gốc”. Mặc dù khi bố mẹ còn sống, vợ chồng tôi rất quan tâm đến gia đình ở quê, bản thân bố mẹ tôi cũng nhận xét như vậy. Trước mặt mọi người, bố tôi còn nói: “Trong mấy đứa con, mày là thằng tốt nhất”. Ấy vậy mà giờ không ngờ chính những người anh em ruột thịt lại nói về tôi như vậy.
Quả thực, bây giờ tôi không biết phải làm thế nào? Liệu tôi có nên tiếp tục về quê thăm anh em, họ hàng mỗi năm nữa không?