Tết đang đến gần, việc tụ tập với người thân là điều không thể tránh khỏi. Dù vui vẻ tới đâu, cũng không nên khoe khoang 3 điểm này, kẻo người chuốc phiền hà, mỏi mệt lại chính là con của bạn.
Chia sẻ của chú Triệu, 71 tuổi, trên MXH Toutiao (Trung Quốc) nhận được rất nhiều hưởng ứng của người theo dõi.
***
Tại sao tôi lại khuyên bạn như vậy? Đây là trải nghiệm của chính bản thân tôi, mong rằng bạn có thể suy ngẫm để tránh phiền lòng cho mình và khó xử, mệt lòng cho chính con cái mình.
1. Đừng bao giờ khoe khoang sự nghiệp của con cái
Cha mẹ đều mong con cái thành đạt. Mong muốn lớn nhất của cha mẹ là được nhìn thấy con mình có một tương lai tươi sáng. Kể từ khi con trai trúng tuyển vào trường y, tôi cảm thấy lưng mình lúc nào cũng có thể ưỡn thẳng, tôi cũng thích đi ra ngoài hơn. Hễ gặp ai quen biết tôi cũng đều hỏi tình hình con cái họ, đợi tới khi người ta hỏi ngược lại về con trai mình, tôi sẽ rất tự hào nói với họ, con trai tôi học y, giờ tốt nghiệp rồi, đang làm việc tại bệnh viện lớn trên thành phố. Mỗi lần như vậy tôi đều rất vui.
Nói về con trai, vợ chồng tôi luôn rất tự hào, chúng tôi có trình độ học vấn thấp, còn con trai cả tôi từ nhỏ đã thích học hành, sau khi tốt nghiệp cao học, nó ở lại Bệnh viện Đại học Y. Năm đó tôi mời họ hàng đến ăn cơm, mọi người rất bất ngờ, nghĩ một người tiết kiệm, ít khi tiêu tiền hào phóng như tôi tại sao bỗng nhiên lại mời mọi người ăn cơm, lại còn là đi ăn ở nhà hàng, em trai tôi tò mò hỏi không biết năm nay có chuyện vui gì.
Tôi tự hào kể chuyện con trai làm việc tại một bệnh viện lớn ở thành phố, ai nấy đều khen ngợi và xin số điện thoại cũng như tài khoản mạng xã hội của con trai tôi.
Em trai tôi khi đó còn ghen tị tới mức nói ở lại thành phố thì có gì hay ho, giá nhà vừa cao lại vừa ô nhiễm. Cậu em này của tôi có một cái tật đó là luôn thích so sánh với tôi, cái gì cậu em cũng giỏi hơn tôi, duy chỉ có con cái là không bằng con trai tôi. Con trai của cậu ấy không thi đỗ đại học, sau này ở lại quê làm việc, vậy cho nên khi biết con trai tôi làm bác sỹ tại một bệnh viện lớn, cậu ấy tỏ ra ghen tị ra mặt.
Nhưng tôi không ngờ rằng cuộc sống của con trai tôi sẽ gặp rắc rối vì cái tính sĩ diện này của tôi, một người bạn của em trai bị ốm, bệnh viện ở huyện không đủ năng lực, cậu em đem chuyện này kể với tôi, tôi lúc đó lại vì muốn khoe con trai nên tôi đã rất hào sảng nói mình có mối quan hệ ở bệnh viện trên thành phố lớn, bảo em trai đưa người bạn đó lên bệnh viện chỗ con trai tôi làm để chữa trị.
Em trai tôi đưa bạn bè lên thành phố mà không gọi điện trước cho con trai tôi, sau khi đến nơi, em trai gọi điện cho con trai tôi và nhờ thằng bé tìm cho mình một khách sạn hạng sao, sắp xếp chỗ ở cho chú và bạn, sau đó bảo con trai tôi đãi họ bữa tối ở một nhà hàng thật ngon.
Sau bữa tối, con trai xin phép quay về làm việc thì em trai tôi vẫn chưa buông tha, nói muốn con trai đưa hai chú đi thăm thú, tiền cũng đều là con trai tôi bỏ ra, cậu con trai tôi tính tình thật thà, không biết từ chối ra sao vì dẫu sao cũng là chú ruột của mình, vậy nên em trai tôi nói gì, con trai đều cắn răng nghe lời.
Mặc dù làm trong một bệnh viện lớn nhưng cũng chỉ là người mới đi làm, đứng trước những người có quyền lực lớn hơn, con trai tôi không có tiếng nói, nó đành phải bỏ tiền ra để móc nối quan hệ mới giúp bạn của em trai lên khám sớm, kết quả mấy ngày giời tiêu hết hơn chục triệu bạc, con trai mệt mỏi, gọi điện về phàn nàn với tôi, “Bố, bố bảo chủ đừng nói là mình có quan hệ này kia nữa được không, khó khăn lắm con mới tiết kiệm được chút tiền, giờ cũng hết rồi.”
Sau đó, người bạn này khỏi bệnh, rồi người thân của anh ta khi bị bệnh cũng tìm đến con trai tôi, con trai không biết làm thế nào mới tốt, sợ rằng nếu cứ tiếp tục giúp thì câu chuyện này sẽ không bao giờ kết thúc, nhưng nếu không giúp thì lại sợ ba và chú mất mặt, vì vậy, tôi nói với con rằng “Con đổi số điện thoại đi, để ba nói với chú, con vì mắc lỗi trong công việc nên bị chuyển công tác rồi.”
Con trai lúc đầu không muốn, nói tôi tại sao lại phải nói như vậy, tôi nói nếu không nói như vậy, họ sẽ còn tới tìm con, bạn bè rồi người thân của bạn bè, cứ như vậy thì con biết phải làm sao.
Con trai lúc này mới miễn cưỡng đồng ý, tôi còn dặn con lúc nào về nhà thì ăn mặc đơn giản một chút, quần áo ngày xưa bỏ ra giặt sạch rồi cứ về quê thì lấy ra mặc, để họ thấy con sống ở trên thành phố cũng vất vả chứ không sung sướng gì.
Năm ngoái cũng vẫn có rất nhiều người tìm tới con trai tôi, nhưng tôi lập tức từ chối, không phải không muốn giúp, mà thực sự không thể giúp được.
2. Đừng khoe thu nhập và tiền thưởng cuối năm của con cái
Tôi vốn không nên khoe khoang thu nhập của con gái út, con gái tôi sau khi tốt nghiệp đại học đã đi làm trong một công ty có vốn nước ngoài ở thành phố, công việc căng thẳng, cạnh tranh gay gắt nhưng lương lại cao hơn nhiều so với người lao động bình thường. Mức lương một năm có thể là gần 1 tỷ, thưởng cuối năm cũng có lúc lên tới cả trăm triệu.
Con gái là niềm kiêu hãnh của tôi, và tôi thường xuyên không nhịn được mà khoe con trước mặt họ hàng, sau này con trai của anh tôi lấy vợ muốn mua nhà nhưng không đủ tiền nên chị dâu đã nhờ tôi vay con gái vài trăm triệu, chị dâu nói con gái tôi đi làm nhiều năm như vậy, lương cao nên chắc cũng tiết kiệm để ra được nhiều, số tiền đó chắc không là gì với con bé.
Mặc dù đúng là số tiền đó không là gì với con gái, ở thành phố phải chi tiêu nhiều, đắt đỏ nên con gái nói rằng nhiều nhất cũng chỉ có thể cho vay 100 triệu, chị dâu tôi nghe xong không vui, nói con gái tôi không coi trọng anh họ, không coi trọng bác ruột. Người chị dâu này của tôi tính tình vốn như vậy, nghĩ gì nói nấy, tuyệt đối không kiêng nể ai.
Sau đó chị dâu đem chuyện này đi kể với mẹ tôi, mẹ tôi vốn trọng nam khinh nữ, luôn cho cháu trai hơn cháu gái, nghĩ rằng con gái giỏi giang tới mấy sau này cũng đi lấy chồng, là con nhà người khác, con trai cháu trai mới là con nhà mình liền gọi điện cho con gái tôi, kêu nó cho anh họ vay tiền mua nhà, con gái tôi tủi thân nói ở thành phố mức sống cao, bản thân cũng cần có tiền phòng thân, nhiều nhất cũng chỉ có thể cho vay 200 triệu.
Mẹ tôi không chịu, mắng cháu gái mình keo kiệt, cuối cùng mẹ ra lệnh cho tôi tôi thuyết phục con gái, tôi biết con gái cũng không dễ dàng gì, nhưng cũng không dám từ chối mẹ, người già huyết áp cao, nếu để vì chuyện này mà lỡ có chuyện gì xảy ra thì tôi hối hận không kịp.
Sau đó tôi đi vay người khác thêm tiền rồi đưa cho con gái để con gái gửi cho bác số tiền mà ban đầu bác muốn vay. Lúc này, chị dâu tôi mới để yên cho cả nhà. Vợ tôi biết chuyện đã mắng tôi nói tôi rước họa cho con gái, rồi cứ như vậy, sau này lại có người khác tìm con bé để vay thì phải làm sao.
Chuyện này đã dạy cho tôi một bài học. Sau này, một người họ hàng xa của tôi không hiểu sao biết con gái tôi đang làm việc ở công ty nước ngoài đã đến gặp tôi và hỏi vay tiền, tôi lập tức từ chối.
Sau này, tôi cũng kể lại với người thân rằng công ty nước ngoài sa thải nhân viên và con gái tôi cũng bị sa thải, giờ cháu chỉ là một nhân viên bình thường, trừ tiền nhà, tiền ăn uống sinh hoạt đi thì giờ cũng chỉ đủ sống.
Chị dâu nghe xong tin này liền bóng gió nói con gái tôi cũng có ngày này, nói rằng xưa khi chị dâu vay tiền, con gái đã đối xử với chị ấy ra sao, hoàn toàn không nghĩ tới chuyện cuối cùng vẫn cầm đủ số tiền mà mình muốn vay. Con gái nghe chuyện cũng chỉ cười cho qua, nói người thân cũng có người nọ người kia, đôi khi sự bạc bẽo của người thân còn tàn khốc hơn sự bạc bẽo của tình người ngoài xã hội, trần trụi nhưng thực tế, và quả thực, không phải tất cả mọi người đều muốn bạn có một cuộc sống tốt.
3. Đừng khoe khoang về địa vị của ông bà thông gia
Con gái tôi có một công việc bình thường, không có gì đáng khoe khoang nhưng tìm được một người chồng khá tốt, con rể cao 1,8 mét, điều kiện gia đình khá giả, bố mẹ đều là quan chức nhà nước. Con rể không ỷ lại vào bố mẹ, con gái và con rể tôi là bạn cùng lớp đại học, con rể sau khi tốt nghiệp đã ra nước ngoài học tiếp, con gái tôi sau khi ra trường đã đi tìm việc làm luôn. Con rể từ nước ngoài về, đi làm ở một công ty tư nhân, sau đó thì hai đứa kết hôn.
Ngày con gái và con rể về quê tổ chức tiệc, nhiều bà con hỏi ông bà thông gia làm nghề gì, tôi nói họ là quan chức, biết ông bà thông gia làm quan chức, người ta đều nói con gái tôi có phúc. Sau này, em họ tôi tìm con rể tôi nhờ giúp đỡ, con rể không giúp được gì nhưng gia đình con rể lại có thể, nhưng con rể tôi đã ngay lập tức từ chối vì biết cha mẹ mình ghét nhất là kiểu này.
Nhưng em họ tôi không bỏ cuộc, nhờ con rể tôi không được, cậu ấy tự mình tìm đến nhà con rể, vừa hay gặp con rể mang đồ về cho cha mẹ.
Gia đình thông gia rất khó xử, không giúp sợ con dâu khó xử, giúp rồi lại sợ người ta được nước lấn tới, giúp đỡ không biết bao nhiêu lần mới kết thúc, may mắn việc em họ nhờ vả không vi phạm quy tắc nên gia đình thông gia đã để cấp dưới đi làm thay.
Chuyện này đã để lại cho tôi một bài học vô cùng đắt giá. Kể từ đó về sau, tôi không hề nhắc tới chuyện thông gia nhà mình nữa.
Lời kết
Người xưa thường nói, khiêm tốn là một loại trí tuệ, khiêm tốn luôn là lựa chọn sáng suốt. Khoe khoang chỉ có thể cho ta niềm vui nhất thời, tuy nhiên, niềm vui nhất thời này sẽ mang đến rất nhiều phiền toái mà ta có thể không ngờ tới.
Con cái bên ngoài dù có dư dả tới mấy thì đó cũng là tiền mồ hôi công sức, áp lực sinh tồn bên ngoài là rất lớn, nhưng chúng đôi khi không thể từ chối yêu cầu của người lớn trong nhà, vậy nên chỉ cần cha mẹ biết con mình đã đạt được những thành tựu gì là đủ.
Người khiêm tốn là người có trí tuệ, làm một bậc cha mẹ khiêm tốn, là bạn đã thắng rồi!