Các cụ dặn: Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi, mua muối để làm gì?

Muối là món hàng mua đầu năm được coi là mua để lấy hên, lấy lộc, bởi “của mua là của được”.

Đi lễ chùa, lễ đền đầu năm, nhiều người được mời mua gói muối nhưng không thực sự hiểu tại sao đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi.
Empty

Ý nghĩa tục ‘đầu năm mua muối’

Người ta hay mua muối ngay sáng sớm mùng 1 Tết với hàm ý cầu cả năm đậm đà, ý vị. Còn trong ngày cuối năm, người xưa hay mua vôi để quét lại nhà, cổng với hy vọng tránh được những điều xui rủi, hay ngụ ý làm nhà làm cửa.

Tập tục đầu năm mua muối của người Việt Nam đã được truyền qua nhiều thế hệ. Vào ngày đầu tiên của năm mới, người ta sẽ mua muối mang về nhà, đây gọi là “muối lộc” để đón nhận may mắn và cầu mong một năm mới đủ đầy, ấm no.

Theo người xưa, muối là một thứ mặn, có tác dụng trừ tà khí, chống xú uế, xua đuổi tà ma, và đem lại nhiều may mắn trong gia đình. Bên cạnh đó, muối còn có ý nghĩa trong tình cảm, mang đến sự mặn mà, gắn kết cho các thành viên trong gia đình, sự hòa thuận giữa vợ chồng, con cái.

Tục mua muối đầu năm còn là cách cha mẹ nhắc nhở con cái “ăn dè, ăn nhịn”, tiết kiệm để dành tiền “cuối năm mua vôi” xây nhà.

Sau khi mang muối về nhà, người ta có thể chia ra thành từng túi nilon nhỏ hay túi vải, phong bao lì xì… vừa cho đẹp mắt mà lại tiện cất giữ. Người làm kinh doanh buôn bán có thể đặt túi muối ở quầy hàng để cầu may mắn về tài lộc, đi du lịch xa cũng đặt túi muối trong vali để lộ trình được bình an.
Empty
Ý nghĩa tục ‘cuối năm mua vôi’ 

“Cuối năm mua vôi” là để xây nhà, trang hoàng cho nhà cửa sạch sẽ, sáng sủa để đón chào một năm mới tràn đầy hy vọng. Vôi trát nhà còn là để xóa bỏ những vết tích của năm cũ, sửa chữa những sai lầm, khôi phục những thất bát đã qua.

Bên cạnh đó, cuối năm mua vôi còn là để tiếp vôi cho “ông bình vôi”, vật dụng dùng để ăn trầu của các cụ ngày xưa. Tuy nhiên, người ta chỉ bổ sung ông bình vôi vào cuối năm, tránh thêm vôi vào đầu năm vì sợ “bạc như vôi”.