“Quỹ đạo” nghề nghiệp của mỗi người là điều mang tính cá nhân sâu sắc, chính vì vậy mà quan điểm, phát ngôn của những người giàu mới gây tranh cãi!
Bạn có tin vào câu: “Người giàu nói gì cũng đúng” không? Về mặt lý thuyết câu này còn được ngầm hiểu rằng là: “Vì nói đúng, làm đúng nên mới giàu; vì giàu nên nói mới có người nghe”, đó là những tư tưởng đưa người trẻ đến một định hướng phải lắng nghe người có tiền!
Châm ngôn gây tranh cãi của người giàu!
Thời gian gần đây, mạng xã hội liên tục tranh cãi về phát ngôn của Shark Nguyễn Hoà Bình: “Bản chất các bạn ban ngày đi làm kiếm tiền xong rồi về chơi, lướt Facebook, TikTok thì mình không gọi là kiếm tiền, mình chỉ gọi là kiếm sống thôi. Hai chữ ‘KIẾM TIỀN’ và ‘KIẾM SỐNG’ nó hơi khác nhau” – Nguyễn Hoà Bình.
Theo Shark Bình nếu bạn có đam mê, sau khi đi làm về nhà bạn sẽ dành hầu hết thời gian của mình cho đam mê ấy. “Còn nếu bạn dành thời gian cho việc giải trí, xem phim, nghe nhạc, chat chit… thì bản chất bạn chưa có đam mê. Như vậy, chúng ta chỉ có cuộc sống vật vờ, khó bứt phá, khó thành công được”.
Shark Lê Đăng Khoa cũng từng có một câu nói về công việc cùng với quan điểm “cần phải làm nhiều hơn thời gian ở văn phòng” của Shark Bình: “Các bạn trẻ phải làm 14 tiếng/ngày và đọc 6 quyển sách/tháng”.
Tất cả những điều này có hợp lý không khi mà “quỹ đạo” nghề nghiệp của mỗi người là điều mang tính cá nhân sâu sắc. Và cứ hễ làm 14 tiếng/ngày và đọc 6 quyển sách mỗi tháng là sẽ “thành công như Shark”?!
Quan điểm riêng: Công việc không phải là nghề nghiệp dù cả 2 cùng một mục đích là kiếm tiền!
Khi rất nhiều doanh nhân Việt khuyến khích hãy làm hết sức mình, làm bằng 24, 25 hay thậm chí lên đến 36, 48 giờ mỗi ngày để bám sát mục tiêu của bản thân thì quan điểm của các nhà triết học châu Âu lại “choảng” sự khuyến khích này. Như Russell, ông cho rằng “con người làm để sống chứ không phải sống để làm”, hai mệnh đề khác nhau này chắc chắn sẽ đưa bạn đến 2 lối sống khác nhau.
Tôi từng nhắc về 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau giữa Công việc (Jobs) và Nghề nghiệp (Career). Và theo tôi nó có liên quan đến việc người trẻ cần làm nhiều hay làm ít!
Công việc
Tôi định nghĩa công việc (Jobs) là thứ mà chúng ta phải có để duy trì cuộc sống và mức sống. Ngày xưa khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta làm thêm các công việc từ phục vụ, rửa chén đến nhân viên bán hàng, nhân viên bán thời gian.
Chúng ta cần những công việc ấy để duy trì cuộc sống, chi trả cho hoá đơn điện nước, ăn uống của chính bản thân mình. Ở châu Âu, công việc là thứ không thể thiếu với một sinh viên năm đầu vì không phải ai cũng đủ can đảm để nhận trách nhiệm nuôi bạn khi bạn đủ 18 tuổi. Điều khiến Công việc khác với Nghề nghiệp đó chính là bạn không cần yêu thích Công việc của bạn, cũng chẳng cần đi tìm lý tưởng, ý nghĩa cho việc bạn làm nó mỗi ngày. Bạn có thể làm nhiều hơn 1 Công việc nếu bạn muốn.
Nghề nghiệp
Còn nghề nghiệp là thứ bạn chọn để phát triển tương lai thông qua những cống hiến, sở thích, niềm đam mê cháy bỏng của mình. Nghề nghiệp đòi hỏi bạn phải thật sự có niềm đam mê, có chuyên môn, nó yêu cầu bạn dành thời gian cho nó nhiều hơn vốn thời gian của bạn. Nghề nghiệp xoay quanh việc thăng tiến, mang lại giá trị cho cuộc sống của bạn. Nó xuất phát từ một động cơ cụ thể được nung nấu trong tư tưởng của bạn, có những người từ khi mới sinh đã sở hữu những tư tưởng này.
Nếu muốn biết một người đang làm vì Nghề nghiệp hay vì Công việc hãy để tâm đến từng thứ họ làm vì “Cách mà họ làm một thứ là cách mà họ làm mọi thứ”!
Nghề nghiệp hay Công việc đều là để kiếm tiền vậy tóm lại…
Khi công việc không đòi hỏi điều gì ngoài sự chăm chỉ từ bạn thì nghề nghiệp đòi hỏi cao hơn. Cũng giống như quan điểm KIẾM TIỀN và KIẾM SỐNG của Shark Bình.
Hầu hết người thành công đều dùng quỹ thời gian của mình để kiếm tiền, thay vì giải trí và họ cho rằng đó là lời khuyên tốt nhất với những người trẻ. Điều này khiến một số bạn trẻ lầm tưởng bất kỳ công việc nào mà họ đang làm cũng cần dồn hết quỹ thời gian của họ trong khi khái niệm giữa Công việc và Nghề nghiệp vẫn còn chưa phân định được.
“Con người làm để sống chứ không phải sống để làm”
Theo nhiều người thành công quỹ thời gian mà người trẻ dành cho công việc nên nhiều hơn và nôm na là cần “hà khắc” hơn nữa với quỹ thời gian đó. Trong khi đó, 8 tiếng ngồi văn phòng bây giờ đang là nỗi ám ảnh của nhiều người trẻ. Sau 8 tiếng đó, họ chẳng đủ thời gian cho những việc khác và điều này khiến người ta không mấy thiết tha với công việc và nghề nghiệp của mình dẫn đến việc làm kém hiệu quả và không được như ý.
Năng suất làm việc là thứ mang tính cá nhân, mỗi người mỗi khác nhau và không nhất quán với nhau. Ngày nay có rất nhiều nơi không còn ưu tiên giờ giấc mà là năng suất làm việc và kết quả đạt được. Vậy nếu thành tựu là thứ được ưu tiên hàng đầu thì việc người trẻ làm nhiều hay làm ít, làm bao nhiêu giờ và giải trí ra làm sao có còn quan trọng?
Theo AFamily