Các nhà cổ sinh vật học khai quật một con cua cổ đại khổng lồ trên một bãi biển New Zealand với chiếc càng hóa thạch lớn nhất từng được phát hiện.
Hóa thạch càng cua của Pseudocarcinus karlraubenheimeri. Ảnh: Barry W.M. van Bakel
Loài cua khổng lồ phương Nam mới có tên khoa học Pseudocarcinus karlraubenheimeri. Mẫu vật nằm ở bãi biển Waitoetoe trên Đảo Bắc của New Zealand, cách Auckland khoảng 240 km, trong lớp trầm tích có niên đại cách đây 8,8 triệu năm, vào đầu thế Trung Tân (5,3 – 23 triệu năm trước). Con cua tương đối nguyên vẹn bị chôn vùi trong lớp bồi tích từ vụ phun trào núi lửa xa xưa từ Trung tâm núi lửa Mohakatino ngoài khơi. Khu vực núi lửa này hoạt động từ 8 đến 14 triệu năm trước.
P. karlraubenheimeri được mô tả trong bài báo đăng hôm 27/2 trên tạp chí Địa chất học và Địa vật lý New Zealand. Mẫu vật có thể sống ở độ sâu 200 – 600 m ở biển cổ đại.
Cua là loài giáp xác 10 chân. Hai chân trước của chúng là cặp càng. Nhiều loài cua có một càng lớn và một càng nhỏ. Loài cua tuyệt chủng đến từ New Zealand có chiếc càng lớn nhất từng được tìm thấy ở cua hóa thạch, dài khoảng 15 cm. Nhóm tác giả nghiên cứu đứng đầu là Barry W. M. van Bakel ở Đại học Utrecht chỉ ra thích nghi này phản ánh bản chất ăn thịt của chúng.
Trong số những loài cua còn sống và đã tuyệt chủng, cua khổng lồ Tasmania (Pseudocarcinus gigas) có chiếc càng lớn nhất. Càng của con đực có thể dài tới 47 cm. Loài giáp xác này phân bố khắp biển Tasmania và có thể phát triển đến 12 kg. P. karlraubenheimeri có thể là tiền thân của loài cua đồ sộ còn sống này. Điều kiện ở New Zealand vào thế Trung Tân cung cấp môi trường thuận lợi để P. karlraubenheimeri phát triển tới kích thước ngoại cỡ. Theo nhóm nghiên cứu, môi trường ấm và giàu dưỡng chất với trai, ốc sên và cua nhỏ tạo nên nguồn thức ăn dồi dào cho cua khổng lồ.
An Khang (Theo IFL Science/Cosmos Magazine)