Được mệnh danh là “Vùng đất Thánh”, Tây Ninh lưu giữ được nhiều công trình kiến trúc mang đậm giá trị văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo của dân tộc, Tháp cổ Bình Thạnh là một trong số đó. Nơi đây là điểm đến thu hút nhiều du khách muốn tham quan, khám phá, tìm hiểu về những giá trị xưa cũ mà ông cha đã gìn giữ hàng ngàn năm lịch sử.
|
1. Vị trí địa lý & Lịch sử hình thành của Tháp cổ Bình Thạnh
Nằm ẩn mình giữa đồng lúa bạt ngàn, nép bên hàng cây xanh mát, công trình Tháp cổ Bình Thạnh đứng sừng sững trên đài đất cao, là một trong số ít công trình theo lối kiến trúc đại diện cho nền văn hoá Óc Eo còn sót lại đến ngày nay.
1.1. Vị trí địa lý
Tháp cổ Bình Thạnh Tây Ninh tọa lạc tại ĐT786 ấp Bình Phú, xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, nằm bên hữu ngạn sông Vàm Cỏ Đông, giữa đồng lúa mênh mông của “Vùng đất Thánh”, cách trung tâm thành phố Tây Ninh khoảng 50km về phía Đông Nam. Đứng sừng sững trên khu đất cao, xung quanh là những hàng cây xanh mát, tòa tháp hiện lên với vẻ oai hùng, trang nghiêm, khác hẳn với sự ồn ào, tấp nập khu trung tâm thành phố.
1.2. Lịch sử hình thành
Theo tài liệu của Viện khảo cổ Đông Dương, Tháp cổ Bình Thạnh được xây dựng vào khoảng thời gian từ thế kỷ VIII đến thế kỷ IX. Cho tới đầu thế kỷ XX, công trình được Bộ Nghiên cứu Đông Dương phát hiện cùng Tháp Chót Mạt – Tây Ninh.
Tháp đã được tu sửa một lần trong thời kỳ Pháp thuộc, sau này được nhà nước trùng tu thêm 2 lần nữa vào năm 1998 và 2003. Hiện nay, tháp đang được tu bổ, tôn tạo lần tiếp theo, bắt đầu từ tháng 10/2023.
Hiện tại, bên trong tháp thờ phụng Linga và Yoni – biểu tượng của thần Shiva trong Ấn Độ Giáo. Đây là dấu ấn cho thấy sự ảnh hưởng sâu sắc của Ấn Độ giáo tới văn hóa của người Champa xưa. Tuy nhiên, Linga và Yoni của người Chămpa hơi khác biệt so với những địa phương khác.
Không chỉ là biểu tượng của thần Siva, Linga và Yoni ở Chămpa là biểu tượng của “Tam vị nhất linh” gồm Brahma, Vishnu và Siva, thể hiện yếu tố vương quyền ở Champa cổ. Mặt khác, điều này còn thể hiện triết lý về sự vận động của vạn vật, bao gồm 3 yếu tố tất yếu: sáng tạo (được sinh ra), bảo tồn (tồn tại và phát triển), hủy diệt (mất đi và chuyển sang cái mới).
2. Kiến trúc chủ đạo của Tháp cổ Bình Thạnh
Ban đầu, tổng thể khu di tích gồm 3 tòa tháp cao nhưng hiện nay chỉ duy nhất ngôi tháp chính phía Nam được giữ nguyên vẹn, hai tòa tháp còn lại chỉ để lại dấu tích là phần nền móng hình vuông. Ngắm nhìn tháp cổ, bạn sẽ nhận thấy phong cách kiến trúc nơi đây có đôi chút quen thuộc bởi tòa tháp được xây dựng từ những khối gạch thẻ và đá phiến xếp chồng khít lên nhau, tương tự như một số công trình Tháp Chăm nổi tiếng ở miền Trung nước ta.
Điều đặc biệt là giữa các khối gạch và đá không phát hiện mạch vữa, chúng được liên kết vô cùng chắc chắn mà không cần bất kỳ chất kết dính nào. Đây là một kỹ thuật xây dựng đặc biệt của người Chămpa cổ, đến nay vẫn là bài toán chưa có lời giải đáp.
Tòa tháp còn sót lại cao 10m, xây dựng trên nền đất cao hình vuông, mỗi cạnh dài 5m, tương ứng với 4 hướng Đông – Tây – Nam – Bắc. Cổng chính tòa tháp quay về hướng Đông, cao 2m và rộng 1m, được xây nhô hẳn ra ngoài, khung cửa ghép từ 4 phiến đá được đục đẽo, mài nhẵn sắc cạnh, phiến đá đặt phía dưới khoét lỗ tròn 2 bên để gắn con quay cánh cửa.
Cánh cửa nổi bật với họa tiết phù điêu khắc nổi ở các vách, phía trên đặt phiến đá hình chữ nhật cao 0,8m và rộng 2m chạm khắc hình bông cúc được cách điệu tinh xảo. Ba hướng còn lại xây dựng cổng giả, cũng được chạm khắc, đắp nổi hoa văn khéo léo. Mô-típ trang trí họa tiết lặp lại ở mỗi tầng và thu nhỏ dần lên cao. Mỗi họa tiết trên cổng đều mang ý nghĩa đặc biệt, bạn sẽ được hướng dẫn viên thuyết minh chi tiết khi đến đây.
3. Giá trị của Tháp cổ Bình Thạnh
Với những giá trị về văn hóa – nghệ thuật và văn hóa – lịch sử còn lưu giữ được, Tháp cổ Bình Thạnh đã được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia. Đây là điểm đến tâm linh nổi tiếng của du khách thập phương khi dừng chân tại Tây Ninh.
3.1. Giá trị văn hóa – nghệ thuật
Mỗi vùng đất đều sở hữu những bản sắc văn hóa – nghệ thuật riêng, được hình thành, phát triển và gìn giữ qua bao thế hệ. Vậy nên, khi đến Tháp cổ Bình Thạnh, du khách sẽ được tìm hiểu và trải nghiệm những thăng trầm của nền văn hóa Óc Eo ở Tây Ninh, đặc biệt là trong thời kỳ hưng thịnh nhất (thế kỷ XIII – thế kỷ IX), được thể hiện qua những hoa văn chạm khắc trên tháp và những dấu tích còn sót lại trong quần thể di tích.
Tinh hoa tín ngưỡng, lịch sử, văn hóa Óc Eo được thể hiện rõ rệt qua những nét chạm khắc hoa văn hình hoa lá, con người, thần linh… khéo léo và tinh tế trên các bức vách; kỹ thuật xây dựng không cần chất kết dính nhưng các khối gạch nung vẫn liên kết chặt chẽ với nhau của người xưa.
Qua đó có thể thấy, Tây Ninh là đầu mối giao thương quan trọng cách đây hàng ngàn năm. Nơi đây có sự giao thoa văn hóa, tín ngưỡng với Ấn Độ giáo trước khi người Việt đến vùng đất này vào thế kỷ 17. Ngoài ra, còn nhiều giá trị văn hóa tiềm ẩn khác tại đây mà các nhà sử học, nghiên cứu khảo cổ, nhà văn hóa học vẫn tiếp tục tìm tòi. Chính vì những giá trị này mà Tháp cổ Bình Thạnh Tây Ninh được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích Lịch sử Quốc gia ngày 23/07/1993.
3.2. Giá trị kinh tế – du lịch
Chính vì những giá trị văn hóa, lịch sử và nghệ thuật phong phú mà Tháp cổ Bình Thạch trở thành điểm đến du lịch nổi tiếng của tỉnh Tây Ninh. Du khách thập phương đến đây để chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật điêu khắc độc đáo, tìm hiểu về lịch sử và những nét đẹp văn hóa từ ngàn xưa. Điều này đã mang lại nguồn lợi kinh tế lớn từ du lịch cho mảnh đất miền Đông Nam Bộ này.
4. Thời điểm tham quan Tháp Cổ Bình Thạnh phù hợp nhất
Tháp cổ Bình Thạch thuộc tỉnh Tây Ninh, nơi có 2 mùa rõ rệt trong năm là mùa mưa (tháng 5 đến tháng 11) và mùa khô (tháng 12 đến tháng 4 năm sau). Để thuận tiện cho việc tham quan du lịch, bạn có thể đến Tây Ninh vào mùa khô, khi tiết trời khô ráo, không quá nóng bức, phù hợp với các hoạt động ngoài trời. Tuy nhiên, bạn nên đi vào buổi sáng hoặc cuối giờ chiều, khi ánh mặt trời không quá gay gắt để tránh mệt mỏi và có những bức hình check-in với ánh sáng đẹp.
5. Cách di chuyển đến Tháp cổ Bình Thạnh Tây Ninh
Du khách từ miền Bắc và miền Trung cần di chuyển đến TP. Hồ Chí Minh bằng tàu hỏa/ máy bay trước, sau đó đi xe khách/ xe buýt/ ô tô xe máy đến Tây Ninh, cuối cùng có thể lựa chọn đi xe máy/ ô tô/ xe ôm/ taxi đến Thành cổ Bình Thạnh. Chi tiết quãng đường, chi phí và thời gian di chuyển như sau:
5.1. Di chuyển đến tỉnh Tây Ninh
Bạn có thể lựa chọn đi tàu hỏa/ máy bay từ Hà Nội/ Vinh/ Huế/ Đà Nẵng… đến TP. Hồ Chí Minh tùy theo lịch trình cá nhân. Tuy nhiên, bạn nên chọn di chuyển bằng máy bay để tiết kiệm thời gian, chỉ mất từ 1 giờ 20 phút tới 2 giờ 15 phút tùy điểm khởi hành. Giá vé máy bay từ Đà Nẵng đến TP. Hồ Chí Minh dao động từ 1.2000.000 VNĐ – 2.500.000 VNĐ/ 2 chiều, giá vé máy bay từ Hà Nội đến TP. Hồ Chí Minh dao động từ 2.800.000 VNĐ – 3.800.000 VNĐ/ 2 chiều.
Sau đó, du khách có thể lựa chọn di chuyển đến Tây Ninh bằng xe khách/ xe buýt/ ô tô/ xe máy, giá thuê xe tham khảo như sau:
- Xe máy: Bạn có thể thuê xe máy để tự do di chuyển, tuy nhiên điểm thuê xe không nhiều, bạn nên hỏi thăm người dân địa phương để biết rõ địa chỉ, tiết kiệm thời gian. Giá thuê xe dao động từ 80.000 VNĐ – 120.000 VNĐ/ngày với xe số và từ 100.000 VNĐ -160.000 VNĐ/ngày với xe ga.
- Taxi: Bạn cũng có thể thuê taxi đi từ thành phố Tây Ninh đến Tháp cổ Bình Thạnh, giá taxi dao động từ 11.000 VNĐ – 15.000 VNĐ/km tùy loại xe.
Sau khi chuẩn bị xong phương tiện, bạn di chuyển theo lịch trình sau:
1 – Xe khách
Bạn lựa chọn loại xe có điểm đón và thời gian phù hợp với lịch trình của bạn như Huệ Nghĩa, Saco Travel, Thái Dương, Đồng Phước, Phúc An Express… mức giá dao động từ 55.000 VNĐ – 550.000 VNĐ/ lượt, thời gian di chuyển từ 3 – 4 giờ tùy điểm đón.
2 – Xe buýt
Từ TP. Hồ Chí MInh, bạn bắt chuyến xe buýt số 703 từ Chợ Bến Thành đến Mộc Bài, sau đó chuyển sang xe buýt 05 từ Mộc Bài đến Bến xe Tây Ninh, giá vé tổng 2 chuyến/ chiều là 55.000 VNĐ, thời gian di chuyển cũng khoảng 3 – 4 tiếng. Ngoài ra, bạn cũng có thể bắt xe buýt số 13/ 94/ 74 từ TP. Hồ Chí Minh đến Bến xe Củ Chi, sau đó lên xe buýt 603 từ Bến xe Củ Chi đi Tây Ninh.
3 – Xe máy và ô tô
Từ TP. Hồ Chí MInh, nếu bạn chọn di chuyển đến Tây Ninh bằng ô tô hoặc xe máy, có 2 cung đường phổ biến gồm:
- Cung đường 1: Từ TP. Hồ Chí Minh, bạn di chuyển theo Quốc lộ 22A, qua ngã 3 Trảng Bàng rồi rẽ phải, đi theo tỉnh lộ 782 theo hướng về huyện Dương Minh Châu khoảng hơn 50km là đến Thị xã Tây Ninh. Đây là cung đường di chuyển ngắn nhất, giúp bạn tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, bạn cần vững tay lái và chú ý nhìn đường vì có một số đoạn đường nhỏ hẹp và một số ngã ba không có biển chỉ dẫn.
- Cung đường 2: Từ TP. Hồ Chí Minh bạn di chuyển theo Quốc lộ 22A, qua ngã 3 Trảng Bàng rồi rẽ trái. Sau đó, bạn tiếp tục chạy thẳng tới ngã ba Thị trấn Gò Dầu thì rẽ phải, đi tiếp theo Quốc lộ 22B khoảng 60km là đến vòng xoay trung tâm TP. Tây Ninh. Cung đường này xa hơn nhưng đường dễ di chuyển, có biển chỉ dẫn rõ ràng và có cảnh đẹp đồng lúa, sông Vàm Cỏ Đông hai bên đường.
5.2. Di chuyển đến Tháp cổ Bình Thạnh
Từ TP. Tây Ninh, bạn đi xe máy hoặc taxi dọc theo Quốc lộ 22B về hướng huyện Gò Dầu, sau đó rẽ phải khi đến ngã ba ấp Voi. Tiếp tục đi theo tỉnh lộ 786 khoảng 20km, bạn sẽ thấy ngã rẽ vào Tháp cổ Bình Thạnh.
6. Mãn nhãn với 13 hình ảnh Tháp cổ Bình Thạnh
Tham quan Tháp cổ Bình Thạnh, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ nhưng không kém phần bí ẩn, trang nghiêm của khu di tích lịch sử, trầm trồ thán phục trước những chi tiết chạm khắc hoa văn tinh xảo trên các bức tường tòa tháp chính.
6.1. Hình ảnh phía ngoài Tháp cổ Bình Thạnh
Khu di tích tháp cổ Bình Thạch gồm 1 tòa tháp chính phía Đông còn khá nguyên vẹn, bên cạnh là khu khảo cổ của 2 tòa tháp chính khác đã đổ sập, xung quanh là đồng lúa, ẩn dưới hàng cây lá xanh xum xuê, tạo nên khung cảnh cổ kính, hoang sơ và linh thiêng.
6.2. Hình ảnh bên trong Tháp cổ Bình Thạnh
Không gian bên trong Tháp cổ Bình Thạnh khá đơn giản, không có các chi tiết chạm khắc cầu kỳ như bên ngoài, chỉ bao gồm một bàn đá và vị trí ban thờ nằm trong các hốc tường gạch.
7. Review Tháp cổ Bình Thạnh Tây Ninh qua trải nghiệm thực tế
Để có thêm nhiều góc nhìn thực tế về trải nghiệm tham quan Tháp cổ Bình Thạnh, bạn có thể tham khảo review của một số Youtuber sau: