“Mẹ ơi, bố đâu rồi?”, tiếng khóc d.ấm d.ứt vang vọng sau vụ 7 công nhân tuvong ở nhà máy xi măng Yên Bái

“Mẹ ơi, bố đâu rồi?”, tiếng khóc dấm dứt của hai đứa trẻ vang vọng trong căn nhà trống huếch của một nam công nhân tử vong trong vụ tai nạn lao động tại nhà máy xi măng ở Yên Bái.

Vợ chồng công nhân cùng gặp tai nạn lao động

5 ngày sau vụ tai nạn lao động thương tâm cướp đi sinh mạng 7 người tại nhà máy xi măng ở Yên Bái, bầu không khí tang thương bao trùm gia đình anh Nguyễn Danh Mạnh (42 tuổi) tại thôn Minh Long, xã Tuy Lộc, TP Yên Bái. Anh Mạnh là 1 trong 7 công nhân tử nạn bên trong máy nghiền số 3 khi cỗ máy oan nghiệt bất giờ khởi động lại lúc đang dừng để bảo dưỡng.

Gần một tuần trôi qua, đúng dịp nghỉ lễ, người thân, bạn bè về thăm quê cùng tới gia đình nam công nhân để an ủi, động viên.
Hai đứa trẻ ngơ ngác hỏi bố sau vụ tai nạn máy nghiền xi măng - 1Người thân, bạn bè tới chia buồn cùng gia đình anh Mạnh, một trong 7 công nhân xấu số trong vụ tai nạn lao động tại nhà máy xi măng ở Yên Bái (Ảnh: Anh Tâm).

Anh Mạnh ra đi đột ngột để lại 2 con nhỏ, gánh nặng gia đình cho người vợ, khi nhiều lời hứa, dự định chưa kịp thực hiện.

“Mẹ ơi, bố đâu rồi?”, tiếng khóc dấm dứt của hai đứa trẻ vang vọng trong căn nhà nhỏ mới xây, còn trống hươ trống hoác chưa có mấy đồ đạc. Nhìn xung quanh, chị Nguyễn Kim Thúy (36 tuổi), vợ anh Mạnh lại không kìm được nước mắt, ôm chầm các con, siết chặt.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chị Thúy cho biết, anh Mạnh là người đàn ông hiền lành, chăm chỉ và là trụ cột, gánh kinh tế gia đình. Hai con của anh chị, con gái lớn 13 tuổi, con trai sau 5 tuổi, đang tuổi đến trường.

Cuộc sống gia đình công nhân không dư giả gì nhưng yên bình trôi qua, cho đến khi những biến cố ập tới.

Vài tháng trước, khi đang làm việc ở một nhà máy gạch, chị Thúy đã không may gặp tai nạn lao động (gạch rơi vào đầu). Từ đó đến nay, sức khỏe của chị suy giảm đáng kể, thường xuyên nằm viện.

“Sau vụ tai nạn, tôi được xác định tỷ lệ thương tật 20%. Ra viện chưa được bao lâu, tôi tiếp tục điều trị tại bệnh viện tâm thần do thường xuyên mất ngủ và có dấu hiệu trầm cảm. Mấy tháng trời qua không đi làm phụ giúp chồng, lại còn tiêu tốn nhiều chi phí chữa trị”, chị Thúy thở dài.

3 tháng trở lại đây, thấy tình trạng ổn hơn, chị Thúy đã xin việc nhiều nơi, mong đi làm lại để san sẻ gánh nặng với chồng. Do sức yếu, không làm được việc nặng, chị Thúy chỉ kiếm được công việc ở công ty gần nhà với mức thu nhập hơn 4 triệu đồng/tháng.

Vậy mà ông trời vẫn chưa dừng thử thách. Vào buổi sáng định mệnh, khi vừa đặt chân đến chỗ làm, chị nhận được điện thoại của người thân báo chồng gặp tại nạn lao động ở công ty. Chị Thúy tức tốc chạy đến chỗ chồng, không thể ngờ vụ tai nạn đã cướp đi trụ cột của gia đình.

Nợ chưa hết, gánh nặng gia đình vẫn còn
Hai đứa trẻ ngơ ngác hỏi bố sau vụ tai nạn máy nghiền xi măng - 2Vợ chồng bà Hải (bên trái) thất thần trước sự ra đi đột ngột của con trai (Ảnh: Anh Tâm).

“Tôi đi làm mới được 2 tháng, công ty chỉ trả cho hơn 100.000 đồng/ngày do không làm được việc nặng. Hôm xảy ra sự việc, tôi vừa đến công ty thì bố chồng gọi điện báo tin dữ.

Chạy đến nơi làm việc của chồng, công ty hướng dẫn khai báo thông tin cá nhân chứ không hề cho biết tình trạng của anh thế nào. Tôi ngồi đợi đến 6h tối mới được biết chồng mình đã tử nạn”, chị Thúy nghẹn ngào.

Nhắc đến anh Mạnh, chị Thúy lại bật khóc. Hai đứa trẻ ngây thơ liên tục hỏi mẹ “bố đâu, mẹ đón bố về đi”. Mất đi chỗ dựa, chị Thúy chưa thể hình dung cuộc sống của 3 mẹ con sau này sẽ ra sao.

“Trước đây, thu nhập của chồng tôi hơn 10 triệu đồng/tháng, của tôi cũng được gần 10 triệu. Hai vợ chồng vun vén cũng đủ lo cho các con ăn học. Nay anh rời bỏ thế này, 3 mẹ con tôi không biết sẽ thế nào”, chị Thúy gạt nước mắt.

Mất đi người con trai hiền lành, chăm chỉ, bà Nguyễn Thị Hải (65 tuổi, mẹ anh Mạnh) mấy đêm liền không ngủ. Điều bà Hải lo lắng nhất lúc này là hai cháu, bọn trẻ còn nhỏ dại quá, không biết bấu víu vào đâu.

“Vợ chồng nó vay mượn tiền xây được căn nhà, giờ vẫn chưa trả hết nợ. Mạnh hay tâm sự với mẹ sẽ cố gắng làm lụng để sớm trả hết nợ nần, rồi sau đó tiết kiệm tiền cho các con học đại học. Giờ con trai tôi không còn, các cháu không biết phải làm sao”, bà Hải nghẹn ngào.

Trao đổi với phóng viên Dân trí trưa 27/4, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tuy Lộc, TP Yên Bái cho biết, gia đình nạn nhân Mạnh có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ hai bên đều đã nhiều tuổi, không còn sức lao động, cuộc sống trông chờ vào mấy sào ruộng.

Từ khi vụ tai nạn xảy ra đến nay, chính quyền địa phương thường xuyên đến thăm hỏi động viên gia đình.

“Thời gian tới, địa phương sẽ xem xét và đề xuất chính sách hỗ trợ cụ thể với gia đình anh Mạnh cũng như các nạn nhân trong vụ tai nạn”, ông Tuấn nói.