Nhiều bậc cha mẹ cho rằng việc nuôi dạy con cái ở tuổi vị thành niên giống như mở một “chiếc hộp mù”: Con nổi loạn hay không nổi loạn, điều này phụ thuộc vào may rủi. Nhưng trên thực tế, sự nổi loạn của trẻ vị thành niên là phụ thuộc vào thời thơ ấu của chúng.
Nhà tâm lý học người Mỹ gốc Đức Erik Erikson, đã chỉ ra “tám giai đoạn” phát triển trong đời. Ở mỗi giai đoạn, có những nhiệm vụ mà trẻ cần phát triển và những “khủng hoảng” cần vượt qua.
Nếu một đứa trẻ không “mở khóa” thuận lợi ở những giai đoạn nhất định, chúng có thể phát triển một số đặc điểm tính cách xấu và tích lũy những cảm xúc tiêu cực. Những đặc điểm và cảm xúc này sẽ ‘lớn cùng’ giai đoạn tiếp theo và thậm chí ảnh hưởng đến cả cuộc đời sau này của trẻ.
Nhà tâm lý học tin rằng: Trải nghiệm ban đầu của một đứa trẻ sẽ ảnh hưởng đến tương lai tới 80%. Đặc biệt 3 năm đầu đời của trẻ được gọi là “ba năm vàng”, là giai đoạn then chốt nhất trong việc hình thành tính cách và phẩm chất của trẻ.
Nuôi dưỡng lòng tin của trẻ khi 1 tuổi
Em bé 1 tuổi chưa có chỉ số thông minh hay năng lực, không hiểu gì? Không phải.
Khi giáo sư Li Meijin nói về việc nuôi dạy trẻ từ 0-3 tuổi, bà nói: “Năm đầu tiên sinh con dù vất vả, mệt nhọc đến đâu mẹ cũng phải tự mình cưu mang”.
Vì sao? Giáo sư Li Meijin giải thích: “Sinh con xong chưa được bao lâu, mẹ muốn ‘phó thác’ con cho bà ngoại vì mẹ bận công việc. Vì vậy trong tương lai, chỉ cần đứa trẻ cảm thấy buồn, người đầu tiên trẻ muốn gặp sẽ là bà”.
“Nếu mẹ và bà có mâu thuẫn, đứa trẻ nhất định sẽ ủng hộ bà và ‘bơ’ mẹ.”
Mang thai nặng nhọc 9 tháng 10 ngày, nuôi bao nhiêu năm cũng không sánh được với năm đầu tiên sinh ra? Nhiều bà mẹ có thể tức giận và phàn nàn rằng họ quá mệt mỏi, thức trắng cả đêm và chẳng còn chút thời gian cho bản thân. Nhưng bạn có biết tại sao năm đầu tiên mới sinh lại vô cùng quan trọng đối với một đứa trẻ không?
Nhà tâm lý học người Mỹ gốc Đức Erik Erikson gọi 0-1.5 tuổi là giai đoạn đầu tiên của cuộc đời. Ở giai đoạn này, nhiệm vụ quan trọng nhất của trẻ là phát triển cảm giác tin tưởng.
Đây là lúc thiết lập mối quan hệ gắn bó với người chăm sóc chính trong năm đầu tiên khi đứa trẻ được sinh ra. Nếu trẻ đói thì có ‘người’ cho ăn kịp thời, trẻ khóc thì có ‘người’ dỗ dành kịp thời, buồn ngủ thì có ‘người’ dỗ cho ngủ.
Khi bắt đầu cuộc đời, trẻ sẽ phát triển sự gắn bó sâu sắc với ‘người’ này và xây dựng cảm giác tin cậy. Niềm tin của trẻ đối với thế giới, cũng như sự tin tưởng của trẻ vào bản thân, tất cả đều đến từ ‘người’ nuôi dưỡng chính này.
Trong nhiều năm và thậm chí trong suốt cuộc đời, trẻ sẽ phản ánh cảm giác tin cậy này với thế giới bên ngoài. Bất cứ khi nào có cảm giác “tin tưởng”, trong tiềm thức sẽ thiết lập liên hệ với ‘người’ này.
Một đứa trẻ có được “cảm giác tin tưởng” sẽ có thái độ lạc quan và tích cực trên con đường trong tương lai. Nhưng nếu trong 1 năm này, không có người chăm sóc chính để cho trẻ xây dựng cảm giác tin tưởng, trẻ sẽ bất an, đầy sợ hãi và bi quan về mọi thứ.
Vì vậy, trong năm đầu tiên trẻ chào đời, dù chưa biết nói, chưa biết đi, chưa thể làm được gì… nhưng lúc này, tính cách của trẻ đã bắt đầu hình thành. Nếu mẹ muốn con mình sau này ngoan và gần gũi với mình hơn thì ít nhất hãy nuôi con đến 1 tuổi.
Nuôi dưỡng ý thức tự chủ của trẻ khi 2 tuổi
Đến 2 tuổi, trẻ đã có thể nói, đi và làm các việc. 1.5-3 tuổi là giai đoạn thứ hai trong “tám giai đoạn của cuộc đời”. Ở giai đoạn này, nhiệm vụ chính của sự phát triển là đạt được “cảm giác tự chủ”.
Nếu bạn có con nhỏ khoảng 2 tuổi, việc giữ nhà cửa sạch sẽ và gọn gàng thực sự rất khó! Bạn quét phía trước, em bé quấy bẩn phía sau. Bạn vừa gấp quần áo, em bé lập tức ‘giúp’ bạn lần lượt ném xuống đất.
Em bé đang làm gì vậy? Trên thực tế, ‘bạn nhỏ’ chỉ muốn đạt được cảm giác tự chủ bằng cách kiểm soát cơ thể của mình. Đây là niềm vui thích của trẻ nhỏ 1-3 tuổi, có được cảm giác tự chủ có thể điều khiển tay chân theo ý muốn.
Nếu ở giai đoạn này, cha mẹ khoan dung và kiên nhẫn hơn, cho phép trẻ khám phá nhiều hơn, trẻ mới có thể cảm giác tự chủ hơn.
Nhưng nếu ở giai đoạn này, cha mẹ không cho phép trẻ làm điều này, vô hình trẻ sẽ có cảm giác “xấu hổ” và thiếu tự tin về bản thân. Khi lớn lên, trẻ không vững vàng trước sự việc và dễ bỏ cuộc giữa chừng.
Nuôi dưỡng sự chủ động của trẻ khi 3 tuổi
Nhà tâm lý học cho rằng: 3 tuổi là bước ngoặt trong cuộc đời của trẻ. Trước 3 tuổi, cuộc sống của trẻ thường bị cha mẹ chi phối, nhưng sau 3 tuổi, trẻ hy vọng sẽ chủ động làm mọi việc theo ý mình. Theo Erik Erikson, giai đoạn thứ 3 trong cuộc đời là phát triển cảm giác chủ động.
Ở giai đoạn này, trẻ có những ý tưởng riêng và không muốn lúc nào cũng bị “chỉ bảo” phải làm gì.
Tôi thấy một em bé trên mạng, em muốn giúp mẹ bỏ hộp cơm vào túi nhưng em đã vô tình làm đổ hộp cơm. Khi mẹ đi qua, thấy thức ăn vương vãi dưới đất, nhưng mẹ không mất bình tĩnh, cũng không la mắng, chỉ ôm con gái vào lòng và nhỏ nhẹ hỏi: “Con ơi, có phải con vô tình làm rơi không? Vậy lần sau cẩn thận hơn nhé!” Nói rồi, mẹ chỉ bảo trẻ đừng đi lung tung kẻo trơn trượt té ngã, mẹ đi tìm dụng cụ để lau chùi.
Cách xử lý của người mẹ này thật tuyệt! Khi trẻ 3 tuổi, điều chúng thích làm nhất là giúp đỡ, dẫu chúng là những người “vụng về” thường “không giúp được gì”. Nếu bố mẹ xử lý như người mẹ trên thì trẻ sẽ không cảm thấy “có lỗi”. Ngược lại, trẻ sẽ có “cảm giác chủ động” trong việc khám phá liên tục.
Trẻ em có tinh thần chủ động sẽ có mục đích và kế hoạch để hoàn thành những việc trong cuộc sống tương lai. Hơn nữa, trẻ sẽ rất tự tin, và khi đối mặt với khó khăn, trẻ cảm thấy mình có thể tìm ra cách giải quyết. Ba năm đầu tiên của trẻ dường như không có gì nổi bật. Nhưng tính cách của trẻ vào thời điểm này lại đặt nền móng cho vài thập kỷ tiếp theo.