Thông tin siêu mẫu Đức Tiến qua đời tại Mỹ ở tuổi 44 sau một cơn nhồi máu cơ tim khiến người hâm mộ không khỏi bàng hoàng. Vậy nhồi máu cơ tim là gì và nó nguy hiểm như thế nào, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Nhồi máu cơ tim là một cơn đau tim xảy ra bất ngờ do tắc nghẽn đột ngột mạch máu nuôi tim. Việc này khiến lưu lượng máu tới tim bị gián đoạn và có thể gây ra tổn thương đến cơ tim, thậm chí có thể phá hủy một phần của cơ tim. Nhờ việc thay đổi lối sống, cách sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng và luyện tập nên việc phục hồi sau nhồi máu cơ tim ngày càng tích cực, việc này cũng góp phần ngăn chặn các cơn đau tim.
Nhồi máu cơ tim có thể dẫn đến tử vong.
Cơn đau tim có thể xảy ra bất cứ lúc nào và vị trí nào, kể cả khi bạn đang nghỉ ngơi hay đang hoạt động. Một số cơn đau tim xảy ra bất ngờ, nhưng một số khác có những dấu hiệu cảnh báo trước đó khoảng vài giờ hoặc vài tuần. Các trải nghiệm khi bị đau tim do nhồi máu cũng như mức độ đau có thể khác nhau tùy mỗi người, một số người thậm chí không hề có triệu chứng.
Cơn đau tim thường được cảnh báo sớm bằng triệu chứng đau thắt ngực kể cả khi hoạt động hay thư giãn, đó là biểu hiện của việc giảm lưu lượng máu tới tim.
Những nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim
Nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim thường gặp nhất chính là do tắc nghẽn động mạch vành. Cụ thể hơn là, những mảng xơ vữa (bao gồm cholesterol, canxi hay mảnh vỡ tế bào) được tích tụ lâu ngày sẽ bám vào thành mạch máu. Đến một thời điểm, mảng xơ vữa này nứt vỡ, tăng nguy cơ hình thành cục máu đông và dẫn tới tắc nghẽn lòng mạch máu, gây ra nhồi máu cơ tim.
Từ 30 tuổi trở đi, những mảng xơ vữa bắt đầu hình thành và tích tụ lại trong cơ thể của chúng ta và tình trạng này sẽ diễn ra khoảng vài năm hoặc cũng có thể là vài chục năm.
Ngoài vấn đề tuổi tác, một số trường hợp sau được cho là có nguy cơ cao mắc bệnh:
• Người mắc bệnh tăng huyết áp.
• Người hút thuốc lá thường xuyên.
• Người bị rối loạn lipid máu.
• Bệnh nhân mắc tiểu đường.
• Tai biến mạch máu não.
• Những trường hợp có người thân từng bị mắc bệnh động mạch vành sớm, đối với trước 55 tuổi ở nam giới và trước 65 tuổi ở nữ giới.
• Bệnh nhân mắc thận mạn tính.
• Bệnh nhân mắc bệnh tự miễn.
• Trường hợp tiền sử bị tiền sản giật hoặc tiểu đường thai kỳ.
• Người ít vận động hoặc bị thừa cân, béo phì.
Khi xuất hiện bất kỳ dấu hiệu bệnh tim mạch nào, bạn nên đến cơ sở y tế để kiểm tra.
Triệu chứng điển hình nhất của nhồi máu cơ tim
Các triệu chứng điển hình nhất của nhồi máu cơ tim gồm: đau nặng ngực: đau giữa ngực, sau xương ức hoặc hơi lệch trái, cảm giác nặng, bóp nghẹt, siết chặt, đè, có khi lan ra tay trái, lên cằm xuống bụng vùng trên rốn.
• Thời gian đau ngực thường trong khoảng 20 – 30 phút hoặc dài hơn
• Người bệnh có thể kèm vã mồ hôi, khó thở và bất tỉnh
• Cũng có người bệnh không đau ngực mà đau bụng vùng trên rốn, đau sau lưng
• Các dấu hiệu và triệu chứng của nhồi máu cơ tim có thể thay đổi tùy theo tuổi, giới tính, vùng mạch máu bị tổn thương và những bệnh lý khác đi kèm.
Thời gian vàng trong cấp cứu nhồi máu cơ tim
Người bị nhồi máu cơ tim cần được tái lưu thông mạch máu nuôi tim càng sớm càng tốt nhằm hạn chế tế bào cơ tim bị tổn thương và hoại tử.
Thời gian vàng là 60 phút kể từ xuất hiện triệu chứng, hoặc càng sớm càng tốt vì theo thời gian sẽ làm tăng tỉ lệ tử vong, sẽ tốt hơn nếu được can thiệp trong vòng 12 giờ đầu. Sau 24 giờ nếu không còn triệu chứng thì việc can thiệp được khuyên là không nên tiến hành. Chính vì vậy, ngay có dấu hiệu nêu trên, người bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời.
Cấp cứu bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim. (Ảnh minh họa)
Đối với bệnh lý nhồi máu cơ tim cấp, đa số các trường hợp người bệnh chuyển đến được can thiệp kịp thời, tái lưu thông mạch máu nuôi tim trong thời gian vàng bằng kỹ thuật hiện đại như đặt stent động mạch vành giúp hạn chế tối đa tế bào cơ tim bị tổn thương và cứu sống người bệnh.
Hai loại thịt nếu ăn nhiều sẽ làm tăng 14% nguy cơ đột quỵ, ‘dẫn lối’ cho ung thư
Thói quen ăn uống không lành mạnh có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, ung thư trong đó bao gồm cả thói quen ăn nhiều 2 loại thịt dưới đây.
Theo trang Express, đột quỵ được coi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Anh, trung bình cứ 5 phút đột quỵ sẽ cướp đi sinh mạng của một người dân ở nước này.
Đáng lo ngại hơn cả là một số món ăn yêu thích của nhiều người lại có thể trở thành nguyên nhân gây ảnh hưởng tới sức khỏe tim mạch.
Ăn nhiều 2 loại thịt này làm tăng nguy cơ đột quỵ
Theo bác sĩ Shireen Kassam, tại Plant-Based Health Professionals, Anh, việc ăn quá nhiều hai loại thịt là thịt chế biến sẵn như xúc xích, thịt xông khói, giăm bông,… và thịt đỏ bao gồm thịt bò, thịt lợn có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ do chúng chứa nhiều chất béo và muối, gây ảnh hưởng tới mạch máu và huyết áp.
Thực tế, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tim mạch Châu Âu cũng nêu rõ về nguy cơ đột quỵ do ăn quá nhiều các loại thịt chế biến sẵn và thịt đỏ.
Nghiên cứu xem xét dữ liệu của hơn 400.000 người tham gia từ 9 quốc gia khác nhau, kết quả cho thấy những người tiêu thụ 50 gam thịt đỏ và thịt chế biến sẵn mỗi ngày có nguy cơ mắc đột quỵ do thiếu máu cục bộ cao hơn 14%.
Một nghiên cứu khác được đăng tải trên tạp chí Stroke của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cũng chỉ ra rằng nam giới ăn nhiều hơn 2 phần thịt đỏ mỗi ngày có nguy cơ đột quỵ cao hơn 28% so với những người chỉ tiêu thụ khoảng 1/3 khẩu phần thịt mỗi ngày.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng những người ăn nhiều thịt đỏ và thịt chế biến sẵn mỗi ngày có nguy cơ mắc đột quỵ do thiếu máu cục bộ cao hơn.
Một số nghiên cứu trước đây cũng chỉ ra rằng ăn quá nhiều thịt đỏ và thịt chế biến sẵn có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch chẳng hạn như làm tăng cholesterol trong máu dẫn đến tăng nguy cơ tích tụ mảng bám trên thành động mạch cung cấp máu cho tim.
Ngoài ra, thịt chế biến sẵn cũng được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa vào danh sách chất gây ung thư nhóm 1 và thịt đỏ được phân loại vào chất gây ung thư nhóm 2A, làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày,…
Tuy nhiên, bác sĩ Kassam cũng lưu ý thêm: “Khi những người tham gia nghiên cứu ăn thêm các loại thực phẩm khác như trái cây và rau quả, nguy cơ đột quỵ do sử dụng các loại thịt đã biến mất. Điều này có nghĩa là việc tiêu thụ quá nhiều thịt đỏ và thịt chế biến kèm theo thói quen ăn ít trái cây và rau củ trong chế độ ăn uống sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh”.
Bác sĩ Kassam cho biết: “Mặc dù vậy mọi người vẫn nên ăn hai loại thịt này ở mức giới hạn an toàn, bởi nếu bạn càng tiêu thụ nhiều thì nguy cơ mắc bệnh sẽ càng cao.
Ngoài ra, khi ăn thịt đỏ hoặc thịt chế biến sẵn, bạn cũng nên ăn kèm với nhiều loại trái cây hoặc rau củ khác để bổ sung chất xơ cho cơ thể”.
Chất xơ trong các loại trái cây rau củ đã được nghiên cứu chứng minh là có thể giúp phòng ngừa nguy cơ đột quỵ.
Theo một phân tích tổng hợp được công bố trên tạp chí The Lancet, so với những người ít ăn chất xơ, những người tiêu thụ lượng chất xơ cao có nguy cơ tử vong do các biến cố liên quan đến tim mạch thấp hơn từ 15-30%.
Một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Stroke của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ chỉ ra rằng nguy cơ đột quỵ lần đầu của một người giảm 7% khi ăn thêm 7 gam chất xơ trong chế độ ăn hàng ngày của họ.
Để giảm nguy cơ mắc đột quỵ, các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên giảm thiểu lượng thịt ăn vào hoặc thay thế các loại thịt đỏ, thịt chế biến sẵn bằng các loại trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và hạt tốt cho sức khỏe.
Bác sĩ Kassam khẳng định: “Ăn nhiều chất xơ từ trái cây và rau củ có thể làm giảm đáng kể nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ và giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường loại 2”.