4 điều ‘tối kị’ khi vợ chồng cãi nhau

Cãi vã giữa vợ chồng không phải lúc nào cũng mang đến những điều tồi tệ mà đôi khi là cách giải tỏa tâm lý nhưng có những nguyên tắc mà cả hai không nên vi phạm.

Theo một khảo sát, mỗi cặp vợ chồng trung bình cãi nhau khoảng 189 lần mỗi năm, tức là khoảng hai lần một ngày. Nhiều người quên rằng dù thế nào đi nữa, có những câu không nên nói ra, nếu không sẽ trở thành ngòi nổ cho một cuộc hôn nhân tan vỡ.

Khi cãi nhau, xúc phạm đối phương được sử dụng như một công cụ trút bỏ sự bất mãn để dành lấy ưu thế. Ảnh: shutterstock.

Khi cãi nhau, xúc phạm đối phương được sử dụng như một công cụ trút bỏ sự bất mãn để dành lấy ưu thế. Ảnh: shutterstock.

Tránh cho mối quan hệ đi vào ngõ cụt, mỗi khi “khẩu chiến”, nên tránh mắc phải những sai lầm sau:

1. Xúc phạm đối phương

“Trước tôi bị mù mới lấy anh/cô”. Đây gần như câu cửa miệng mỗi khi xảy ra cãi vã. Nội dung câu nói này thể hiện sự coi thường đối phương, khiến người nghe “nhức tận óc”.

Gần đây trên một diễn đàn có người vợ than rằng cô sắp ly hôn chồng. “Trưa đó do con quấy quá nên tôi quên dọn bàn ăn. Đến tối về chồng bực tức mắng tôi lười biếng”, người vợ mở đầu câu chuyện. Dù sau đó cô giải thích, nhưng người chồng vẫn mắng vợ là ăn hại, bởi cô chỉ ở nhà chăm con mà không đi làm. Người phụ nữ quá tức giận, đòi ly hôn: “Tôi trước đây thực sự bị mù mới lấy một người như anh”. Người chồng nghe thấy vậy không kém miếng, nói rằng trước đây anh ta cũng bị mù mới lấy phải cô vợ như vậy. Cuộc chiến giữa họ kết thúc khi cả hai người xác nhận, không thể sống chung nếu như hai bên liên tục công kích đối phương.

Khi cãi nhau, xúc phạm đối phương được sử dụng như một công cụ trút bỏ sự bất mãn để dành lấy ưu thế. Những lời này sẽ chỉ phá hủy lòng tự trọng của đối phương, đẩy mâu thuẫn lên cao trào, xảy ra nhiều việc đáng tiếc. Vì vậy, vợ chồng thật sự đừng làm tổn thương nhau.

2. Khơi lại nỗi đau muốn quên

Trong bộ phim truyền hình Trung Quốc “A Love for Dilemma”, cặp vợ chồng Hạ Quân Sơn và Nam Lệ vì cách dạy con đã tranh cãi dữ dội. Cha mẹ Nam Lệ ly hôn trước khi cô vào cấp 3, bố nhanh chóng có người mới khiến con gái tổn thương sâu sắc. Cô bắt con học, chơi theo đúng lịch trình của mình khiến cô bé mệt mỏi và căng thẳng. Chính lý do này hai vợ chồng nổ ra cuộc cãi vã lớn.

Hạ Quân Sơn chỉ trích vợ: “Em vốn bất mãn, luôn cố chấp với bố mẹ đẻ mình. Giờ em ép con để nó lại bất mãn với cuộc sống. Nếu muốn thì một mình em chịu đựng đi”. Bị khơi lại chuyện cũ, Nam Lệ cũng liên tục công kích vào gia đình vốn không yên ấm của chồng để trả thù.

Trong cuốn sách “Quan hệ bí mật”, tác giả Christopher Moon từng viết: “Chúng ta, những người đang ở trong mối quan hệ thân mật luôn muốn chôn sâu sự tổn thương của mình và tương tác với người khác bằng mặt nạ phòng vệ”. Theo Christopher Moon, những người gần gũi nhất thường hiểu rõ về điểm yếu của đối phương nhất. Vì vậy hai người yêu nhau tưởng như bền chặt bao nhiêu thì khi cãi nhau lại tàn nhẫn chọc vào nỗi đau thầm kín của đối phương bấy nhiêu.

3. Lật lại sai lầm cũ

Có một chuyện ngụ ngôn: Cánh tay của chú khỉ nhỏ bị cành cây cào xước, mọi người liên tục kéo đến thăm hỏi. Vì vậy, nó cứ mở vết thương ra rồi than thở. Cuối cùng vết thương của nó chẳng bao giờ lành. Khi cãi nhau, lật lại những sai lầm cũ của bạn đời cũng giống như vết thương này, chẳng bao giờ có thể ngủ yên.

Có những cặp vợ chồng thích nhắc lại “nợ cũ” khi cãi nhau, chẳng hạn như những lỗi lầm trước đây hoặc người yêu cũ của vợ/chồng, việc này sẽ tăng mức độ kịch liệt của cuộc cãi vã, dẫn đến mâu thuẫn ngày càng sâu sắc. Điều này cũng là hành vi thiếu khôn ngoan nhất khi cãi nhau.

Nếu sai lầm cũ là một lỗ hổng do chiếc đinh để lại thì mỗi lần mở ra vết thương, nó sẽ mở rộng thêm ra, khoét sâu vào nỗi đau của mỗi người. Ngay cả khi người sai từng có ý định sửa chữa nó, nhưng bị châm chọc, mỉa mai, nên do cố chấp mà người sai không muốn sửa nữa. Từ sai lầm cũ này, sự bất hòa giữa hai người ở hiện tại cũng tăng lên từng ngày.

Vì vậy, chuyện gì qua đi hãy để nó qua đi, hãy để nó trở thành dĩ vãng, đừng nhắc lại nữa. Ai chẳng có lúc mắc sai lầm, hãy mở rộng tấm lòng và khoan dung đối với vợ/chồng của mình.

4. Nói ly hôn mỗi khi cãi nhau

Hôn nhân không phải chuyện đùa bỡn và ly hôn không phải là hành động khôn ngoan để mà nghĩ đến trong lúc nóng giận, hãy trì hoãn mọi vấn đề khi vợ chồng to tiếng, giải quyết chúng khi cả hai đã bình tĩnh trở lại.

Trong mọi cuộc cãi vã, nhiều người thường lấy việc ly hôn ra vì cho rằng đối phương sẽ lo sợ, vì thế mà chịu nhường nhịn. Thế nhưng, việc dọa dẫm này vô cùng nghiêm trọng, đừng bao giờ tùy tiện nói thành lời, nó chỉ chứng minh rằng bạn không quá coi trọng hôn nhân nên mới dễ dàng nghĩ đến nó. Người bị “đe dọa” ly hôn thì lòng tự trọng, tính tự tôn sẽ bị tổn thương nặng nề. Hậu quả là người dọa ly hôn thì lại không muốn ly hôn còn người chưa khi nào có ý định ly hôn thì lại quyết định ly hôn cho bằng được.

Luôn nhớ, “ly hôn” là từ nhạy cảm nhất, rất nguy hiểm khi bất cẩn nói ra những chữ này, sẽ rất dễ phá vỡ mối dây liên kết tình cảm giữa vợ chồng.

Vy Trang (Theo aboluowang)