Là cháu, tôi thầm mong ông bà sẽ thật khỏe mạnh để chúng tôi được cùng tổ chức kỷ niệm nhiều ngày cưới của ông bà như thế nữa.
Tối đó ông bà gọi điện cho gia đình tôi thông báo: “Chủ nhật này ông ba có việc. Các con dẫn cháu về dự đông đủ nhé!”. Với tôi, mỗi lần nghe nhà ông bà có việc là sẽ nghĩ ngay đến chỗ chạp. Ông nội tôi là con trưởng, một năm làm rất nhiều đám giỗ cho các cụ đã khuất. Mẹ tôi ỉ lại có bà cầm trịch nên cũng chẳng nhớ rõ những ngày giỗ trong gia đình. Nhưng hễ được bà thông báo là mẹ sẽ thu xếp về sớm để hỗ trợ bà cơm nước, bày biện bà thờ cho chu đáo.
Tối thứ 7, mẹ điện thoại cho bà hỏi xem mai giỗ thì phải mua những gì, để mẹ đi chợ mua trước. Nhưng bà bảo mai không phải giỗ, mai là ngày vui của người đang sống. Bà bảo, mai nhà có gì ngon thì mang về góp vui, không thì bà nấu cơm bình thường, chủ yếu là có dịp cho con cháu sum vầy thôi.
Nghe bà nói xong cả nhà tôi đều tò mò, không biết mai là ngày gì.
“Mai đâu phải sinh nhật ông hay bà”, bố tôi gãi đầu nói.
“Hay ông bà trúng số độc đắc?”, tôi cười đùa.
“Đúng rồi, ngày hôm nay của 57 năm về trước, ông đã trúng số độc đắc”, ông vừa nói vừa cười phá lên vào sáng hôm sau. “Gọi là trúng số vì đó là ngày ông với bà cưới nhau!”, ông nói.
“Nay là ngày cưới của ông bà thật ạ?”, tôi tròn mắt rồi hét lớn, chạy đi thông báo với bố mẹ. Bố mẹ tôi nghe xong cũng trố mắt nhìn nhau. Đúng là bao nhiêu năm nay gia đình tôi chẳng ai có khái niệm gì về ngày cưới của ông bà. Ông bà nội tôi cũng vậy, chưa từng kể với con cháu, cũng chưa từng tổ chức gì để kỷ niệm ngày cưới cả.
Em gái tôi 6 tuổi, chẳng hiểu mô tê gì cũng reo hò: “Nay ông bà cưới nhau ạ? Thê sông là chú rể, bà là cô dâu ạ?”.
Lời nói của trẻ thơ khiến không khí gia đình thêm phần vui vẻ. Chủ nhật đó, chúng tôi phân công nhau tổ chức kỷ niệm ngày cưới cho ông bà. Tôi và bố đi mua bánh kem với dòng chữ: “Chúc mừng 57 năm ngày cưới ông bà”. Còn mẹ với em gái thì đi mua hoa loa kèn, loài hoa bà thích nhất. Các chú tôi người thì mua thức ăn, người thì mang rượu sang để uống mừng.
Lúc đầu, bà nội tôi chỉ định nấu cơm bình thường. Cuối cùng, bữa cơm ngày cưới lại trở nên xôm tụ, nô nức vô cùng. Lúc ngồi vào mâm, ông tôi liền cầm tay bà, rồi nói: “Lâu nay ông bà không tổ chức ngày cưới nên con cháu không biết ông bà cưới ngày nào. Lý do là ông bà có nhiều việc phải lo quá. Hồi trẻ thì lo kiếm tiền nuôi con. Về già thì lo cho con cháu chưa ổn định. Khi các con còn vất vả mưu sinh mà ông bà lại bày vẻ kỷ niệm, tiệc tùng thì không tiện. Nhưng từ năm nay thì sẽ khác. Ông với bà đều trên dưới 80 rồi. Hôm trước, ông bà nói với nhau, nghĩ cho con cháu thì hết đời vẫn lo nghĩ thôi, nhưng ông bà sẽ chẳng còn sống được bao lâu nữa nên muốn tổ chức một buổi kỷ niệm để hâm nóng lại tình già, cũng là để con cháu có dịp đoàn tụ, quây quần bên nhau. Từ năm sau, cứ vào ngày này, các con không cần tổ chức gì to lớn cả, chỉ cần nhớ là ngày cưới của bố mẹ, ông bà để tới chung vui là được rồi”.
Ông nói xong thì tất cả chúng tôi cùng vỗ tay reo vang. Khi ông bà nội tôi nhìn nhau, tôi thấy ánh lên trong đó là niềm hạnh phúc ngọt ngào. Vậy là đã 57 năm ông bà là bạn đời của nhau, chia sẻ với nhau bao nỗi vui buồn của cuộc sống. Ông bà nội tôi sinh được 3 người con, 2 trai 1 gái. Cả 3 đều lập gia đình, rồi sinh ra một đàn cháu nội ngoại. Với ông bà tôi, trong ngày kỷ niệm đặc biệt này, có lẽ không có món quà nào quý giá hơn việc được thấy con cháu mình trưởng thành, sum họp quây quần đông đủ.
Là cháu, tôi thầm mong ông bà sẽ thật khỏe mạnh để chúng tôi được cùng tổ chức kỷ niệm nhiều ngày cưới của ông bà như thế nữa.
Xem thêm: