Tất cả vì cháu nội – Câu chuyện đáng suy ngẫm

Mỗi lần nhìn cháu, bà lại thì thầm: “Bà vì cháu nên mới giữ mẹ cháu lại đấy nhé. Chứ mẹ cháu cũng nhiều tội đáng bị đánh đòn lắm, biết không?”.

Ngày trước bà là người phản đối con trai lấy cô con dâu bây giờ, bởi bà thấy con dâu vô tâm, cạn nghĩ, không hợp với vai trò người giữ lửa hạnh phúc. Nhưng con trai bà vẫn kiên quyết muốn kết hôn. Giời không chịu đất thì đất phải chịu giời, bà đành phải chấp nhận làm theo ý con. Để tránh mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu, có ngôi nhà đang cho khách thuê, bà lấy lại để cho vợ chồng con trai ở.

Nửa năm sau, con dâu bà có bầu. Thấy con dâu nghén, suốt ngày nôn trớ, xanh xao cả người. Xót cháu nội trong bụng, bà hàng ngày đều sang cơm nước, chăm bẵm con dâu từng li từng tí. Vợ chồng con trai cứ vô tư hưởng thụ như vậy suốt 9 tháng 10 ngày mà bà nào có nhận được lời cảm ơn của chúng nó. Nhiều lúc bà cũng tâm tư, suy nghĩ nhưng lại đành an ủi, mình làm cho cháu nội mình chứ cho người ngoài đâu mà thiệt.

Khi con dâu sinh, bà là người đầu tiên đón tay thằng bé. Nhìn gương mặt đỏ au, sáng sủa của nó bà thấy mãn nguyện vô cùng, thấy công sức mình bỏ ra bấy lâu nay được đền đáp xứng đáng.

Con trai bà thuê một người giúp việc để chăm sóc hai mẹ con. Miệng bà thì bảo: “Kệ, chúng nói có tiền thuê người giúp việc thì tốt. Mình già rồi, phải nghỉ ngơi, không thể cứ khư khư ôm rơm dặm bụng được”. Nói thì nói thế nhưng lòng bà lúc nào cũng canh cánh, không biết người giúp việc có chăm sóc cháu nội bà tốt không.

Trằn trọc mãi, cuối cùng bà quyết định khăn gói sang nhà con trai. Có bà, cô giúp việc hết việc, còn bà thì trở thành “ôsin” cho các con. Số tiền các con thuê giúp việc bà không lấy mà cho lại các con nuôi cháu. Tính bà vốn cẩn thận, đảm đang, nên luôn tay luôn chân suốt ngày. Đến bữa, bà còn cẩn thận đong đếm, kết hợp các loại thực phẩm để con dâu ăn cho có sữa. Tối đến, nghe tiếng cháu nội khóc hoài mà mẹ nó dỗ không được, bà lại tình giấc sang ôm ấp vỗ về. Hai bố mẹ nó an tâm, cứ thể ngủ trọn giấc tới sáng.

tat-ca-vi-chau-noi-cau-chuyen-dang-suy-ngam (1)

Khi thằng cháu nội ngoài 6 tháng, con dâu bà đi làm trở lại. Nó ham việc cơ quan hơn việc nhà nên đi suốt. Mấy lần bà nhắc nhở con dâu để ý đến con nhiều hơn, nhưng con dâu bà không tiếp thu vẫn một lực làm theo ý mình. Một tối nọ, bà vô tình nghe con dâu nói chuyện qua điện thoại với ai đó. Qua cách nó ngọt nhạt, bà biết ngay là nó đang có biểu hiện say nắng bên ngoài.

Bà buồn với thất vọng lắm nhưng không muốn làm ầm ĩ mọi chuyện. Không ngờ, con trai bà nghe ai đó nói đến tai, đùng đùng về nhà đánh ghen vợ, một mực đòi ly hôn. Mấy đêm liền, bà mất ngủ, nằm trăn trở suy xét mọi chuyện. Bà thực tâm không ưng ý con dâu, từ hồi về nhà đến giờ, con dâu gần như chưa thể hiện vai trò, trách nhiệm gì của một người làm dâu, làm mẹ. Nhưng, để hắt hủi nó thì bà không nỡ. Bởi bà biết, con dâu vẫn là mẹ của cháu nội bà. Mà cháu nội của bà cần có một gia đình đủ cả bố, cả mẹ để phát triển lớn khôn.

Cuối cùng, chính bà là người đứng ra hòa giải cho con trai và con dâu. Bà giấu nhẹm chuyện cuộc điện thoại nghe được hôm trước, khuyên con trai bình tĩnh, không nên vội vàng buộc tội vợ. Sau đó, bà lại gần gũi, đánh tiếng xa gần với con dâu. Bà khuyên con dâu giữ lấy hạnh phúc gia đình. Xong xuôi, bà chủ động “trả” cháu nội cho vợ chồng chúng rồi dọn về nhà ở, chỉ chăm cháu từ xa. Bà nghĩ, thằng cháu nội sẽ là chất xúc tác, giúp bố mẹ nó xích lại gần nhau hơn. Khi không còn bà để dựa dẫm, con trai, con dâu bà sẽ phải tự cân bằng giữa công việc và gia đình.

Hiện nay, con trai con dâu bà đã hóa giải được mâu thuẫn. Cũng may, con dâu biết đường quay đầu, hiểu được tấm lòng của bà nên đã cố gắng sửa sai.

Mỗi lần đến nhà các con chơi, nhìn thằng cháu nội thông minh, nhanh nhẹn bà lại nhủ thầm: “Bà vì cháu nên mới giữ mẹ cháu lại đấy nhé. Chứ mẹ cháu cũng nhiều tội đáng bị đánh đòn lắm, biết không?”.

Xem thêm: