Xác minh nhóm phụ nữ mặc quần áo sặc sỡ, dàn hàng ngang quay clip trên đường

Thông tin này là hoàn toàn xác thực đã được báo chí đăng tải. Mong rằng mọi người sẽ biết tiết chế hơn đối với các hoạt động giải trí, vui chơi cùng bạn bè để biết việc gì nên làm việc gì thì không nên nhé!

Cụ thể, lực lượng cảnh sát giao thông Đắk Lắk đang tiến hành xác minh thông tin về một nhóm phụ nữ mặc quần áo sặc sỡ, dàn hàng ngang chụp ảnh, quay video trên quốc lộ gây mất an toàn giao thông.

Ngày 7/10, một lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết: Đơn vị đã nắm được thông tin về nhóm phụ nữ dàn hàng ngang trên đường tránh Buôn Hồ để quay video, chụp ảnh gây mất an toàn giao thông. Hiện đơn vị đang xác minh để xử lý theo quy định pháp luật.

Ảnh cắt từ clip về nhóm phụ nữ chụp ảnh, quay video trên đường quốc lộ

Trước đó, vào sáng cùng ngày, trên mạng xã hội đăng tải đoạn clip dài gần một phút ghi lại cảnh 9 người phụ nữ mặc quần áo sặc sỡ, nắm tay nhau dàn hàng ngang trên đường tránh Buôn Hồ để quay clip, chụp ảnh gây xôn xao dư luận.

Ban đầu, đoạn clip được đăng tải trên trang cá nhân của một phụ nữ làm nghề spa. Sau đó, clip được một số diễn đàn đăng tải lại và thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng.

Nhiều người trên mạng xã hội đã không đồng tình với việc chụp ảnh giải trí này

Trên diễn đàn, nhiều người đã để lại bình luận cho rằng đoạn đường dốc nguy hiểm, xe tải đi phía sau nhưng mấy chị “liều” đứng hàng ngang để chụp ảnh. Một ý kiến khác bình luận “chờ công an mời lên nộp phạt”.

Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tuyến tránh phía Tây, thị xã Buôn Hồ có chiều dài 26km, bắt đầu từ xã Pơng Đrang (huyện Krông Búk) và kết thúc tại xã Cuôr Đăng (huyện Cư M’Gar, Đắk Lắk) có tổng mức đầu tư 575 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ do Sở GTVT làm chủ đầu tư. Dự án được hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2019.

Từ khi đưa vào khai thác, tuyến đường đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Gần đây nhất, vào 20h15 ngày 6/8, trên tuyến đường tránh Buôn Hồ (đoạn qua xã Ea Drơng, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) đã xảy ra vụ tai nạn liên hoàn khiến 3 người tử vong, 3 người bị thương.

Trước đó, vụ việc một nhóm phụ nữ tập yoga giữa đường ở Thái Bình cũng từng gây xôn xao dư luận, những người này sau đó đã bị triệu tập và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Năm 2021, trên mạng xã hội có lan truyền hình ảnh về một nhóm phụ nữ mặc trang phục tập yoga chụp hình tại “cổng trời” ở chùa Linh Quy Pháp Ấn tọa lạc tại đồi 45, thôn 4, Lộc Thành, Bảo Lâm, Lâm Đồng. Họ diện thiết kế gồm quần legging kết hợp với áo croptop ôm sát. Sự việc này cũng đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ dư luận bởi cách ăn mặc không phù hợp ở chốn linh thiêng.

Việc chụp ảnh “tự sướng” không đúng nơi, đúng chỗ không chỉ bị xử phạt hành chính hay xử lý hình sự như các vụ việc nêu trên, thực tế không ít trường hợp đã mất mạng vì chấp nhận mạo hiểm để có những bức ảnh đăng tải lên các tài khoản cá nhân hoặc hội nhóm.

Mỗi năm, thế giới ghi nhận nhiều vụ tai nạn và nhiều cái chết thương tâm của giới trẻ chỉ vì muốn có ảnh selfie độc đáo chia sẻ lên mạng xã hội.

Theo một nghiên cứu đã được công bố, từ tháng 10/2011 đến tháng 11/2018, có 259 trường hợp tử vong khi cố chụp ảnh “tự sướng” được ghi nhận trên khắp thế giới và con số này vẫn đang có chiều hướng tăng. Trong đó, số vụ tử vong do selfie nhiều nhất được ghi nhận ở Ấn Độ, tiếp theo là Nga, Mỹ và Pakistan.

Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, các vụ tai nạn liên quan đến hành động selfie cũng diễn ra khá phổ biến. Đơn cử, vào giữa năm 2016, hai công nhân của một khu công nghiệp ở tỉnh Hưng Yên, trên đường đi làm về dừng lại chụp ảnh “tự sướng” gần khu vực đường ray tàu hỏa và bị tàu cán t/ử v/o/n/g.

Theo các nhà nghiên cứu, nguyên nhân chính của những vụ tai nạn khi chụp ảnh “tự sướng” chủ yếu bởi người dùng quá tập trung vào màn hình của máy ảnh hoặc smartphone thay vì chú ý đến môi trường xung quanh, khiến họ bị ngã hoặc bị va chạm bởi các phương tiện giao thông.

Thậm chí, một số trường hợp còn mạo hiểm chọn các vị trí cao, nguy hiểm hoặc các tuyến đường giao thông cho phép phương tiện di chuyển với tốc độ cao như cao tốc để ghi lại “khoảnh khắc yêu thích”.

Tuy nhiên, việc bất chấp mạo hiểm để chụp ảnh “tự sướng” trên các công trình giao thông, nhất là ở những khu vực có nhiều phương tiện lưu thông là hành động cần lên án, bởi điều đó không chỉ tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn, va chạm giao thông do hành vi ngang nhiên lấn chiếm lòng đường, dẫn đến nguy hiểm cho bản thân mà còn gây bức xúc cho người khác.

Luật Giao thông đường bộ 2008 đã quy định rất rõ, lòng đường là nơi dành riêng cho xe cơ giới. Người đi bộ chỉ được băng cắt qua đường ở những điểm có vạch sơn hoặc ở những điểm có thể qua đường mà đảm bảo an toàn cho các phương tiện giao thông đang lưu thông.

Nguồn : https://www.webtretho.com/f/chuyen-cuoc-song-4690/xac-minh-nhom-phu-nu-mac-quan-ao-sac-so-dan-hang-ngang-quay-clip-tren-duong