AI NUÔI MẸ KHI GIÀ?

 

AI NUÔI MẸ KHI GIÀ?

Vừa ăn xong bữa tối, người mẹ trẻ ấy lại mở máy tính lên. Chị cặm cụi với bàn phím, có hôm khuya lắc lơ mới đi ngủ. Cậu con trai nhỏ thắc mắc: “Mẹ ơi! Sao mẹ lúc nào cũng phải làm việc thế?”.

 

Khi trẻ được ôm ấp, não bộ sẽ giải phóng các hormone như oxytocin, thường được gọi là

Người mẹ trẻ nhìn con mỉm cười rồi khẽ ngân nga: “Tuổi trẻ không gắng sức. Già cả phải ngậm ngùi!”.

Cậu con im lặng, mặt nghệch ra vẻ suy nghĩ một chút rồi đáp trả: “Tuổi trẻ không gắng sức. Già cả con cháu nuôi! Mẹ đừng làm nữa, mai mốt con sẽ nuôi mẹ!”.

Câu nói ngây ngô của con khiến chị bật cười, hạnh phúc. Nhưng cũng khiến chị chợt giật mình nhớ ra, ở phương xa quê nhà, chiều chiều có một người mẹ già thường lặng lẽ ra vườn quét lá rụng. Người mẹ ấy hay giở lịch, nhẩm tính, chờ đợi, ngóng trông những ngày lễ Tết đặc biệt trong năm, con cháu sẽ về thăm.

Thuở ấu thơ ấy, chị cũng từng như con trai mình luôn hứa hẹn: “Lớn lên con sẽ nuôi mẹ!”. Nhưng khi lớn lên, anh em thành gia lập thất, tỏa đi mỗi người, mỗi ngả, ai cũng bận bịu cho tổ ấm nhỏ của mình. Chẳng đứa con nào giữ được lời hứa khi xưa với mẹ…!

Có những ngày, chị điện thoại về, nghe giọng mẹ reo vui: “Năm nay, bưởi được giá lắm con ơi…!”. Mùa khác, mẹ lại phấn khởi khoe: “Mấy cây mít nhà mình đợt này, trái sai xuống tận gốc…”. Những khi về quê, con cái giúi tiền cho, mẹ chị lại lo ngay ngáy: “Ở trên đó, tụi con làm ăn có được không? Sao mẹ xem tivi thời sự nghe nói kinh tế khó khăn lắm…không có tiền thì cứ để dành mà tiêu…ở đây mẹ có vườn cây lo…”.

Thế mới ngẫm ra câu “nước mắt chảy xuôi”. Cha mẹ sẽ chẳng bao giờ nhớ đến lời hứa thuở xưa của con cái mà có nhớ thì cũng chẳng bao giờ trách móc các con đã không thực hiện lời hứa ấy. Bởi với cha mẹ, chỉ cần các con có cuộc sống hạnh phúc là đủ!