Vợ chồng – Câu chuyện cảm động về tình nghĩa vợ chồng đầy sâu sắc

Đang ngồi gõ computer, anh bỗng đau tức ngực trái như có tảng đá lớn đè lên, vội kêu “Em ơi, giúp anh với”. Vợ anh lao từ bếp lên lầu, hốt hoảng thấy anh thở gấp, mặt và cổ tím ngắt, liền hô hoán cả nhà xúm vào đưa anh lên taxi đến bệnh viện.

Vừa nằm xuống chiếc giường drap trắng đã có ba, bốn Blouse vây quanh, gắn ống thở vào mũi, bắt mạch, đo huyết áp, khám tim phổi… Xong, một Blouse phán “Phù tim nặng, khó qua, gia đình nên đưa về nhà…”.

Chị khuỵu xuống rồi vụt đứng dậy, van nài trong nước mắt: “Xin bác sĩ cứu chồng tôi, còn nước còn tát, gia đình chấp nhận mọi chi phí chữa bệnh tốt nhất”, nhưng dường như các Blouse vẫn lơ đãng.

 

 

Nhìn tròng mắt của chồng lệch xéo sang trái, đờ đẫn, vô hồn, chị càng thêm hoang mang lo sợ. Đồng hồ trên tường chỉ 11 giờ đêm. Gấp quá rồi, sự sống của anh chỉ còn tính từng hơi thở.

Chị lấy điện thoại gọi liều vài số cầu cứu nhưng hầu hết đều khóa máy. Cuối cùng, có một máy đổ chuông, chị hét lên lạc giọng “Anh ơi, chồng em cấp cứu ở bệnh viện Đa khoa…” Rồi, bỗng nhiên các Blouse trở nên nhiệt tình, bận rộn hẳn lên.

Chỉ một mũi trợ tim đặc biệt, gương mặt tím tái của anh dần chuyển sang vàng nhạt, tròng mắt trở lại vị trí bình thường. Ai đó thốt lên khe khẽ “sống rồi”.

Anh được chuyển đến Khoa cấp cứu hồi sức giành cho những người bệnh nặng. Cứ khoảng 10 người vào đây thì 9 người sau đó sẽ bị đưa thẳng xuống nhà xác hoặc giao về gia đình lo hậu sự.

Mọi người đỡ anh vào chiếc giường mới thay drap, nơi bệnh nhân nằm trước đó đã chết cách đây 30 phút. Lập tức ống thở và các loại dây nhợ gắn chằng chịt khắp thân thể anh nối với một màn hình nhấp nháy, loằng ngoằng những đồ thị hình sin, phát ra những tiếng tít tít chậm rãi, đều đều, vô cảm.

Đó là một thế giới hoàn toàn biệt lập, bao trùm không khí lạnh lẽo, chết chóc. Mọi liên hệ với bên ngoài chỉ qua một ô cửa nhỏ, diện tích chừng 0,5 mét vuông trên bức tường dày ở hành lang. Mỗi bệnh nhân chỉ được một người thân chăm sóc.

Chị nhẫn nại lắng nghe tiếng tít tít, theo dõi biểu đồ trên màn hình, chăm chồng ăn uống, thuốc men và vệ sinh… Đêm đêm chị thức ròng, mắt trũng sâu và đầu ong ong như muốn vỡ, nhiều khi mệt quá chị gục lên thành giường thiếp đi rồi gật mình choàng tỉnh, vội nắm lấy tay anh.

Hôm đầu tiên ở phòng bệnh nặng, anh muốn đi vệ sinh, chị cầm chiếc bô bẹt loại giành cho bệnh nhân không thể ngồi dậy, nhưng anh khẽ huơ tay, đòi đưa anh đến toilet. Chị đang lúng túng chưa biết xử lý thế nào, vì người anh chằng chịt dây nhợ, ống thở không được phép gỡ ra.

Một nữ hộ lý đang lau sàn nhà nhìn anh mỉm cười hiểu ý, cô nhanh nhẹn đi lấy một bộ khung rèm vải sẫm màu, quây xung quanh giường bệnh, tạo thành căn phòng riêng kín đáo.

Bệnh nhân ở giường bên cạnh là một bà cụ trên 80 tuổi, hôn mê sâu, hy vọng sống rất mong manh. Từ hôm vào đây chị chỉ thấy duy nhất người con trai trạc tuổi 50 chăm sóc cụ.

Được biết, gia đình anh neo người, mẹ góa chồng từ thời trẻ, em gái theo chồng định cư ở nước ngoài. Vợ bán hàng ngoài chợ kiếm sống, lo cho 2 đứa con ăn học. Một mình anh xoay xở chăm mẹ.

Trông anh mệt mỏi phờ phạc nhưng rất tận tình, chu đáo. Mỗi lần thay bỉm cho mẹ, anh dùng chiếc khăn vải mềm nhúng nước ấm, nhẹ nhàng lau cơ thể già nua tàn tạ của bà.

Cái chỗ nhạy cảm nhất, nơi cách đây 5 thập kỷ anh chào đời cất tiếng khóc làm người, giờ teo túm lại, nhỏ xíu và trơ toen hoẻn… Thật ái ngại, cảm thương. Trái tim chị nhói lên nỗi xót xa, chạnh nghĩ thân phận mình sau này.

Chị thầm cầu mong trời cho chị khỏe mạnh để chăm sóc chồng và những người ruột thịt của mình. nếu phải ra đi thì cũng nhanh chóng, nhẹ nhàng, đừng bắt con mình phải làm cái việc như người con trai của bà mẹ kia, tội nghiệp.

Đau lòng lắm…Chỉ vợ chồng mới có bổn phận yêu thương và nhẫn nại để lo cho nhau lúc về già bệnh tật, rủi ro. Nhưng đâu phải cặp vợ chồng nào cũng ăn đời ở kiếp. Rồi cũng có người đi trước, đi sau… Nghĩ đến đó, chị rùng mình nghe một dòng nước lạnh như băng chạy dọc sống lưng.

Ơn Trời, sau một tuần điều trị tích cực, sức khỏe của anh tiến triển tốt, huyết áp, tim mạch đã tạm ổn, anh được chuyển sang phòng chăm sóc bệnh nhân thường.

Chị thu xếp đồ đạc, chào những bệnh nhân và người nhà còn ở lại với một tâm thế nhẹ nhõm như vừa thoát khỏi cõi chết, sung sướng được thấy lại nụ cười, ánh mắt tươi tắn đầy sinh khí trên gương mặt của chồng.

Phòng bệnh nhân thường không được sạch sẽ khang trang như phòng cấp cứu đặc biệt, lại đông đúc ồn ào, nhưng quen thuộc, ấm áp một cõi sống. Đêm đầu tiên sau những đêm thức trắng, chị vẫn gọi café, nhưng chồng chị ngăn lại, nói “ Đừng uống café, đêm nay em ngủ thẳng giấc đi, cần gì anh sẽ gọi”.

Chị hơi lưỡng lự, anh động viên “Yên tâm đi mà, anh khỏe rồi”. Chị lấy chiếc chiếu nhỏ trải xuống lối đi bên cạnh giường của anh để ngả lưng. Anh kéo tay chị, nói “Lên đây nằm với anh”, rồi anh nhích vào phía sát tường.

Chị vừa đặt lưng xuống giường, anh vòng cánh tay ôm ngang eo, hôn vào tai chị, nói “ Không có em thì anh đã chết rồi”. Chị nắm chặt tay anh như chiếc neo giằng giữ, vẫn lo anh sẽ bỏ chị mà đi. Nhưng chỉ một lúc sau thì chị đã chìm sâu vào mộng mị.

Đang dang dở giấc mơ, chị giật mình nghe tiếng một Blouse nói to “Dậy đi, dậy đi. Trời ơi, ở bệnh viện mà vợ chồng ôm nhau ngủ như ở nhà vậy kìa”. Chị bật dậy ngơ ngác, ngượng ngùng. Ánh sáng ban mai trong lành đã tràn ngập căn phòng.

Chị cảm nhận những hạt máu trong mình đang cuồn cuộn reo vui. Một người đàn bà chăm chồng bệnh ở giường đối diện tỏ ý cảm thông, nói “ Được một giấc ngon lành, đỡ mệt rồi ha..” Chị gật đầu cám ơn rồi dọn dẹp gọn gàng khoảng không gian bé nhỏ của mình, giúp chồng vệ sinh, chuẩn bị một ngày mới đầy hy vọng.

TG: Lê Khánh Mai