Chuyện ít biết về ngôi Đền Quán Thánh nghìn năm tuổi, linh thiêng trấn phía Bắc của Hà Nội

 

Đền Quán Thánh nằm bên bờ Hồ Tây (Hà Nội) gắn với tiếng chuông Trấn Vũ đã cùng nhau hòa nhịp với thiên nhiên, góp phần tạo nên khung cảnh lãng mạn, nên thơ, không kém phần cổ kính, mang dấu ấn uy nghiêm và huyền bí của mảnh đất ngàn năm văn hiến.

Đền Quán Thánh nằm trên góc đường Cổ Ngư xưa (nay là đường Thanh Niên) phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: Kim Duyên.

Đền Quán Thánh, tên chữ là Trấn Vũ Quán, có từ đời Lý Thái Tổ (1010 – 1028), thờ Huyền Thiên Trấn Vũ – một trong bốn vị thần được lập đền thờ để trấn giữ bốn cửa ngõ thành Thăng Long khi xưa (Thăng Long tứ trấn). Ngày nay, đền Quán Thánh nằm trên trục đường Thanh Niên, phường Quán Thánh, quận Ba Đình, TP.Hà Nội.

“Tứ trấn” được xây dựng từ rất sớm, gắn liền với việc ra đời kinh đô Thăng Long thời nhà Lý từ những năm 1010. 4 ngôi đền thiêng được dựng lên để thờ 4 vị thần trấn giữ những vị trí huyết mạch của mảnh đất Thăng Long. Có lẽ cũng từ đó, khi nhắc đến “Thăng Long tứ trấn” người dân Thủ đô nhớ ngay đến 4 ngôi đền: Đền Bạch Mã; Đền Voi Phục; Đền Kim Liên; Đền Quán Thánh và coi đó là những ngôi đền linh bậc nhất Hà Nội.

Đến đền Quán Thánh trấn phía Bắc để tìm hiểu kĩ hơn về những câu chuyện linh thiêng gắn liền với địa danh này, chúng tôi như được “nạp” thêm một trang thông tin lịch sử mới sau nghe bà Trần Lệ Thúy – cán bộ Ban quản lý di tích đền Quán Thánh kể những câu chuyện gắn liền với đền Trấn Vũ.

Thần thoại về Huyền Thiên Trấn Vũ

Trong hậu cung, trưng bày một số hiện vật bằng đồng. Ảnh: Kim Duyên.

Trong truyền thuyết Việt Nam, Trấn Vũ là vị thần ở núi Sái (nay thuộc làng Thụy Lôi, huyện Đông Anh) có công giúp An Dương Vương trừ tà ma quấy rối việc xây thành Cổ Loa. Ông từng du ngoạn Hồ Tây và trừ hồ tinh 9 đuôi lẩn quất ở núi đá bên cạnh Hồ Tây.

Truyền thuyết xưa cũng kể rằng: Huyền Thiên Trấn Vũ là thần cai quản phương Bắc giúp dân trừ tà ma, yêu quái; trừ rùa thành tinh (đời Hùng Vương 14); trừ cáo chín đuôi ở Tây Hồ; diệt hồ ly tinh trên sông Hồng (đời Vua Lý Thánh Tông).

Cũng theo tài liệu của Ban Quản lý đền Quán Thánh, còn một truyền thuyết nữa liên quan đến Huyền Thiên Trấn Vũ. Đời Hùng Vương, tại rừng Thiết Lâm, làng Long Đỗ có hồ tinh 9 đuôi làm hại dân. Ngọc Hoàng sai thần Huyền Thiên hạ giáng, dùng phép thuật giết hồ tinh rồi cả khu Thiết Lâm sụp xuống thành hồ (tức là Hồ Tây ngày nay). Vì thế, Vua Lý Thái Tổ sau khi xây thành Thăng Long đã cho lập đền thờ Huyền Thiên ở phía Tây Bắc thành để trấn yêu quái.

Nhưng có lẽ, câu chuyện về đền Quán Thánh và “Thăng Long tứ trấn” vào thời nhà Lý được người dân biết đến nhiều hơn. Lý Thái Tổ (1010–1028) sau khi dời đô ra Thăng Long đã đến núi Sái cầu Huyền Thiên và sinh được hoàng tử. Thấy công đức của Huyền Thiên rất to lớn, nhà vua đã cho xây đền Trấn Vũ (tức đền Quán Thánh) ở phía Bắc kinh thành, xin rước hiệu duệ Huyền Thiên về ở đó để thờ. Đền Quán Thánh được coi như trấn Bắc Thăng Long từ đó.

Hiện nay, tại hậu cung đền Trấn Vũ có pho tượng làm từ đồng đen chính là pho tượng tạc Huyền Thiên Trấn Vũ. Chiều cao của pho tượng này là 3,96m nặng 4 tấn. Toàn bộ pho tượng được đúc từ đồng đen và đặt trên một phiến đá cẩm thạch.

Bàn tay trái của thánh Trấn Vũ đặt trước ngực bắt ấn huyền pháp; tay phải đặt lên thanh kiếm có rắn quấn quanh; thanh kiếm lại được chống lên một con rùa. Cả hai linh vật phong thủy ý nghĩa này gắn liền với thần thoại về Huyền Thiên Trấn Vũ.

Điểm đến linh thiêng trong hoạt động tín ngưỡng của người dân

Theo lời kể của bà Thúy, đền Quán Thánh là nơi thường xuyên thực hiện các hoạt động tâm linh, tín ngưỡng của người dân trên mọi miền Tổ quốc.

Pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ được đúc bằng đồng đen vào năm 1677, cao 3,96 m, nặng 4 tấn. Ảnh: Kim Duyên.

Đặc biệt, vào những ngày lễ, Tết ngôi đền có tiếng linh thiêng bậc nhất đất Thăng Long tiếp đón rất nhiều du khách thập phương các tỉnh thành trên cả nước, và cả du khách nước ngoài về đây để thắp hương, lễ bái.

“Còn vào những ngày tuần (rằm, mùng 1), đa phần người dân đến thắp hương, lễ bái để cầu sức khỏe, cầu công việc và cầu bình an”, cán bộ Ban quản lý di tích đền Quán Thánh thông tin.

Thường xuyên đến đền cầu bình an cho gia đình, chị Nguyễn Thị Quy ( ở quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: “Mặc dù nhà ở bên Long Biên, thế nhưng vào các ngày lễ trong tháng, trong năm tôi đều ra đây để thắp hương, cầu cho gia đình sức khỏe, làm ăn may mắn, thuận lợi và cầu cho con cái học tập kết quả tốt. Những lúc rảnh, tiện đường đến cơ quan tôi lại ghé vào thắp hương”.

Đền Quán Thánh luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân, khách du lịch. Ảnh: Kim Duyên.

Cũng tới đền dâng hương, anh Trần Văn Hoan sinh sống tại Hải Phòng nói: “Mỗi dịp lễ Tết hoặc khi rảnh rỗi tôi luôn sắp xếp công việc, thời gian để về đây thắp hương. Tới đây tôi có cảm giác thanh thản, yên bình”.

Với lịch sự hình thành, kiến trúc nghệ thuật độc đáo, những bảo vật quý giá và cả những truyền thuyết kỳ bí, đền Quán Thánh là một trấn trong “Thăng Long tứ trấn” của mảnh đất ngàn năm văn hiến.