Hãy ngừng sử dụng câu “Con gái là người tình kiếp trước của cha”: Vì nó thể hiện sự lệch lạc trong tư duy.

Hãy ngừng sử dụng câu “Con gái là người tình kiếp trước của cha”: Vì nó thể hiện sự lệch lạc trong tư duy.

Tình yêu ấy mãi mãi không thể so sánh với thứ tình yêu trai gái, tình nhân, hay một thứ tình nào khác được.

Gần đây, lướt báo mạng, các trang xã hội, thậm chí là các diễn đàn, ta có thể bắt gặp dày đặc câu trích dẫn: “Con gái là người tình kiếp trước của cha”. Trong khi đó, với nhiều người, câu nói này lại khiến họ… ghê ghê. Nếu bạn cũng “thấy ghê” như vậy, hãy thở phào vì bạn không đơn độc.

Từ trước đến nay, câu nói này vẫn được sử dụng trong một ngữ cảnh liên hệ đến tình cảm thiêng liêng giữa cha và con gái, mang hàm ý: đối với con gái, cha luôn chiều chuộng, nâng niu, cư xử nhẹ nhàng. Đó là những tình cảm mà cha ít khi thể hiện với con trai, thậm chí là với… mẹ của chúng. Vì lẽ đặc biệt đó mà câu nói “con gái là người tình kiếp trước của cha” được nhiều người sử dụng.

Đừng làm vẩn đục tình cha con

Đứng đầu hàng ngũ những người lên án câu nói này là MC Thảo Vân. Chị lý luận: “Tôi không thích cách nghĩ và cách nhìn nhận đó. Tình cha con là một thứ tình cảm thuần khiết, trong sáng và cao cả. Nó tuyệt đối không thể ví với một dạng tình cảm khác, kiểu tình cảm yêu đương đôi lứa. Làm sao có thể so sánh cách một người cha âu yếm con gái, yêu thương con gái mình lại giống như cách một người đàn ông âu yếm người yêu của mình được nhỉ, để mà nói “con gái là người tình kiếp trước của cha”? Bạn nghĩ xem, suy nghĩ ấy và cách nhìn nhận ấy thật đáng sợ! Trong con mắt của tôi, nó nhuốm màu loạn luân”.

Chị H.N.G. (Củ Chi, TP.HCM) sắp đón một cô con gái chào đời giữa tháng Sáu này thì khẳng định: “Mình thực sự căm ghét câu đó. Mỗi lần thoáng thấy lại bùng lên cảm giác kinh tởm. Cha yêu thương con cái là lẽ đương nhiên, dù con trai, con gái, con nuôi hay con ruột. Mình không có nhiều lý lẽ để phản đối câu nói này, dù mỗi khi nghĩ đến đều khó chịu. Đây đơn thuần là cảm giác bức bối của một đứa con gái và sắp có con gái. Cha con là cha con, người tình là người tình, đừng liên hệ kiểu xàm xí như vậy”.

“Người tình kiếp trước của cha” thực chất là gì?

Không ai biết chính xác nguồn gốc câu nói này từ đâu. Có người bảo đó là nhân quả luân hồi kiếp trước-kiếp sau trong giáo lý nhà Phật: “Có thể người vợ ở kiếp này là người bạn chôn kiếp trước, tới trả nợ cho bạn. Đứa con trai kiếp này là chủ nợ của bạn ở kiếp trước, tới để đòi món nợ bạn chưa trả. Đứa con gái ở kiếp này, là người tình ở kiếp trước, tới vì tình cảm chưa dứt. Người tình kiếp này, là vợ chồng của kiếp trước, tới nối tiếp phần duyên phận chưa dứt…”.

Có thể thấy rõ ý nghĩa của giáo lý này: kiếp trước bạn gieo gì thì kiếp sau bạn sẽ gặt nấy, kiếp trước bạn nợ ai, thì kiếp sau bạn sẽ phải trả cho xong, duyên phận ở kiếp trước chưa dứt, thì kiếp sau sẽ phải gặp gỡ để kết thúc cho vuông tròn. Câu nói “con gái là người tình ở kiếp trước của cha” không nằm ngoài ý nghĩa rộng lớn đó, nhưng khi tách riêng ra để minh họa cho tình cha con, thì nó lại bị hiểu sang nghĩa khác.

Cũng có người cho rằng câu nói này dựa theo thuyết Oedipus của nhà phân tâm học Sigmund Freud. Theo đó, trẻ gái có khuynh hướng gắn bó với cha vì mối quan hệ đặc biệt về giới tính. Sigmund Freud lý giải tình yêu đứa trẻ dành cho đấng sinh thành khác giới cũng đồng nghĩa với sự ghen ghét mà nó dành cho đấng sinh thành đồng giới.

Bé gái trải qua mặc cảm Electra, khi bắt đầu nhận thấy mình không có dương vật và giận mẹ vì “thảm họa” đó. Bé liền chấm dứt đối tượng yêu ban đầu là mẹ để hướng tới cha. Freud tin rằng, mặc cảm Electra bị phân tán ở bé gái khi bé tiếp nhận các giá trị và hành vi phụ nữ từ mẹ để hấp dẫn cha. Cùng với thời gian, “thảm họa dương vật” giảm dần và bé lại gần gũi mẹ.

Đây chính là mâu thuẫn khiến con gái thích gắn bó với cha hơn và nhu cầu được thể hiện tình cảm với cha của con gái hết sức tự nhiên. Nhưng, điều này giải thích cho một hiện tượng khác, chứ không phải để nói rằng: “Con yêu bố vì con đã từng là người tình của bố ở kiếp trước, giờ ta tiếp tục”.

Chúng ta không thể không băn khoăn một điều, những câu chuyện về nạn ấu dâm, loạn luân, liệu có phần nào ảnh hưởng từ những suy nghĩ có phần lệch lạc và dễ dãi này? Có phải những hành động âu yếm, ngủ chung (thậm chí khi con đã lớn) của cha và con gái, đã phần nào thúc đẩy tình cảm này đi xa hơn, đến một lúc nào đó, chuyện đáng xấu hổ xảy ra, bất chấp cả luân thường đạo lý? Tất nhiên chẳng ai mong muốn điều này, nhưng rõ ràng ai có thể lường trước được chuyện gì xảy ra với con mình.

Tình yêu của con cái dành cho cha mẹ là vô cùng trong trẻo, thuần khiết, bắt nguồn từ sự ngưỡng mộ và kính trọng. Để có được tình yêu ấy từ con, cha mẹ đã, đang, và luôn là một tấm lá chắn mạnh mẽ, dìu dắt con mình bằng tất cả sự thương yêu và chở che.

Tình yêu ấy mãi mãi không thể so sánh với thứ tình yêu trai gái, tình nhân, hay một thứ tình nào khác được. Làm gì có thứ tình yêu nào trên đời thiêng liêng hơn tình phụ-mẫu-tử để mà so sánh chứ?