Từ cô gái hái dâu thành vợ vua, hai lần buông rèm nhiếp chính?

Từ cô gái hái dâu, chăn tằm, bà trở thành vợ vua, hai lần buông rèm nhiếp chính, thay vua lo toàn bộ việc triều chính, giúp đất nước hưng thịnh.

Ỷ Lan tên thật là Lê Thị Yến (cũng có sách ghi là Lê Thị Yến Loan hay Lê Thị Khiết), sinh năm 1044, là cô gái hái dâu, chăn tằm ở làng Thổ Lỗi, ngoại thành Thăng Long, nay là xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Theo cuốn Giản yếu sử Việt Nam, năm 1063, vua Lý Thánh Tông tuổi đã 40 nhưng chưa có con trai nối dõi nên cùng cận thần đi lên phía Bắc chùa Pháp Vân (nay là chùa Dâu, thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) cầu tự. Dọc đường, nhà vua thấy cô thôn nữ hái dâu đứng tựa vào gốc lan thản nhiên coi như không có chuyện gì khi vua đi qua nên lấy làm lạ, bèn cho mời đến trước xa giá hỏi chuyện. Thấy nàng vừa xinh đẹp, ăn nói lễ phép, dịu dàng nên vua đưa vào cung làm cung phi, phong làm Ỷ Lan phu nhân (“Ỷ Lan” nghĩa là đứng tựa vào cây lan).

Vào cung, Ỷ Lan sinh hạ được hai con trai, trở thành người phụ nữ quyền lực nhất sử Việt khi hai lần buông rèm nhiếp chính, thay vua lo toàn bộ việc triều chính, giúp đất nước hưng thịnh.

Bà Ỷ Lan rất được vua sủng ái. Thay vì trau chuốt nhan sắc, bà quan tâm đến việc triều đình. Bà khổ công học hỏi, miệt mài đọc sách nên chỉ trong thời gian ngắn đã hiểu biết uyên thâm về nhiều mặt, khiến mọi người kinh ngạc, bái phục.

Ba năm sau, Ỷ Lan sinh được hoàng tử, lấy tên là Càn Đức (tức vua Lý Nhân Tông sau này). Vua càng thêm yêu và phong Ỷ Lan làm Nguyên phi – đứng đầu các cung phi, chỉ sau Hoàng hậu, còn con trai được lập làm Thái tử.

Năm 1069, vua Lý Thánh Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành ở phía Nam, dù trong triều có Tể tướng Lý Đạo Thành và Hoàng hậu Thượng Dương, vua chỉ tin tưởng giao quyền nhiếp chính cho Nguyên phi Ỷ Lan, nghĩa là bà được toàn quyền quyết định khi vua vắng mặt.

Đại Việt sử ký toàn thư nhắc chuyện khi vua đánh Chiêm Thành mãi không được, đem quân về đến châu Cư Liên thì nghe tin nguyên phi Ỷ Lan trị nước rất giỏi. Lòng dân vui vẻ, trong cõi yên tĩnh, tôn sùng Phật giáo, nhân dân gọi bà là Quan Âm. Lúc này vua nói: “Nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là đàn ông thì được việc gì”. Nói rồi vua cho quân quay lại đánh tiếp và giành thắng lợi.

Sau lần nhiếp chính khi vua đi đánh giặc, bà Ỷ Lan còn buông rèm nhiếp chính ở đời vua Lý Nhân Tông – con trai bà. Năm 1072, Lý Thánh Tông mất, thái tử Càn Đức mới 6 tuổi lên ngôi. Triều Lý không tránh khỏi rối ren. Nhưng khi Ỷ Lan nhiếp chính thì đất nước nhanh chóng ổn định. Bà vừa dạy nhà vua lớn khôn thành tài, vừa cùng Lý Thường Kiệt và Lý Đạo Thành trông coi việc nước, đạt được nhiều thành tựu. Năm 1077, khi nhà Tống đem quân xâm lược, Ỷ Lan đã huy động toàn dân đoàn kết, giành chiến thắng trước kẻ thù.

Bà Ỷ Lan từng bị giới sử học phê phán khi gây ra cái chết của Dương Thái hậu và chính bà cũng vô cùng sám hội về tội lỗi của mình.

Khi vua Lý Thánh Tông qua đời, thái tử Càn Đức (Lý Nhân Tông) lên ngôi. Theo luật lệ, Thượng Dương Hoàng hậu được phong làm Thái hậu, cùng dự việc triều chính vì vua còn nhỏ. Còn Ỷ Lan chỉ được tôn làm Thái phi, không được xen vào việc triều chính.

Về việc này, Đại Việt sử ký toàn thư viết Ỷ Lan cho mình là mẹ đẻ mà không được dự chính sự, mới kêu với vua rằng “Mẹ già này khó nhọc mới có ngày nay, mà bây giờ phú quý người khác được hưởng, toan để mẹ già này vào đâu?”. Vua bèn sai giam Dương Thái hậu và 76 thị nữ vào cung Thượng Dương rồi bức phải chết, chôn theo lăng Thánh Tông” (có sách ghi là 72 cung nữ). Vua tôn mẹ mình làm Linh Nhân Hoàng thái hậu, được nắm quyền buông rèm nhiếp chính.

Năm 1117, Thái hậu Ỷ Lan mất, thọ hơn 70 tuổi, được vua Nhân Tông dâng thụy hiệu là Phù Thánh Linh Nhân Hoàng Thái Hậu. Dù có một “vết nhơ”, lịch sử không thể phủ nhận công lao của bà. Đền thờ chính của bà hiện ở Gia Lâm, Hà Nội, được đặt tại chùa “Linh Nhân Từ Phúc Tự” (dân gian thường gọi là “chùa Bà Tấm”).