Câu chuyện dưới đây nghe qua có chút hoang đường, nhưng chúng ta đừng vội đưa ra phán xét, hãy đợi đến khi đọc xong, chúng ta sẽ cùng nhau thảo luận…
Một buổi sáng sớm, sau khi sư tử tỉnh dậy, nó cảm thấy hôm nay không giống như mọi ngày, nó rất khó chịu, tức tối nhìn quanh, rồi bắt đầu gầm thét. Tiếng gầm đầy dũng mãnh và uy phong của nó đã phá tan đi không gian yên tĩnh của cả khu rừng.
Nguyên lai là, có một đám thú nhỏ, trong lúc chơi đùa, đã nhân lúc sư tử ngủ say mà dán vào đuôi sư tử một cái nhãn tên, trên đó viết “Con lừa”, còn có cả số thứ tự, có ngày tháng, có dấu đỏ, bên cạnh còn có cả chữ ký…
Sư tử rất căm tức: “Thế này là sao, những thứ này ở đâu ra vậy nhỉ? Phải xử lý thế nào đây?”. Rồi nó chợt nghĩ: “Những con số này, con dấu này khẳng định là có lai lịch. Mình có nên xé cái nhãn tên này đi không nhỉ? Không nên! Nếu lỗ mãng mà xé đi, thì khó tránh phải gánh lấy trách nhiệm”.
Vậy là sư tử quyết định đường đường chính chính mà vứt bỏ đi cái nhãn tên kia, trong lòng nó tràn đầy tức giận đi gặp muông thú.
“Ta có phải sư tử hay không?”, nó kích động chất vấn đám thú xung quanh.
“Ngươi chính là sư tử”, sói chậm rãi trả lời. “Nhưng chiểu theo quy định, ta phải xem ngươi như là một con lừa”.
“Làm sao ta có thể là con lừa được! Ta từ xưa tới nay có ăn cỏ khô bao giờ đâu. Muốn biết ta có phải là sư tử hay không, hãy nghe chuột túi nói là sẽ rõ”.
Chuột túi nói: “Bề ngoài của ngươi chính là một con sư tử, không có gì phải nghi ngờ. Nhưng rốt cuộc ngươi có phải sư tử hay không, ta cũng không biết rõ”.
Tâm lý sư tử bắt đầu hoảng loạn, nó hét vào mặt con lừa: “Đồ con lừa! Sao ngươi vẫn còn chưa lên tiếng? Chẳng lẽ ta lại giống như ngươi, một loài súc vật hay sao! Ta cũng chưa bao giờ ngủ trong chuồng của gia súc hết!”.
Con lừa nghĩ ngợi một lát, rồi nói: “Ngươi có lẽ không phải con lừa, nhưng ngươi cũng không còn là sư tử”.
Sư tử phí công đi khắp nơi để dò hỏi, kết quả, tất cả con thú khác đều chẳng hề cho rằng nó là sư tử, thậm chí còn nói nó có phần giống con chó lông dài.
Sư tử bắt đầu trở nên thấp kém, nó thỉnh cầu sóc làm chứng, rồi lại nhờ cáo giải thích, nhưng cuối cùng chỉ nhận được cái nhìn thương cảm.
Bộ dạng của sư tử bắt đầu tiều tụy, nó phải nhường đường cho con này, nhường đường cho con kia, phong thái oai hùng của nó ngày xưa không còn sót lại được chút gì. Qua mấy ngày, đám thú bỗng nghe thấy trong động sư tử truyền ra tiếng “Hí, hí” của con lừa…
Trong chúng ta, có ai đã hiểu ngụ ý của câu chuyện?
Trẻ em sau khi đến một độ tuổi nhất định, chúng sẽ dựa vào những lời đánh giá bên ngoài để định vị bản thân mình. Khái niệm về đẹp, xấu sẽ thông qua cha mẹ hoặc những người bên cạnh mà bắt đầu tiến nhập vào ý thức của chúng.
Loại âm thanh thứ nhất: Da của con đen quá! Mũi của con thật xấu! Con giống một con vịt xấu xí.
Loại âm thanh thứ hai: Mắt của con thật to và đẹp! Ngón tay con thật xinh! Con giống như một thiên thần!
Thế là, những đứa trẻ đối với bản thân mình bắt đầu có chỗ nhận định: Mình là đứa trẻ xấu xí; mình là đứa trẻ xinh đẹp… Thời gian dần qua, đứa trẻ được cha mẹ coi là xinh đẹp, mỗi ngày trên mặt đều sáng ngời, tinh thần phấn chấn; còn đứa trẻ bị coi là xấu xí, thì đi đâu cũng chỉ biết cúi đầu, nói không ra thành tiếng.
Điều này được gọi là “quan niệm tự ngã”. Chính cha mẹ đã giúp con cái hình thành nên một loại nhận thức tự đánh giá mình. Cái nhận định này thường kéo dài cả đời, từ một khái niệm ban đầu, rồi dần dần trở thành sự thực.
Giáo dục gia đình, thực sự là một loại giáo dục vô cùng quan trọng, có thể giúp cho con trẻ hình thành khái niệm tốt hay xấu về mình, là nền tảng rất quan trọng để chúng phát triển sau này.
Ví dụ như, đứa trẻ không có khả năng leo lên đỉnh núi, bạn không thể nói: “Thật không có tiền đồ, em của con còn nhỏ hơn con cả mấy tuổi còn leo lên được, con như thế thật kém cỏi”. Đây chính là phóng đại năng lực, phóng đại thất bại.
Bạn cần đem thất bại đổi sang một góc độ khác, hãy nói với con: “Không sao đâu con, con đã rất cố gắng, hơn nữa so với lần trước, lần này đã là tiến bộ rồi, lần sau nhất định con sẽ leo được đến đỉnh núi”. Bằng cách này, chúng ta có thể giúp con trẻ tăng cường được ý chí của mình.
Tại phương diện thành tích cũng giống như vậy, khi con trẻ bị điểm kém, cha mẹ thường nói: “Sao con lại đần độn như vậy? Đề bài đơn giản như thế mà cũng không biết, con có phải là óc heo hay không?”… Đối với người lớn, đó chỉ là câu nói thuận miệng mà xuất ra, nhưng đối với con trẻ mà nói, chúng sẽ đem cái đánh giá này tiếp thu vào tư tưởng của mình: “Mình vốn là một người đần độn”.
Tích lũy qua tháng ngày, đứa trẻ sẽ chuyển những đánh giá của cha mẹ thành nhận định của chính mình: “Mình rất đần độn, mình không học tốt được bất kỳ môn nào”. Dần dần, đứa trẻ đối với học tập không còn có hứng thú nữa, thành tích cũng càng ngày càng kém.
Nếu như bạn dạy dỗ con cái, đừng ngần ngại chuyển sang một góc độ khác…
Con trẻ ngủ muộn, bạn nên nói rằng: “Con ngủ sớm đi mới có thể cao lên được, mẹ sẽ kể cho con nghe một câu chuyện trước khi ngủ nhé…”. Chứ bạn không nên nói: “Mặc kệ con! Thích ngủ hay không thì tùy, nhưng coi chừng ngày mai lên lớp trễ sẽ bị thầy phạt đứng đấy!”.
Con cái tóc tai không gọn gàng, bạn hãy nói: “Con chải tóc cho gọn gàng đi, như vậy sẽ càng đẹp trai hơn”. Chứ đừng nói: “Sao con lúc nào cũng rối bù vậy, khó coi chết đi được!”
Bạn giao cho con phơi đồ, con lại quên không phơi, bạn hãy nói: “Con có phải lại quên phơi quần áo rồi không? Lúc này đang rảnh, con đi phơi khô đi”. Chứ đừng nói: “Con lúc nào cũng không có trách nhiệm gì hết, giao cho con cái gì cũng không biết lo lắng”.
Cùng một sự việc, nhưng ngữ khí và thái độ khác nhau, sẽ biểu hiện ra năng lượng chính diện hay là năng lượng phụ diện. Bạn thử nghĩ, mỗi ngày con trẻ đều bị cha mẹ quở trách, mỗi ngày tiếp thụ năng lượng phụ diện, hỏi con cái có thể vui vẻ được không? Thể xác và tâm hồn có thể khỏe mạnh được không? Nói khó nghe một chút, điều này đối với con trẻ chính là một loại nguyền rủa.
Con của bạn vốn là một con sư tử dũng mãnh, nếu quả thật có một ngày chúng chậm rãi biến thành con lừa, bạn không nên chỉ biết nói rằng chúng không tốt, chúng không có tiền đồ. Kỳ thực, bạn là người đi theo con cái từ ngày đầu tiên, ngay tại lời nói của bạn, ánh mắt của bạn, từng cử động của bạn mà hình thành nên dáng điệu cho con trẻ.
Cha mẹ là người thân cận nhất của con, chúng mỗi ngày sẽ căn cứ theo thái độ của chúng ta mà tiến hành đánh giá đối với chính mình, hình thành “quan niệm tự ngã” của mình. Trách nhiệm của chúng ta, chính là cẩn thận trợ giúp con cái tin tưởng vững chắc vào bản thân mình, xem bản thân là một đứa trẻ ưu tú, một đứa trẻ dũng cảm kiên cường, một đứa trẻ thành thật, biết giữ chữ tín, một đứa trẻ thông minh trí tuệ…