Công chúa nào lấy vua của hai triều đại đối địch?

“Số đâu có số lạ lùng/Con vua lại lấy hai chồng làm vua” là câu ca dao dân gian truyền tụng về công chúa có số phận đặc biệt này.

1. Công chúa nào lấy vua của hai triều đại đối địch?

Công chúa Lê Ngọc Bình sinh năm 1783 (có tài liệu ghi 1785), là con út vua Lê Hiển Tông và Chiêu nghi Nguyễn Thị Điều, cũng là em gái cùng cha khác mẹ với công chúa Ngọc Hân. Dân gian lưu truyền Ngọc Bình nổi tiếng đẹp sắc nước hương trời, cơ thể có mùi hương vô cùng cuốn hút. Số phận đưa đẩy bà kết duyên cùng hai vị vua của hai triều đại đối địch là Cảnh Thịnh nhà Tây Sơn và Gia Long triều Nguyễn.

Là con của vua Lê nhưng lấy hai đời chồng là vua của hai vương triều đối địch nhau, công chúa Ngọc Bình trở thành người có số phận lạ lùng trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam. Vì vậy, hàng trăm năm qua, dân gian vẫn truyền tụng câu ca dao về bà: “Số đâu có số lạ lùng/Con vua lại lấy hai chồng làm vua”.

2. Bà lấy vua Cảnh Thịnh do được ai mai mối?

Ngọc Hân công chúa là con của vua Lê Hiển Tông và Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền. Bà được vua cha gả cho Nguyễn Huệ, khi Nguyễn Huệ đánh bại nhà Nguyễn ở Đàng Trong, tiêu diệt chúa Trịnh ở Đàng Ngoài.

Hai năm sau, tại Huế, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu Quang Trung, phong Ngọc Hân làm Hữu cung hoàng hậu. Năm 1792, Nguyễn Huệ đột ngột qua đời, con trai là Quang Toản, con của vua Quang Trung và hoàng hậu Bùi Thị Nhạn, nối ngôi lúc mới 10 tuổi, lấy niên hiệu là Cảnh Thịnh. Năm 1795, thái hậu Lê Ngọc Hân làm mối Ngọc Bình cho Quang Toản, công chúa trở thành chính cung nhà Tây Sơn khi 12 tuổi.

Cuộc hôn nhân giữa công chúa Ngọc Bình và hoàng đế Cảnh Thịnh đã đặt Ngọc Hân – Nguyễn Huệ, Ngọc Bình – Cảnh Thịnh vào mối quan hệ phức tạp. Ngọc Hân và Ngọc Bình vừa là chị em, lại vừa là mẹ chồng – nàng dâu. Vua Quang Trung và vua Cảnh Thịnh vừa là cha con, vừa là anh em cọc chèo có nhạc phụ là hoàng đế Lê Hiển Tông.

3. Lấy vua Gia Long, bà sinh được mấy người con?

Vua Gia Long lên ngôi vua năm 1802, là người sáng lập nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Khi đánh chiếm Phú Xuân, thấy hoàng hậu Ngọc Bình của vua Cảnh Thịnh trẻ đẹp, ăn nói dịu dàng, dáng điệu thướt tha, Nguyễn Ánh (vua Gia Long) muốn lấy làm vợ.

Mặc các cận thần kịch liệt phản đối vì cho rằng “thiên hạ thiếu gì đàn bà mà lại lấy thừa vợ của giặc”, vua Gia Long vẫn bỏ ngoài tai tất cả, ông trả lời bề tôi của mình rằng: “Tất cả giang sơn này, cái gì mà ta không lấy từ trong tay giặc, cứ gì một người đàn bà?”.

Ngọc Bình, sau đó được vua Gia Long phong làm phi và sinh được hai hoàng tử cho nhà Nguyễn là Quảng Uy công Nguyễn Phúc Quân và Thường Tín công Nguyễn Phúc Cự, cùng hai công chúa là Mỹ Khê Ngọc Khuê và An Nghĩa Ngọc Ngôn.

4. Bà mất năm nào?

Bà mất năm 1810, khi mới 27 tuổi, được ban thụy là Cung Thận Đức phi, an táng tại làng Trúc Lâm. Năm 2008, tẩm mộ được cải táng về đồi Mâm Xôi, thuộc khu Đồng Chầm, phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ngọc Bình rất ít được sử sách nhắc tới. Có những câu chuyện truyền tụng về cuộc đời bà cùng công chúa Ngọc Hân đã gây ra sự lầm lẫn. Trước đây, có nhiều tài liệu cho rằng, người lấy Nguyễn Ánh là Ngọc Hân nhưng trên thực tế Ngọc Hân đã mất từ năm 1799.

Dù không để lại nhiều ấn tượng nhưng bà là một phần lịch sử đặc biệt của ba triều Lê, Tây Sơn và Nguyễn.