Vị vua nhà Lý đổi tên nước từ Đại Cồ Việt thành Đại Việt nhằm nuôi hoài bão xây dựng đất nước văn minh, hùng mạnh.
Vua Lý Thánh Tông tên thật là Lý Nhật Tôn, sinh năm 1023, là con trưởng của vua Lý Thái Tông và thái hậu Kim Thiên Mai thị. Ông lên ngôi năm 1054, sau khi vua Lý Thái Tông mất. Sách Giản yếu sử Việt Nam có viết Lý Thánh Tông nổi tiếng thông minh, văn hay võ đều giỏi, giàu ý chí tự cường. Ngay sau khi lên ngôi, ông cho đổi tên nước từ Đại Cồ Việt thành Đại Việt, nuôi hoài bão xây dựng đất nước thành quốc gia văn minh, hùng mạnh.
Quốc hiệu Đại Việt tồn tại khoảng 723 năm, kéo dài từ năm 1054 đến 1804 nhưng không liên tục, bị gián đoạn 7 năm thời nhà Hồ và 20 năm thời thuộc Minh.
Quốc hiệu nước ta được đổi từ Đại Việt thành Đại Ngu vào năm 1400, sau khi Hồ Quý Ly lên ngôi, lập ra nhà Hồ, theo Đại Việt sử ký toàn thư. Chữ “Ngu” ở đây có nghĩa là yên vui, hoà bình.
Hồ Quý Ly chọn quốc hiệu này vì nhận mình là con cháu của Ngu Thuấn – một trong ngũ đế nổi tiếng của Trung Quốc thời thượng cổ. Nhiều sử gia như Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên đều chê cười việc “bắt quàng làm họ” này của ông. Đại Việt sử ký toàn thư có đoạn nhận xét: “Không phải mả nhà mình mà cúng là siểm nịnh”, “họ hàng xa xôi, các đời biến đổi, khó mà tin được”.
Năm 1803, vua Gia Long của nhà Nguyễn có ý định xin nhà Thanh đặt quốc hiệu là Nam Việt nhưng không được đồng ý do dễ gây nhầm lẫn với nước Nam Việt của Triệu Đà xưa. Vua Gia Long nhiều lần gửi thư biện giải, sau đó được đồng ý đổi tên nước là Việt Nam. Quốc hiệu này được tuyên phong và chính thức được sử dụng vào năm 1804.
Tuy nhiên theo sử sách, tên gọi Việt Nam có thể xuất hiện trước thời Nguyễn. Cuốn Dư địa chí đầu thế kỷ 15 của Nguyễn Trãi nhiều lần nhắc đến hai chữ “Việt Nam”. Ngay trang mở đầu tập Trình tiên sinh quốc ngữ của trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm hồi thế kỷ 16 cũng có câu “Việt Nam khởi tổ xây nền”. Hai chữ Việt Nam còn được tìm thấy trên một số tấm bia khắc từ thế kỷ 16-17. Bia Thuỷ Môn Đình (1670) ở biên giới Lạng Sơn có câu đầu “Việt Nam hầu thiệt, trấn Bắc ải quan” (đây là cửa ngõ yết hầu của nước Việt Nam và là tiền đồn giữ phương Bắc).
4. Vua Minh Mạng đổi quốc hiệu từ Việt Nam thành Đại Nam vào năm nào?
Vua Minh Mạng lên ngôi vào mồng 1 Tết Canh Thìn 1820 thì đến năm 1838 (năm Minh Mạng thứ 19), vua đổi quốc hiệu từ Việt Nam thành Đại Nam. Sự kiện này được phản ánh trong Mộc bản triều Nguyễn và được xác nhận bằng bản dụ của vua, bố cáo cho toàn thần dân trong nước và các nước biết.
Mộc bản triều Nguyễn sách “Đại Nam thực lục Chính biên đệ nhị kỷ” cho biết vua Minh Mạng giải thích việc đặt quốc hiệu là Đại Nam như sau: “Nay bản triều có cả phương Nam, bờ cõi ngày càng rộng, một dải phía Đông đến tận biển Nam, vòng qua biển Tây, phàm là người có tóc có răng đều thuộc vào trong bản bản đồ, bờ biển rừng sâu khắp nơi đều theo về cả. Trước gọi là Việt Nam, nay gọi là Đại Nam thì càng tỏ nghĩa lớn”.
Bản dụ cũng nhắc việc đổi thành Đại Nam bắt đầu từ năm Minh Mạng thứ 20, hết thảy giấy tờ xưng hô phải chiếu theo đó tuân hành.
Quốc hiệu Đại Nam tồn tại từ năm 1838 đến 1945. Nhưng thực tế, giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, hai tiếng Việt Nam được sử dụng nhiều bởi các nhà sử học và chí sĩ yêu nước, trong các tác phẩm và tổ chức chính trị.